| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

Thứ Tư 07/07/2021 , 13:04 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam mở chuyên đề 'Nông nghiệp trách nhiệm'. Chuyên đề có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương, HTX, doanh nghiệp…

LTS: Đất đai đang bị suy thoái rất nhanh do cách canh tác bóc lột đất, bóc lột cây trồng, lạm dụng chất kích thích tăng trưởng, bón quá nhiều phân vô cơ để đẩy năng suất lên thật cao. Bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, sức khỏe cây trồng chính là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống con người, và là chủ đề nóng hiện nay và trong thời gian tới. 

Đó cũng là mong muốn để Báo Nông nghiệp Việt Nam mở chuyên đề Nông nghiệp trách nhiệm. Chuyên đề có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương, HTX, doanh nghiệp…, đồng lòng hướng đến một nền sản xuất có trách nhiệm, trước hết từ mỗi người dân.

 

Bài 1: Huyện có nhiều xã "vắng bóng' thuốc trừ sâu

Nếu tính trên đơn vị canh tác, Hà Nội dùng ít thuốc BVTV nhất nhì trong đó có những huyện nhiều năm hạn chế tới mức chỉ bằng cỡ 1/7-1/10 trung bình toàn quốc

Ký ức hãi hùng những ngày chưa xa

“Sau khi phun thuốc, đêm nằm tôi thấy hơi nóng bốc lên đầu, lúc nào cũng cảm giác như có tiếng nổ bên tai, vai trĩu nặng như đang khoác cái máy mấy chục cân sau lưng. Ăn không được, ngủ không được, đau nhức toàn thân. Dù có thay quần áo, tắm kỹ người nhưng vẫn còn mùi thuốc. Sợ quá, sau một vụ tôi đành phải bỏ nghề”.

Ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Hạ (xã Chuyên Mỹ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) kể: Sau khi phun thuốc, đêm nằm ông thấy hơi nóng bốc lên đầu, lúc nào cũng cảm giác như có tiếng nổ bên tai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Hạ (xã Chuyên Mỹ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) kể: Sau khi phun thuốc, đêm nằm ông thấy hơi nóng bốc lên đầu, lúc nào cũng cảm giác như có tiếng nổ bên tai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Hạ (xã Chuyên Mỹ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) kể. Đó là vụ xuân năm 2012 sau khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa, ông mua một cái máy phun thuốc trừ sâu giá mấy trăm ngàn về làm dịch vụ. Một ngày thu được mấy triệu, một vụ thu được mấy chục triệu nhưng sau đó ông quyết định bỏ hẳn.

“Thôn tôi có 253 hộ, gần như không dùng thuốc BVTV từ năm 2017 tới nay nhưng không bị mất mùa bao giờ. Hiện chỉ 2 hộ còn bình thuốc sâu là ông Nguyễn Văn Tình và cô Nguyễn Thị Hồng thôi", ông Tá cho biết.

Nắng chang chang nhưng bà Nguyễn Thị Xuân ở thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ) vẫn mải miết thọc tay vào những cái hang cua ven bờ ruộng rồi móc lên những con “cua kềnh” để nấu bát canh rau cho cả nhà giải nhiệt buổi trưa hè oi ả.

Bà kể trước đây, hễ tháng ba mưa rào lội ruộng là đỉa bám đen từ bắp chân xuống bàn chân, còn cá rô, cá cờ, ốc nhồi dưới mương nhiều vô kể. Từ hồi nông dân biết phun thuốc sâu, mà nhất là rắc thuốc diệt ốc khiến cho mọi sinh vật bên dưới nước đều phải ngoi lên, giẫy chết hết. Nhờ mấy năm nay người làng giảm hẳn sử dụng thuốc BVTV, cua, ốc rồi cả đỉa đã xuất hiện trở lại.

Bà Nguyễn Thị Xuân khoe những con 'cua kềnh' mới bắt được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Xuân khoe những con "cua kềnh" mới bắt được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX xã Chuyên Mỹ cho hay, trên diện tích 260 ha lúa của quê ông đã 10 năm nay 95% không phải dùng thuốc BVTV mà năng suất vụ xuân vẫn trên 2 tạ/sào, vụ mùa 1,7-1,8 tạ/sào.

Ông Tuyến cho biết HTX cũng từng làm dịch vụ bán thuốc BVTV, nhưng đã bỏ gần 20 năm nay và 10 năm nay toàn xã không còn cửa hàng thuốc BVTV nào. Giờ khoảng 95% người dân trong xã không dùng thuốc BVTV, số hộ có bình phun chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

"Càng phun nhiều thuốc bao nhiêu thì sâu bệnh lại càng nhiều bấy nhiêu, hiệu quả phòng trừ thấp lại phải tăng liều. Thực chất trước đây, chúng tôi đã rất ít phun thuốc BVTV rồi nên khi áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và thâm canh lúa cải tiến (SRI), rồi tiến tới không phun thuốc BVTV nữa là thành công luôn", ông Tuyến kể.

Một nông dân xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) đang đi làm đất chuẩn bị cấy vụ mùa 2021. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nông dân xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) đang đi làm đất chuẩn bị cấy vụ mùa 2021. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Tuyến, nếu có bệnh đạo ôn lúa trong vụ xuân, HTX khuyến cáo dân đi dứt lá, còn gặp rầy thì dùng nửa lít dầu mazut trộn với 1 thúng cát rắc đều trên mặt ruộng rồi lấy sào rung để rầy rơi xuống, bám dính vào mà chết.

Với chuột, HTX thành lập tổ 8 người, căn cứ vào thời kỳ sinh trưởng phát triển của chúng, của lúa mà đánh bằng thuốc sinh học. Với cỏ, trừ có khó hơn, ước tính khoảng 30 - 40% dân vẫn còn dùng.Với ốc bươu vàng, dân bắt thủ công là chính (80%), nhưng riêng có 1 thôn vẫn còn nhiều người phun là thôn Ngọ (20%). Bởi ở đó trang trại ít, mà trang trại ít là vịt ít, mà đã vịt ít là ốc bươu vàng nhiều...

“Phó Bí thư Huyện ủy cách đây dăm năm còn dọa tôi nếu không phun phòng sâu bệnh cho mạ vụ mùa sau này có gì phải chịu trách nhiệm. Tôi trả lời rằng phòng trừ sâu trong khi chúng chưa có thì chỉ vô ích. Cây mạ vụ mùa chỉ 12 - 14 ngày, 5 - 7 ngày mới có 1 lá, nếu giả sử bị sâu bệnh lúc 10 ngày mà phun thuốc thì không đủ điều kiện cách ly, người dân tiếp xúc với nó khi cấy sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế trong suốt nhiều năm nay, chúng tôi không phun thuốc mà sâu bệnh rất ít”.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX xã Chuyên Mỹ

Đội quân diệt trừ ốc bươu vàng

Tôi rong ruổi trên đồng với anh Nguyễn Đình Lực cùng đàn vịt 2.000 con. Đó là một đội quân thiện chiến mà hễ lùa vào ô ruộng nào là trắng ốc bươu vàng nhỏ, sâu, bọ đến đấy, vừa ít phải dùng thuốc sâu lại giảm lượng cám sử dụng. Mỗi lứa vịt được anh Lực thả đồng chừng 15 - 20 ngày, đến khi lúa bắt đầu đứng cái làm đòng mới thôi. Hiện toàn xã Chuyên Mỹ có 50.000-70.000 con vịt thả đồng như vậy.

Cũng như Chuyên Mỹ, xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) đã nhiều vụ nay không có một thông báo phun phòng trừ nào vì sâu bệnh đều ở dưới ngưỡng. Thi thoảng lắm mới có vài mảnh ruộng vượt ngưỡng, cần phải phun thì HTX cùng cán bộ trồng trọt, BVTV xã lại đến gặp từng chủ hộ một chứ không phun đại trà.

Xã Nam Triều có 45 chiếc máy cấy, nhiều nhất nhì toàn quốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Nam Triều có 45 chiếc máy cấy, nhiều nhất nhì toàn quốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bí quyết ở đây là dùng giống chống chịu, cấy máy (với 45 chiếc) và bón phân cân đối theo kỹ thuật IPM, SRI. Lúa cấy máy rất thưa, hàng nọ cách hàng kia 30 cm nên cây phát triển cân đối, năng suất cao hơn cấy tay 10-15 kg thóc/sào.

Đã thế đồng ruộng nhờ thông thoáng nên giảm được khoảng 70% sâu bệnh, giúp cho mấy năm nay hầu như 90 - 95% diện tích của xã không cần phun thuốc sâu, bệnh mà năng suất vẫn hơn làm kiểu thông thường 5 - 10%. Bởi vậy, tuy có nhiều nghề nhưng dân Nam Triều không để xảy ra tình trạng ruộng hoang như một số nơi khác bởi làm ruộng thời trước mất nửa tháng công giờ chỉ còn 1 tuần công, rất nhàn mà lại ăn chắc.

Mô hình lúa - cá - vịt của ông Phan Công Hải (xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình lúa - cá - vịt của ông Phan Công Hải (xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi đến thăm thửa ruộng mênh mông rộng 10 mẫu của ông Phan Công Hải với mô hình 1 lúa, 1 cá. Đầu năm, ông rút nước phơi 15 ngày cho đất khô nứt nẻ để diệt ốc bươu vàng, con nào sót thì tối đeo đèn đi bắt nốt rồi mới cấy. Khi lúa tốt, ông tháo nước vào, thả cá, hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV.

Khi thu hoạch lúa thì cắt bằng tay, sau đó ông bón phân để tạo lúa chét làm thức ăn nuôi cá. 1.000 vịt được thả vào ruộng, làm sạch ruộng đồng. Nhờ một vòng tròn sinh thái khép kín như thế, mỗi năm ông thu trên 10 tấn cá, 12 tấn lúa, mấy ngàn vịt thịt, cho mức lãi vài trăm triệu đồng…

Những đúc rút từ thực tế

Chị Chu Thúy Vang, Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Phú Xuyên kể: Gia đình chị cũng làm 5 sào ruộng. Cách đây 10 năm khi chị áp dụng SRI, mẹ chồng thắc mắc: “Cấy thưa thế làm sao mà được ăn hả con?”. Bình thường, bà vụ nào cũng đeo bình đi phun thuốc BVTV đôi ba lần nên khi chị khuyên sâu bệnh chưa đến ngưỡng thì không phải phòng trừ, bà đâu có chịu tin.

Nhưng khi một cán bộ khác của Trạm đảm bảo: “Bà không phải phun thuốc đâu, hại sức khỏe mà sâu ở giai đoạn này không gây thiệt hại mấy về năng suất lúa. Tiền ấy bà đưa cho con dâu lên chợ mua con gà về mà thịt”. Thuyết phục thế bà mới nghe. Sau một vụ không thấy ảnh hưởng đến năng suất nên từ đó, bà mới bỏ hẳn thuốc BVTV.

Thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nông dân học lớp IPM ban đầu gay gắt: “Chúng mày mới đi học về, còn chúng tao làm ruộng từ thuở bé đến giờ mà phải nghe theo à? Bao lâu nay vẫn phun thuốc, vẫn vãi đạm, giờ phun ít đi, bón ít đi liệu còn có cái để bỏ vào mồm không?”. Thậm chí có người thấy ruộng thí nghiệm cấy thưa quá còn lén lút dặm vào khiến cho cán bộ phải khổ sở đi nhổ bớt…

Thay đổi tập quán canh tác của một nhà đã khó, chưa nói đến một làng, một xã. Lúc đầu mở lớp IPM và SRI ở các xã, phải mượn ruộng thí nghiệm, rồi chọn ra mỗi thôn 3-4 nông dân để đào tạo. Đang từ cấy dày sang cấy thưa, từ bón phân lai rai sang bón theo thời điểm, từ việc để ruộng luôn ngập nước sang phơi khô trong 15 - 20 ngày khi lúa đẻ nhánh nên cũng lắm bỡ ngỡ.

Để cho dân tin, cả ban chủ nhiệm HTX và cán bộ BVTV đều phải trực tiếp đi nhổ mạ, cấy, bón phân theo kiểu cầm tay chỉ việc. Ngạc nhiên là cấy thưa nhưng năng suất còn cao hơn cả cấy dầy, cây khỏe không phải xử lý thuốc BVTV.

Đã vậy còn tiết kiệm đủ thứ từ giống (trước 2 kg thóc giống/sào nay chỉ 600 - 700 gram/sào), công trước mỗi ngày cấy được 1 sào nay 2 sào, phân (trước 4 - 5 kg đạm, 3 - 4 kg ka li/sào nay chỉ 1 - 2 kg đạm, 2 - 3 kg ka li). Từ lớp học xã rồi đến lớp học thôn, câu chuyện cứ thế mà lan tỏa.  

Anh Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt BVTV Phú Xuyên cho hay, huyện có 27 xã, thị trấn với 6.800 ha lúa, hơn 300 ha rau. Vùng phía tây của huyện chỉ cấy lúa gồm các xã Hoàng Long, Phú Túc, Tri Trung, Hồng Minh, Phượng Dực, Đại Thắng, Tân Dân, Chuyên Mỹ, Vân Từ, Châu Can, Phú Yên, Đại Xuyên... gần như mấy năm nay không dùng thuốc sâu, bệnh chỉ có một số người dùng thuốc ốc.

Sâu bệnh gần như không có nhờ áp dụng các kỹ thuật của IPM và SRI là cấy thưa, bón phân cân đối. Còn nếu có ít sâu bệnh dân cũng không muốn phun và không thể phun vì không còn bình. Năng suất vụ xuân vừa rồi 2,3 tạ/sào, vụ mùa năm 2020 khoảng 1,8 tạ/sào.

Niềm vui với hạt thóc sạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui với hạt thóc sạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vùng phía đông của huyện ngoài cấy lúa còn có rau, cây ăn quả thì dùng nhiều thuốc hơn một chút, nhiều nhà có bình phun hơn nhưng vẫn rất ít so với các địa phương khác.

Để chứng minh cho những gì mình nói, anh đưa tôi bảng thống kê số lượng bán hàng của hơn 80 đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện. Khá nhiều trong số đó ở mục thuốc BVTV là con số không hoặc chỉ một vài kg.

Năm 2020, tổng số thuốc BVTV đã bán ở vụ xuân toàn huyện chỉ là 1,9 tấn, vụ mùa là 1,5 tấn, vụ đông là 422 kg; năm 2021 tổng số thuốc đã bán ở vụ xuân là 1,2 tấn... Trung bình lượng sử dụng thuốc BVTV của toàn huyện năm 2020 chỉ là 0,26 kg/ha/năm.

Nhiều xã ở Phú Xuyên không có đại lý bán thuốc trừ sâu. Tư liệu: DDT.

Nhiều xã ở Phú Xuyên không có đại lý bán thuốc trừ sâu. Tư liệu: DDT.

“Xưa các công ty thuốc BVTV về tổ chức mỗi năm ở huyện cả chục hội thảo để giới thiệu sản phẩm, phát tiền, tặng quà và thuốc cho bà con nhưng 4 - 5 năm nay không còn về nữa bởi không bán được.

Từ năm 2012, Hà Nội tổ chức hệ thống cán bộ trồng trọt - BVTV đến từng xã. Họ hưởng lương và có trách nhiệm tham mưu sản xuất nông nghiệp cho chính quyền như dùng giống gì, gieo mạ, cấy ngày nào, bón phân ra sao rồi điều tra sâu bệnh, hướng dẫn cách xử lý đến từng hộ.

Mà nói thật, có khi phát hiện ra sâu bệnh bảo phun thuốc thì nông dân cũng trả lời thôi, tôi để ăn gạo sạch”, anh Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt BVTV Phú Xuyên kể. 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.