Bịt “lỗ hổng” gây tổn thất
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mặc dù hàng năm ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản Việt Nam đạt sản lượng cao nhưng tỷ lệ thất thoát sau nuôi trồng, khai thác vẫn còn khá lớn, nhất là trong lĩnh vực khai thác. Ước tính mỗi năm Việt Nam phải chịu tổn thất sản lượng khai thác khoảng hơn 400.000 tấn, với trị giá khoảng 8.000 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính của những tổn thất này là do số lượng tàu khai thác, đánh bắt cá trên biển tuy nhiều, nhưng chủ yếu lại là tàu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác, chủ yếu áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay.
Ông Nguyễn Đăng Kiên - Cục Thủy sản cho rằng, hiện nay chỉ có các tàu có công suất lớn đã bố trí các hầm chứa sản phẩm có cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với các sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu cá nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm, thậm chí nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm đánh bắt theo đúng quy cách, do đó rất khó khăn cho việc bảo quản, sơ chế sau khai thác nên đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
"Một thực tế nữa là quy trình khai thác, đánh bắt thủy hải sản thường không ổn định. Tàu cá khi ra khơi đánh bắt trúng đàn thường quay vào bờ sớm, rút ngắn thời gian bám ngư trường, nhưng ngược lại nếu không trúng đàn thì thời gian đi biển phải kéo dài hơn khiến các sản phẩm đã khai thác sẽ bị ảnh hưởng chất lượng khi về bờ", ông Kiên nói.
Sản lượng tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn, đã và đang là thách thức nan giải cho ngành khai thác thủy sản Việt Nam. Với mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản xuống chỉ còn 10% theo Bộ NN-PTNT đề ra thì việc triển khai các giải pháp giảm tổn thất sau khai thác thủy sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam Bộ, hiện nay ngành chế biến như VASEP thì chỉ chế biến sâu sản phẩm khi đưa tới nhà máy, đang bị hổng từ chỗ nuôi, khai thác đưa vào bờ mới đến tới nhà máy. Đây chính là giai đoạn thất thoát lớn nhất mà rất khó kiểm soát, vì kiểm soát phải bằng thiết bị công nghệ. Do đó, cần có những sáng kiến, những giải pháp để làm giảm giá thành của sản xuất, nâng cao chất lượng của sản phẩm lên, nhất là ngành thủy sản liên quan về khai thác, chế biến, nuôi trồng.
Ứng dụng công nghệ phù hợp, cụ thể
Hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh ước đạt 170.63 tấn. Hiện tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của tỉnh là 4.664 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.768 chiếc, chiếm 59%.
Để tìm giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành chế biến thủy sản, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gợi ý: “Các doanh nghiệp công nghệ không nhất thiết phải nghiên cứu các hệ thống công nghệ thật lớn, công nghệ cao để đua tranh với thế giới, mà có thể tập trung vào nhóm công nghệ giải quyết các vấn đề cụ thể của từng doanh nghiệp, thậm chí từng công đoạn sản xuất nhằm cá nhân hóa công nghệ cho từng doanh nghiệp sẽ là một hướng đi mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Theo ông Hoài, nguyên liệu cho hoạt động chế biến hải sản sẽ ngày càng khan hiếm nên các doanh nghiệp nên chuyển nhanh sang sản xuất đóng gói nhỏ, đóng gói từng con, phục vụ cho nhu cầu của từng cá nhân và sấy khô thủy sản bằng năng lượng mặt trời…
Còn ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam Bộ cho rằng: "Các tàu chuyển sản phẩm sau đánh bắt nên ứng dụng công nghệ Nano để làm lạnh sâu, lạnh nhanh nhằm bảo quản tốt hơn hoặc sơ chế ngay trên tàu. Vì với con cá tạp sau khai thác đưa vào bờ mà không đủ đá bảo quản thì sẽ thành… cá phân, chỉ dùng làm bột cá cho gia súc, gia cầm chứ người không thể ăn được”.
Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua Sở đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản xây dựng hệ thống xử lý nước thải để sản xuất sạch hơn, hoặc áp dụng các hệ thống quản lý vào sản xuất, ứng dụng các đề tài, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vào doanh nghiệp. 300 dự án khởi nghiệp sáng tạo đã được tỉnh hỗ trợ, với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp và 5 tổ chức khởi nghiệp.
Ông Trần Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh này thông tin: Từ các cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành thủy sản trong những năm qua đã có một số giải pháp đột phá sáng tạo đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, giải quyết được những khó khăn, thách thức cũng như phát huy được những tiềm năng, lợi thế hiện nay của ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp có tính chất gợi mở cũng như cụ thể có thể áp dụng cho khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản. Cụ thể như sử dụng máy bắn tạp chất để phát hiện tạp chất và đẩy các tạp chất ra ngoài nguyên liệu nhằm tiết kiệm chi phí nhân công.
Đại diện Cục Thủy sản cũng nêu ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho đổi mới, sáng tạo trong ngành khai thác thủy sản. Đồng thời đưa ra các ứng dụng công nghệ trong khai thác, bảo quản và chế biến. Điển hình là ứng dụng tời thủy lực cho nghề chụp, nghề lưới rê đáy, đèn LED cho nghề chụp mực trong khai thác. Công nghệ đá sệt, công nghệ lạnh kết hợp, công nghệ Nano trong bảo quản và các quy trình rửa, sấy phun, chín sinh học khi chế biến thủy sản…
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện cơ cấu khai thác hải sản vùng lộng và vùng ven bờ, gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó, chú trọng chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; tập trung thực hiện công tác chống khai thác IUU; đồng thời khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản.
“Từ năm 2020 đến nay, với mục tiêu tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thuỷ sản, Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh và các tổ chức liên quan triển khai Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuộc thi đã thu hút sự tham của các cá nhân, tổ chức, các trường, viện, và doanh nghiệp khắp cả nước, với nhiều dự án khả thi được gửi về. Năm 2023, tiếp nối thành công từ những năm trước, Sở KH-CN tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi”, ông Trần Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết.