| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

[Bài 3] Khoán 100, khoán 10 và sự thay đổi của sâu bệnh trên ruộng đồng

Thứ Sáu 09/07/2021 , 08:21 (GMT+7)

Ông Nguyễn Duy Hồng- giảng viên IPM thế hệ đầu tiên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tây chia sẻ những bí mật mà chỉ người trong giới mới biết…

Thuốc BVTV hóa học không phải là biện pháp chủ đạo

Thời HTX rong công phóng điểm, cấy thưa, ít bón phân nên không có mấy sâu bệnh. Khi đổi mới, bắt đầu từ khoán 100 rồi đến khoán 10, nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác đã thay đổi như mật độ cấy tăng lên cỡ 5 kg giống/sào, bón nhiều phân đạm… kéo theo sự thay đổi của dịch hại.

Ngay 1981 - năm đầu tiên khoán 100 dịch rầy nâu đã phát sinh trên toàn tỉnh Hà Tây cũ, nhiều cánh đồng, nhiều thửa ruộng bị khô lụi. Năm 1982 dịch sâu gai - thứ chưa từng có trong giáo trình rồi sâu đục thân; năm 1986 dịch rầy nâu; năm 1987 dịch bọ xít xanh, bọ xít dài; năm 1988-1989 dịch sâu đục thân; năm 1990 dịch sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn; năm 1991-1992 dịch đạo ôn gây thiệt hại khoảng 100.000 tấn thóc. Đói!

Cùng với đó là việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như huyện Ứng Hòa sử dụng 20 tấn cho chiến dịch trừ đạo ôn cổ bông vụ xuân 1992 nhưng vẫn thiệt hại nặng. Điều đó chứng tỏ thuốc BVTV không phải là biện pháp chủ đạo, mang tính quyết định trong diệt trừ sâu bệnh.  

'Qua kinh nghiệm tôi thấy thuốc BVTV hóa học không phải là biện pháp chủ đạo'. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Qua kinh nghiệm tôi thấy thuốc BVTV hóa học không phải là biện pháp chủ đạo". Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa cũng chính bởi quan niệm diệt trừ sâu bệnh mà năm 1942 nhà hóa học Thụy Sĩ là Paul Hermann Muller được trao giải Nobel vì khám phá ra DDT có sức mạnh rất lớn trong việc phòng trừ nhiều loại côn trùng. Phun cái là chết sâu ngay nên người ta mới nghĩ thuốc hóa học là biện pháp nhanh và hiệu quả. Cho đến năm 1950 khi chúng kháng được nó, các nhà khoa học luôn tìm kiếm các loại thuốc khác thay thế, số loại thuốc cứ thế tăng lên nhanh chóng.

Bà Majon Patrica của FAO trước đó đã sang Việt Nam từ năm 1988 làm thí nghiệm cả 3 miền để chứng minh rằng vai trò của thuốc BVTV không phải là yếu tố quyết định trong phòng trừ dịch bệnh.

Về sau, khi nhận ra những rủi ro của thuốc hóa học mang lại (sâu bệnh kháng thuốc, ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người) mới sinh ra phòng trừ tổng hợp (IPC) gồm các biện pháp: giống, canh tác, cơ giới vật lý, sinh học và thuốc hóa học. Khi đó việc lạm dụng thuốc BVTV ở phía Nam rất nhiều nên lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Tiền Giang năm 1992. Tôi đi học khóa ấy.

Nhiều người kể cả nhà khoa học, nhà quản lý đều nghĩ IPM là biện pháp kỹ thuật, sai hoàn toàn, IPM là phương pháp để cho nông dân tiếp cận với các kỹ năng rồi tự quyết định. Chủ thể quản lý dịch hại là nông dân bởi đồng ruộng của họ chứ không phải là ông cán bộ hay HTX. Nó thuộc về vấn đề xã hội học chứ không đơn thuần là kỹ thuật.

Cho nên phải cung cấp kiến thức cho nông dân để họ chủ động đưa ra các quyết định. Các nguyên tắc của IPM đều quan trọng nhưng hầu hết nghiêng về canh tác. Phương pháp giáo dục của IPM là trực tiếp, thực tế, làm để học, thảo luận để học, đề cao kinh nghiệm của nông dân trong thảo luận chứ không phải lên lớp thuyết giảng.

Nông dân cấy lúa bằng mạ non, rất thưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nông dân cấy lúa bằng mạ non, rất thưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn giảng viên không phải là thầy giáo mà chỉ là người hướng dẫn thực hành, tóm tắt thảo luận và cung cấp thông tin. Bàn học xếp hình chữ u, lớp chia thành các nhóm nhỏ để làm thí nghiệm trong nhà, ngoài đồng. Mọi vấn đề là học viên thảo luận trao đổi, trả lời với nhau, gần cuối buổi học giảng viên tóm tắt thảo luận, tóm tắt các biện pháp xử lý đồng ruộng, cung cấp thông tin để cả lớp thống nhất thực hiện. Khuyến khích sự tư duy để khám phá chứ không áp đặt. Sau 30 năm giờ trong giáo dục mới học theo nhóm, giáo viên là người hướng dẫn như kiểu lớp học IPM ngày xưa.

Trong quá trình học có nhiều trò chơi, bài tập về phương pháp truyền đạt, phương pháp hoạt động nhóm, văn nghệ để vui mà học và để cho mọi người thấy được nếu nghe sẽ nhớ rất ít, thậm chí còn sai lệch, chỉ có làm mới nhớ lâu. Ví dụ có trò chơi xếp một hàng 5 người và một hàng 10 người, người cuối nói thầm thông điệp vào tai người trước, số lượng người càng nhiều thì nội dung lại càng sai lệch. Nếu đi tập huấn về rồi truyền đạt lại cho người khác rất dễ sai như vậy.

Mô hình trồng su hào có che phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mô hình trồng su hào có che phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ví dụ khác viết chữ Nho song hỷ, kết quả hầu như mọi người không viết được từ đó cho thấy nếu không làm (viết hoặc cắt chữ song hỷ) thì có đi bao nhiêu đám cưới chỉ nhìn sẽ không nhớ được. Tôi rất ấn tượng là những người đi học IPM đầu vào khác nhau về trình độ, tuổi tác nhưng sau khi tập huấn về thì nói y hệt như nhau.

Các thông tin, kiến thức cung cấp cho nông dân phải cập nhật, phải thực tế. Trong các giáo trình, các kỹ sư đều cho rằng bón kali cho lúa sẽ cứng cây, chữa lốp, hạn chế bệnh. Tuy nhiên, thực tế ngược lại. Các thí nghiệm ở Trung tâm đào tạo giảng viên IPM, các lớp học đồng ruộng (FFS) cho thấy càng bón tăng kali lúa càng xanh, cây càng yếu, bệnh hại chủ yếu (đạo ôn, khô vằn, bạc lá…) càng tăng, năng suất càng giảm. Bởi bón nhiều kali đẩy đạm trong keo đất ra, bắt buộc cây phải hút làm tăng lượng đạm tự do trong lá khiến cho bệnh phát triển.

Khẩu hiệu hô một đằng nhưng lợi nhuận là trên hết

Khoảng năm 1989, 1990, World Bank có hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam một số tiền. Khi ấy Úc đã có quy định chặt chẽ về hóa chất, đã cấm thuốc 666 rồi nhưng lại qua World Bank để chở sang ta rất nhiều bởi Việt Nam chưa cấm. Hồi đó ở kho Chúc Sơn của Chi cục có anh bốc vác trời nóng còn cởi trần rồi vác những bao thuốc 666, ở kho Bình Đà có cái giếng múc nước lên còn sực mùi thuốc. Có 3 người ở kho Chúc Sơn cùng Chi cục tôi đã bị chết non hoặc ung thư. 

Các công ty thuốc BVTV bao giờ cũng hô khẩu hiệu vì nông dân, vì môi trường nhưng cuối cùng là lợi nhuận hết. Họ liên kết với các cán bộ kỹ thuật để viết bài, trình diễn, hội thảo, hội nghị sản phẩm, quảng cáo trên báo, trên truyền hình, phát quà, phát thuốc cho dân dùng thử… Lượng thuốc BVTV sử dụng cứ tăng vùn vụt. Trước chỉ vài công ty thuốc BVTV sau ra đời hàng loạt. Khi đã sinh ra rồi thì họ làm đủ mọi cách để bán được hàng.

Có lớp IPM ở trong Nam, giảng viên vừa đến thì học viên đã nói với tôi luôn: “Ô hôm qua chị S vừa nói cho công ty thuốc đấy”. Cũng là do thu nhập cả thôi. Chị là người nói dân nghe. Thế là hỏng, làm cộng tác viên khác gì làm “gián điệp” cho công ty thuốc, quảng cáo hàng cho họ thì khi nói về IPM sẽ phản tác dụng.

Ông Nguyễn Duy Hồng so sánh hai khóm lúa cấy kiểu cũ và kiểu mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Duy Hồng so sánh hai khóm lúa cấy kiểu cũ và kiểu mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hầu hết các tỉnh, thành không tính được lượng thuốc sử dụng tính trên đơn vị diện tích mà chỉ có Hà Tây cũ mà sau này là Hà Nội nhưng cũng chỉ là con số tương đối. Chúng tôi đã cho điều tra tất cả các cửa hàng còn các tỉnh, thành chỉ điều tra số lần, mà cho 3 loại thuốc vào 1 bình phun vẫn tính 1 lần thôi. Họ không có đủ người để thống kê vì không có đội ngũ cán bộ trồng trọt BVTV cấp xã như chúng tôi và cách thống kê cũng không đúng.

Các nhãn thuốc bao giờ cũng khuyến cáo độc hại nhưng tại sao nông dân đi phun thuốc không sử dụng bảo hộ? Thứ nhất là bất tiện, phun thuốc mà đeo mặt nạ thì thiếu khí, đeo găng tay thì nóng, không thật nên đi một lúc là tháo ra. Thứ hai là bảo hộ từ đầu đến chân rất đắt, thu nhập mỗi hộ có mấy sào ruộng thì không đủ mua một bộ đồ bảo hộ gồm áo, kính, mặt nạ, ủng, găng tay… đều nhập ngoại, cỡ mấy triệu.

Hội thảo đầu bờ ruộng lúa cấy theo kiểu mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hội thảo đầu bờ ruộng lúa cấy theo kiểu mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chi cục trưởng Chi cục BVTV đầu tiên ở phía Bắc được mời đi Nhật cũng do một hãng thuốc BVTV tài trợ bởi là địa phương tiêu thụ nhiều hàng nhất. Hồi ấy, vào đầu những năm 90, chuyện đi nước ngoài còn rất khó.

Khi chuyển sang IPM cộng đồng năm 1997-2000, tôi hay đi kiểm tra chéo ở Thái Bình, Nam Định. Công tác dự tính, dự báo ở Thái Bình rất chặt chẽ, nhất là sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn giai đoạn đòng - trỗ nhưng khi thông báo trên đài phát thanh - truyền hình thì toàn tỉnh đi phun. Trong khi đó sâu bệnh chủ yếu chỉ có ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy bởi bón nhiều đạm. Việc này còn ảnh hưởng sang cả Nam Định nữa bởi dân Nam Định nghe đài Thái Bình thông báo cũng đồng loạt phun.

Ở Hà Tây chúng tôi hướng dẫn phòng trừ cụ thể, các Trạm huyện cấm thông báo chung chung mà phải nói theo từng địa phương, từng cánh đồng, từng thửa ruộng, định ra từng ngày để phun đúng lúc sâu mới nở. Theo đánh giá của tiến sĩ Jonathan Pincus Đại học Luân Đôn (Anh) nghiên cứu những thay đổi của nông dân trước và sau khi tham gia lớp học đồng ruộng trong 3 năm 1996-1997-1998 trên 79 nông dân của 17 xã với 235 thửa ruộng cho thấy: Nông dân sau khi học đã thay đổi tập quán canh tác, giảm số lần sử dụng thuốc (từ 1,1 lần xuống 0,2 lần/vụ) trong đó thuốc trừ sâu giảm 80% (từ 0,74 lần xuống 0,1 lần/vụ), số thửa không sử dụng thuốc BVTV từ 40% tăng lên 82%, chi phí thuốc BVTV giảm từ 106 xuống 23 nghìn đồng/ha…

Lúa cấy thưa nên phát triển rất tốt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lúa cấy thưa nên phát triển rất tốt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ John Pontius được coi là ông tổ của đánh giá cộng đồng nhất là đánh giá thông tin định tính của IPM cộng đồng. Tuy nhiên, đánh giá thông tin định lượng lại có vấn đề. Khi ông cùng hướng dẫn cho các nhóm đánh giá ảnh hưởng của IPM tôi đã đưa ra một bài tập: “Đề nghị các vị cho biết ngày này cách đây 1 tháng, 6 tháng, 1 năm đã ăn gì?”. Tất cả người Việt Nam đều trả lời là cơm rau.

Tại sao ông, bà lại nhớ rõ thế? Tôi hỏi. Họ trả lời: “Vì nó lặp đi, lặp lại”. Đến lượt tiến sĩ trả lời: “Cách đây 1 năm ăn cái này, cái này…”. Tại sao ông lại nhớ rõ thế? Ông ta trả lời: “Vì hôm đó có đám cưới”. Tôi hỏi tiếp: “Thế những người ăn cơm rau là phổ biến hay cá biệt?”. Ông ta trả lời: “Phổ biến”. Còn trường hợp ông ăn các món kia cách đây 1 năm là phổ biến hay cá biệt? Ông ta trả lời: “Cá biệt”.

“Vậy hỏi nông dân ta có cân phân đi bón hay là chỉ đong bằng bơ, bằng thúng, bằng mẹt? Thóc thu về có cân không hay cũng áng chừng bằng thúng, bao tải? Do đó đánh giá về kinh tế IPM định tính thì được, định lượng là không thể bởi phỏng vấn chuyện cách đây 1 tháng đã sai rồi huống chi là cách đây 6 tháng, 1 năm”. Tôi nói.

Ông ta nghe thấy thế khoái quá liền bảo: “Việt Nam có ông Hồng thế này thì yên tâm rồi!” rồi chủ động chúc rượu tôi, uống thật say mới thôi. DANIDA tài trợ trực tiếp cho 3 tỉnh mỗi tỉnh khoảng 2 triệu USD về IPM có cả đánh giá ảnh hưởng của IPM nhưng Việt Nam có nhiều dự án, kế hoạch đầu tư hỗ trợ nông nghiệp, nông dân ít đánh giá hiệu quả, ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Duy Hồng đang thăm ruộng lúa thí nghiệm cấy siêu thưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Duy Hồng đang thăm ruộng lúa thí nghiệm cấy siêu thưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chuyên gia FAO chưa quan tâm tới việc thuyết phục Chính phủ Việt Nam có chính sách đầu tư - hỗ trợ cho nông dân học IPM mà chỉ quan tâm nông dân đi học IPM phải tự đóng góp. Nông dân ta còn lâu mới thấy được hiệu quả IPM mà chỉ thấy hiệu quả trước mắt nên hầu hết các tỉnh đều không có kinh phí để mở các lớp tiếp theo. Chỉ có ở Hà Tây có những huyện như Ứng Hòa lãnh đạo trạm BVTV rất nhiệt tình, rất “lì mặt” trong việc thuyết phục xã nên mới mở được các lớp IPM mà kinh phí do chính nông dân đóng góp.

Chương trình IPM của tỉnh Hà Tây hồi đó nổi bật nhất bởi: Có lớp nông dân huấn luyện nông dân sớm nhất toàn quốc (năm 1993); có những xã tỷ lệ hộ đi học IPM cao từ 50-80%; sử dụng thuốc BVTV thấp nhất so với các tỉnh trong vùng, không có đại lý lớn bán thuốc BVTV, rất ít quảng cáo trên truyền hình; mức độ thiệt hại do sâu bệnh ít nhất…

Tôi đến thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa dự lớp nông dân huấn luyện nông dân, giờ giải lao ai cũng thuộc và hát được bài mười nhớ do một nông dân ở xã Trung Tú sáng tác để nói về các nguyên tắc về IPM và một số biện pháp kỹ thuật trên cây lúa “Một em nhớ bảo tồn thiên địch. Hai em nhớ cây khỏe. Ba em nhớ hệ sinh thái. Bốn em nhớ, em làm chuyên gia. À hội à, ư hội ư…”.

Những điều trăn trở

Đến thời sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội chuyện IPM vẫn duy trì tốt. Lúc này diện tích đất trồng cây nông nghiệp của Hà Nội khoảng 150.990 ha. Theo số liệu thống kê năm 2016 Việt Nam, diện tích đất trồng cây nông nghiệp đạt 10,2 triệu ha, sử dụng 100 nghìn tấn thuốc BVTV, chi phí khoảng 700 triệu USD không kể tạm nhập tái xuất 15%. Sử dụng 11,26 triệu tấn phân bón, chi phí khoảng 2,9 tỷ USD (1.104 kg/ha - chi phí khoảng 281 USD/ha).

Về sử dụng thuốc BVTV, theo điều tra của Chi cục BVTV Hà Nội hồi năm 2016, lượng không nhiều, năm 2014, 2015, 2016 tương ứng là 251-287-316 tấn, chi phí khoảng 2 triệu USD chỉ bằng 0,25 - 0,32% so với toàn quốc, hàng năm tiết kiệm khoảng 8,7 triệu USD (200 tỷ đồng). So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV. Về sử dụng phân bón năm 2015 là 51.988 tấn, chi phí khoảng 13 triệu USD (346 kg/ha - chi phí khoảng 90 USD/ha). So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 70% lượng phân bón.

Lãnh đạo thành phố đang xem gian hàng nông sản của Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lãnh đạo thành phố đang xem gian hàng nông sản của Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những nguyên nhân của Hà Tây cũ và Hà Nội sau này sử dụng ít thuốc BVTV và phân bón: Nông dân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý được tiếp cận kiến thức kỹ năng canh tác và nhận thức về hệ sinh thái; tổ chức 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân; tổ chức 953 lớp nghiên cứu về canh tác, không sử dụng thuốc BVTV: che phủ nilon, bẫy chua ngọt, Flykill, ngâm nước ruộng, bón khô dầu đậu tương... và 205 lớp mô hình SRI (từ 4 đến 50 ha) với diện tích 4.272 ha; diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI đạt cao (60%); hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “6 đúng”; tác động của chỉ đạo, điều hành sản xuất: xây dựng kế hoạch sản xuất cả 3 cấp, chỉ đạo điều hành cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, tưới tiêu nước; hướng dẫn, khuyến khích áp dụng kỹ thuật mới như SRI, không sử dụng thuốc BVTV; tuyên truyền kế hoạch sản xuất trên đài truyền thanh xã, huyện và các phương tin thông tin đại chúng…

Diện tích nhiễm và mức độ hại do sâu bệnh rất thấp, góp phần liên tục được mùa, giúp Hà Tây mà sau này Hà Nội là một trong những địa phương có năng suất cây trồng chính cao nhất vùng.

Về giải pháp quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV theo tôi phải nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc BVTV, nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hoàn toàn thực hiện được ở Hà Nội và các tỉnh trên toàn quốc với giải pháp chính sau: Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng cho các tỉnh trên toàn quốc. Có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV. Quy định chặt chẽ về đăng ký thuốc BVTV. Tổ chức BVTV đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm của cấp huyện, cấp xã.

Tôi cũng từng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Dự án: “Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp Việt Nam giai đoạn 10 năm tới với kinh phí khoảng 700 triệu USD (1 triệu USD/tỉnh/năm trong 10 năm) bằng nguồn vốn vay WB. Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư về đăng ký thuốc BVTV trong đó quan tâm: Cơ quan quản lý có trách nhiệm khảo nghiệm đối tượng phòng trừ, không đăng ký đặc cách, không hỗn hợp hoạt chất, một tỷ lệ hoạt chất, không đăng ký đối tượng cho từng sản phẩm, quy định thời gian đánh giá lại để loại bỏ, quy định số lượng tối thiểu kinh doanh để loại bỏ hoặc không đăng ký, các thông tin về nguy cơ ảnh hưởng mãn tính, các thông tin về thời gian cách ly của các cây trồng. Bỏ thủ tục hành chính chứng nhận, xếp loại cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung thăm mô hình giảm thiểu thuốc BVTV ở Đỗ Động. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung thăm mô hình giảm thiểu thuốc BVTV ở Đỗ Động. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Xã Đỗ Động huyện Thanh Oai (từng được báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh xã 10 năm không dùng thuốc BVTV) là địa phương thuần nông gồm 4 thôn (Động Giã, Văn Quán, Trình Xá, Cự Thần) với 1.504 hộ, có 2 cửa hành vật tư nông nghiệp chủ yếu bán phân bón, giống. Diện tích lúa 426,7 ha, cây ăn quả 12,1 ha, rau 3-4,6 ha, vụ đông 10,5-11,8 ha. Trạm BVTV huyện phối hợp với Đỗ Động tổ chức 8 lớp học đồng ruộng về IPM, SRI, 3 lớp tập huấn ngắn hạn cho 500 nông dân tham gia và mô hình 10 ha ứng dụng SRI. Năm 2015, 2016, 2017 diện tích ứng dụng Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) vụ xuân 295-340-390 ha (69-91%), ứng dụng toàn phần 28-30-32 ha (7%), số hộ không sử dụng thuốc sâu bệnh 1354-1340-1350 hộ/1504 hộ (90%); vụ mùa ứng dụng từng phần 270-305-357 ha (63-84%), ứng dụng toàn phần 15-20-26 ha (5%), số hộ không sử dụng thuốc sâu bệnh 1270-1363-1385 hộ/1504 hộ (84-90%). Hàng năm xã sử dụng khoảng 30 kg thuốc trừ sâu bệnh, tổ chức diệt chuột đồng loạt cuối tháng 3, tháng 7 (Thành phố, huyện hỗ trợ thuốc), diện tích, mức độ hại do chuột, sâu bệnh thấp, lúa có năng suất, giá trị sản xuất khá cao".

Ông Nguyễn Duy Hồng.

(Ghi)

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất