| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thủy sản chắt chiu từng đơn hàng

Thứ Năm 13/07/2023 , 11:29 (GMT+7)

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực này kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm, nhưng nhiều khó khăn vẫn hiện hữu.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), so với các tháng đầu năm 2023, hiện xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn so với tháng trước. Tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 4,13 tỉ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Biểu đồ: Hồng Thắm/Số liệu: VASEP.

Biểu đồ: Hồng Thắm/Số liệu: VASEP.

Trong đó, xuất khẩu tôm tháng 6 ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, nhưng vẫn giảm 18% so với tháng 6/2022 - đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỉ USD, giảm 31% so với nửa đầu năm 2022.

Đối với ngành hàng cá tra, xuất khẩu trong tháng 6 ước đạt 156 triệu USD, giảm 26% so với tháng 6/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng năm trước.

Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về chất lượng

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, đối với chương trình kiểm soát vi lượng, 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát hiện những mẫu nhiễm kháng sinh trong quá trình nuôi, trong đó có 8/743 mẫu vi phạm.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, trong 6 tháng đầu năm 2023, số đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị trả về do vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022 có 66 lô bị cảnh báo, nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ có 31 lô bị cảnh báo, trong đó có 15 lô liên quan đến dư lượng hóa chất, kháng sinh. Về mặt tỷ trọng đã giảm so với năm ngoái tuy nhiên cũng tương đương với khía cạnh tổng số thủy sản xuất khẩu giảm đều so với năm ngoái.

“Từ bây giờ đến cuối năm chúng tôi đã nhận được thông tin các đoàn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan, Ả rập Xê út, Nga… có kế hoạch đến Việt Nam để thanh tra, kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm”, ông Lê Bá Anh thông tin.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nhận định: “Về góc độ liên quan đến thị trường, xuất khẩu thủy sản và những khó khăn ở thời điểm này còn có thể còn kéo dài đến hết quý 3/2023. Trong bối cảnh hiện nay sự phục hồi của ngành sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài, dù hiện nay chúng ta đã gọi là thắt đáy, tức là đã giảm phần âm, đã hẹp đi một chút”.

Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn đến hết quý 3/2023. Ảnh: Hồng Thắm.

Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn đến hết quý 3/2023. Ảnh: Hồng Thắm.

“Hiện có rất nhiều đoàn kiểm tra liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của châu Âu vừa kết thúc, với việc họ phát hiện ra những chuỗi của chúng ta có một số vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh, cải thiện thì hiện nay ở góc độ của Hiệp hội cũng đang phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để tập trung cho những nội dung này nhằm có những biện pháp khắc phục cấp bách để phía châu Âu thấy rằng chúng ta đang có những biện pháp kịp thời. Tuy nhiên ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, có thể thấy rằng, trước bối cảnh khó khăn trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã và đang chắt chiu từng đơn hàng, từng cơ hội kinh doanh”, ông Nam nói.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, mặc dù sản lượng và diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng xuất khẩu thủy sản lại giảm sâu. Hy vọng từ đây đến cuối năm sẽ có nhiều cải thiện, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ tăng lên.

Theo đó, ông Luân cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành cần tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm như: Ô nhiễm môi trường; tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng; an sinh động vật; nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực khai thác như điều kiện làm việc trên tàu cá, an toàn thực phẩm tại các cảng cá, truy xuất nguồn gốc…

Ông Luân yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chủ động giải quyết trong công việc, kịp thời báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT để tháo gỡ những vướng mắc.

“Kết quả của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt được như mong muốn. Theo đó 6 tháng cuối năm chúng ta không phải nói nhiều, mà là tập trung vào việc làm gì để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra”, ông Luân nói.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.