| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ thực vật giai đoạn mới

Thứ Ba 22/06/2021 , 08:07 (GMT+7)

Các cơ sở phân tích chất lượng rau quả, phân tích dịch hại cần có các thiết bị công nghệ mới, chính xác, được khu vực hoặc quốc tế công nhận.

Ruộng lúa, bờ hoa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ruộng lúa, bờ hoa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bảo vệ thực vật, để phát triển nông nghiệp bền vững thì ngành BVTV cần nắm bắt được các vấn đề cấp bách trong sản xuất, dự báo được các loại sinh vật gây hại trên các cây trồng chủ lực, ít nhất là ngắn hạn. Các cơ sở phân tích chất lượng rau quả, phân tích dịch hại cần có các thiết bị công nghệ mới, chính xác, được khu vực hoặc quốc tế công nhận.

Áp dụng công nghệ, quản lý tổng hợp dịch hại

Hiện tại chúng ta đang bị động khi các loài dịch hại nổi lên, điển hình như bệnh khảm lá sắn. Mặc dù bệnh đã được ghi nhận trong các đợt điều tra về bảo vệ thực vật trước đây, nhưng không có theo dõi liên tục hoặc ít thông tin của nước ngoài, nơi dịch đang xảy ra, từ đó khó kiểm soát bệnh khi nó tấn công vào ngành sản xuất sắn của Việt Nam.

Hiện tại đã chọn tạo được một số giống sắn kháng hoặc chống chịu với bệnh, tuy nhiên không dễ để thay đổi ngay được các giống sắn có năng suất cao, phù hợp với các vùng trồng chính.

Nêu vấn đề này để thấy sự cần thiết phải lập danh sách các loài sinh vật gây hại chính, có các biện pháp để theo dõi và sẵn sàng đưa ra các giải pháp tạm thời trong điều kiện dịch hại lây lan trên diện rộng.

Kiểm tra, đánh giá nguồn bệnh hại từ đất. Ảnh: Lê Thế Tấn.

Kiểm tra, đánh giá nguồn bệnh hại từ đất. Ảnh: Lê Thế Tấn.

Lấy ví dụ về việc quản lý rầy nâu và bệnh lùn xoăn lá lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành BVTV ở các địa phương gần như chịu tác động của loại dịch này hàng năm từ khoảng 2005 đến nay. Trước đây, thông thường qui luật phát sinh gây hại của bệnh lúa lùn xoăn lá là cứ 5 năm quay lại một lần, nhưng nay thì môi giới truyền bệnh và triệu chứng bệnh xuất hiện liên tục, không theo qui luật, có lẽ do thành phần virus thay đổi cộng với sự tác động của biến đổi khí hậu và sự giao lưu, hội nhập giống lúa từ các nước xung quanh.

Vấn đề đó không chỉ đối với bệnh lúa lùn xoăn lá, mà cả đối với bệnh khác trên lúa, như bệnh lùn sọc đen phương Nam ở phía Bắc, bệnh lùn lúa cỏ... Liên quan đến vấn đề này, đối với các nước họ áp dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ điều tra, dự báo và đưa ra các hành động kịp thời. Lúa là cây trồng quan trọng của nước ta, xuất khẩu đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trên thế giới, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ mới trong quản lý dịch hại trên lúa còn chưa có nhiều.

Gần đây Trường Đại học Trà Vinh đã hoàn thành dự án “Ứng dụng công nghệ IoT cùng hệ thống cảm biến thông minh và ứng dụng chạy trên nền tảng điện thoại thông minh nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng nước trong canh tác lúa ở ĐBSCL” với nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại 3 tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ và An Giang.

Dự án sẽ được tiếp tục hỗ trợ để phát triển các mục tiêu khác như dự báo sâu bệnh hại trên lúa, quản lý nước tưới. Trong thờì đại bùng nổ của công nghệ thông tin, với sự phát triển nhanh chóng của sản xuất và đời sống, đối với một đất nước có cây lúa là cây lương thực chủ yếu như ở Việt Nam, áp dụng hệ thống GIS vào quản lý nông nghiệp nói chung và quản lý tình hình sâu bệnh hại lúa nói riêng là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Hiệu quả của việc áp dụng hệ thống Web-GIS giám sát tình hình và dự báo sâu bệnh hại lúa khó có thể cân, đo, đong, đếm một cách cụ thể, nhưng được thể hiện qua hiệu quả của công tác phòng trừ sâu, bệnh, bảo vệ mùa màng, bảo đảm đời sống của người dân, an ninh lương thực của đất nước.

Trồng hồ tiêu sinh thái ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trồng hồ tiêu sinh thái ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hợp tác quốc tế, đi tắt đón đầu

Những năm qua, ngành BVTV có ưu điểm là luôn bám sát và phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển. Mạng lưới BVTV mở rộng khắp các cơ sở sản xuất, có sự điều hành chỉ đạo thống nhất của toàn ngành và Bộ chủ quản. Đội ngũ cán bộ BVTV có bước trưởng thành mới, nhiệt tình, nhạy bén với những tiến bộ mới và có sáng tạo trong công tác. Sự hợp tác nhiều lĩnh vực chuyên môn hẹp của BVTV trong khu vực và thế giới đã giúp cho ngành tiếp cận và nắm bắt được các kỹ thuật tiên tiến của khu vực và thế giới.         

Trong hợp tác quốc tế đã đi tắt đón đầu các công nghệ mới: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để nghiên cứu tác nhân gây bệnh hại cây trồng, đề ra giải pháp phòng chống sinh vật gây hại (SVGH) có hiệu quả và bền vững. Phát triển và áp dụng IPM trên nhiều cây trồng chủ lực. Phối hợp với FAO triển khai các hoạt động thuộc chương trình SRI, phòng chống sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre; thực hiện Chương trình hợp tác với Trung Quốc về giám sát dịch hại lúa di cư giai đoạn 2016-2020.

Trong công tác BVTV: Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với SVGH cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đặc biệt là trong điều kiện khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn để chủ động tổ chức thực hiện. Tập trung kiểm tra, đôn đốc địa phương chỉ đạo phòng chống các sinh vật hại chính trên lúa, sắn, điều, hồ tiêu…

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như chương trình IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI, ứng dụng quản lý SVGH theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp.

Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng chống dịch hại; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn mới, giảm thiểu thiệt hại, an toàn cho người và môi trường.

Mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp trồng hoa để dẫn dụ thiên địch ở An Giang. Ảnh: Lê Hoang Vũ.

Mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp trồng hoa để dẫn dụ thiên địch ở An Giang. Ảnh: Lê Hoang Vũ.

Ngành BVTV cũng tham gia sâu trong công tác thúc đẩy mở cửa thị trường, hoàn tất các thủ tục dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật và xuất khẩu nông sản Việt ra nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính. Hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản nói chung và quả tươi nói riêng.

Phát triển phải bền vững hơn

Ngành BVTV vẫn còn có những điểm tồn tại, khiếm khuyết trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ giao cho phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nghiên cứu BVTV:

Việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới đã mang lại kết quả chính xác, nhanh trong việc chẩn đoán phát hiện dịch hại, như các bệnh virus, sinh vật gây hại mới. Trên cơ sở nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến đối tượng dịch hại, đề xuất các qui trình phòng chống SVGH hiệu quả, kịp thời.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng dịch hại vẫn còn tiếp tục phát sinh và gây hại, xuất hiện liên tục và khó có thể chấm dứt. Ví dụ như bệnh khảm lá sắn, bệnh vàng lá cam quýt, các loại rầy hại lúa vẫn chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu, mặc dù chúng ta đã có các qui trình phòng chống.

Nguyên nhân ở đây có thể do tính phức tạp của SVGH về đặc điểm sinh học sinh thái, tác động của biến đổi khí hậu hoặc còn thiếu vắng các cơ sở để xây dựng đúng và trúng qui trình phòng chống.

Trong BVTV vai trò của điều tra đánh giá sinh vật gây hại trên phạm vi toàn quốc là rất quan trọng, cho phép chúng ta không bị động một khi dịch hại nổi lên và cơ sở dữ liệu về SVGH sẽ làm căn cứ để đánh giá nguy cơ dịch hại, cũng như có cơ sở để chủ động phát triển các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Điểm lại trong suốt quá trình phát triển, ngành BVTV có những đóng góp tích cực trong việc tổng điều tra sâu bệnh, cỏ dại trong toàn quốc. Đã tiến hành 3 cuộc tổng điều tra côn trùng và bệnh hại cây trồng trong toàn quốc: Điều tra côn trùng và bệnh cây tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, giai đoạn 1968 - 1969. Điều tra côn trùng và bệnh cây ở các tỉnh miền Nam, giai đoạn 1977 - 1979.

Điều tra côn trùng và bệnh hại cây ăn quả ở Việt Nam, giai đoạn 1997 - 1998. Điều tra thành phần sinh vật hại trên một số cây trồng ở Việt Nam 2006 - 2010. Ngoại trừ có 2 dự án “Điều tra thành phần sinh vật gây hại cây lâm nghiệp ở Việt Nam - giai đoạn II”, thực hiện năm 2020 - 2021 và dự án phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam “Điều tra thành phần sinh vật gây hại và tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên sân golf”, trong gần 10 năm qua chưa có một cuộc điều tra nào tương tự như các cuộc điều tra trước đây.

Các kết quả điều tra chỉ rải rác ở các đề tài, dự án có nội dung nghiên cứu xác định thành phần, không có tổng hợp chung và đưa ra các khuyến nghị kịp thời về nguy cơ xuất hiện, các biện pháp giảm nhẹ nguy cơ, sức gây hại của sinh vật.

Cần tuân thủ 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cần tuân thủ 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại chúng ta đang đối mặt với các dịch hại quan trọng như bệnh lúa lùn sọc đen phương Nam, sâu keo mùa thu, rệp sáp bột hồng hại sắn, bệnh khảm lá sắn, bệnh Greening và Tristeza trên cây ăn quả có múi, bệnh chổi rồng hại nhãn, bệnh đốm nâu hại thanh long, bệnh vàng lá thối rễ cà phê, bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu, bệnh chồi cỏ mía, sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu, bệnh trắng lá mía do Phytoplasma gây ra, sâu đục lá cà chua Nam Mỹ (Tuta absoluta).

Công tác BVTV:

Hiện tại nhiều địa phương còn thiếu sự thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, nên việc triển khai ứng dụng các hoạt động IPM vào sản xuất nhìn chung còn phân tán, dàn trải và thiếu sự phối hợp giữa đơn vị Khuyến nông, Bảo vệ thực vật; kết quả chậm được nhân rộng.

Chưa có sự xã hội hóa Chương trình IPM, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, do đó chưa thực hiện một cách bài bản. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và cơ chế hỗ trợ cho hoạt động IPM tại các địa phương còn thiếu.

Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, đặc biệt sau thu hoạch lúa vụ đông xuân hàng năm vẫn diễn ra gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt các sinh vật có ích, làm ảnh hưởng đến đất.

Công tác mở cửa thị trường còn nhiều vướng mắc và khó khăn vì các nước ngày càng khắt khe để bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp trong nước. Trong khi đó, Việt Nam thiếu các nghiên cứu chi tiết về các biện pháp xử lý SVGH theo yêu cầu thị trường nước nhập khẩu, nước trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa nông sản Việt Nam.

Công tác quản lý thuốc BVTV ngày càng được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương chưa rõ ràng, chặt chẽ, vì vậy, chưa phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý thuốc BVTV ở các khâu khảo nghiệm, buôn bán và sử dụng thuốc.

Một số đề xuất

Trong lĩnh vực nghiên cứu: Từ những cảnh báo nêu trên chúng tôi thấy rằng cần có những nghiên cứu mới về bảo vệ thực vật nhằm tìm ra các giải pháp quan lý sinh vật gây hại cây trồng nông nghiệp trong điều kiện BĐKH.

Trước hết, cần đánh giá tác động của BĐKH đối với sự bùng phát các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu bệnh hại mới, các sâu bệnh hại thứ yếu gần đây trở thành chủ yếu, gây hại mạnh đối với một số cây trồng chính làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ hai là đánh giá hiệu quả các biện pháp bảo vệ thực vật đang được sử dụng hiện nay (biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp vật lý, biện pháp hóa học, việc sử dụng giống chống chịu…) để cải tiến và nâng cao hiệu quả các biện pháp BVTV trong điều kiện BĐKH.

Thứ ba là đánh giá sự thay đổi tính chống chịu của các giống cây trồng chống chịu sâu bệnh ở điều kiện BĐKH. Đồng thời đánh giá phản ứng của các giống cây trồng chống chịu với điều kiện bất thuận (chịu hạn, chịu mặn, chịu nóng…) với các sâu bệnh hại chính.

Thứ tư, nghiên cứu, phát triển, đổi mới các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, các chế phẩm sinh học, các tác nhân sinh học sử dụng cho cây trồng trọng điểm ở vùng miền phù hợp với việc thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp.

Phát triển đề án Bảo vệ thực vật theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng nông nghiệp với Chương trình “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn” và Chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới”. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa có lợi thế để áp dụng đồng bộ các biện pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới như chủ trương của Bộ NN-PTNT là chủ động, nhanh nhạy trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Trồng bưởi hữu cơ kết hợp nuôi kiến vàng ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trồng bưởi hữu cơ kết hợp nuôi kiến vàng ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát triển và ứng dụng công nghiệp sinh học bảo vệ thực vật: Tiếp tục nghiên cứu các loại vi sinh vật, tác nhân có ích và ký sinh thiên địch. Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất sinh khối lớn và chuyển giao trực tiếp hoặc liên kết với các công ty nông dược để sản xuất và ứng dụng trong các chương trình nêu trên và cho sản xuất nông nghiệp nói chung.

Tập trung cho các đối tượng vi sinh vật có tính khả thi cao để phục vụ cho chương trình sản xuất nông sản an toàn và hữu cơ. Sử dụng công nghệ sinh học trong việc nhân sinh qui mô công nghiệp và chuyển giao công nghệ vào sản xuất.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia: Bảo tồn quỹ gen vi sinh vật quốc gia, bảo tàng mẫu chuẩn quốc gia, bao gồm cả vi sinh vật gây hại và có ích. Rà soát lại danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, quốc gia và mềm dẻo trong thương mại quốc tế, góp phần hội nhập khu vực và quốc tế một cách có hiệu quả.

Xác lập các cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên vi sinh vật, đặc biệt là sâu bệnh, cỏ dại và các loài khác. Nghiên cứu quản lý sự dịch chuyển quần thể sâu bệnh hại liên quan đến sự thay đổi chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến sự thay đổi khí hậu, thời tiết. Có cơ sở để ngăn chặn ngay từ đầu các trận dịch sâu bệnh, cỏ dại xảy ra. Từ đó nêu được các giải pháp dự phòng, chuẩn bị để ngăn chặn.

Thông tin và truyền thông: Phát triển bộ cơ sở dữ liệu và chia sẻ với các nguồn thông tin, dữ liệu của các Cục, Vụ trong Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ Ngành khác về nông nghiệp và bảo vệ thực vật. Khách hàng, bao gồm cả nông dân có thể dễ dàng tra cứu các kiến thức, kinh nghiệm, thông tin về các nội dung liên quan đến các hoạt động của ngành BVTV. Ví dụ như các công trình nghiên cứu, các tư liệu về tập huấn trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ thực vật, thông tin về thuốc BVTV, các chuyên mục mới…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ thực vật

Ngành BVTV cần tập trung thực hiện các nội dung sau: Áp dụng công nghệ thông tin (IT), công nghệ internert vạn vật (IoT), công nghệ viễn thám (remote sensing-RS), hệ thông thông tin địa lý (GIS), để áp dụng trong thu thập thông tin về dịch hại cây trồng, thiết kế phần mềm dự tính dự báo dịch hại. Áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, quản lý tưới tiêu, sử dụng hiệu quả phân bón, sử dụng phân bón nhả chậm, phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất cây trồng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất