| Hotline: 0983.970.780

Người miền xuôi ở nơi miền ngược

Bài 3: Làng quê của những người du kích

Thứ Tư 12/05/2021 , 08:13 (GMT+7)

Xã Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên) với di tích rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập đội cứu quốc quân II - lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ước mơ về những bắp ngô to như sừng trâu mộng

Là khu vực rừng rậm bạt ngàn giáp ranh giữa 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, nơi đây vốn dĩ là “rừng thiêng nước độc”, địa hình chia cắt, đến tận những năm 1960 vẫn còn nhiều thú dữ hoang dã như hổ, gấu… Quê hương của du kích Bắc Sơn - Võ Nhai đã đón những chiến sĩ của Đội du kích Hoàng Ngân từ miền xuôi lên khai phá, mở ra những cánh rừng bát ngát hoa thơm trái ngọt hôm nay.

Cụ bà Nguyễn Thị Tín, 88 tuổi, vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ nhất. Đó là vào năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, cụ Hoàng Văn Quốc, lúc đó là đội phó đội sản xuất tại quê nhà thôn Kim Tháp, xã Đồng Tiến huyện Khoái Châu, bèn đi tiền trạm tìm vùng đất mới để đưa bà con lên khai hoang làm kinh tế mới.

Sau khi đi một số nơi trở về, ông quyết định chọn xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Lý do chọn vùng đất này, có lẽ từ trong thâm tâm người chiến sỹ thuộc Đội Du kích Hoàng Ngân mang nhiều thiện cảm với quê hương của những người du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, căn cứ địa của Cứu quốc quân. Với trái tim tràn đầy nhiệt huyết, ông Quốc khát khao góp công sức làm cho vùng đất này trở nên giàu đẹp.

"Ông Quốc nhà tôi và ông Mấu là hai cán bộ đảng viên, đều là đồng chí ưu tú trong Đội du kích Hoàng Ngân trước đây, được cử đi tiền trạm. Các ông ấy mang theo về 2 bắp ngô và 3 khóm lạc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy có bắp ngô to như cái sừng trâu mộng. 3 khóm lạc thì rất sai củ, chủ nào củ nấy béo mẫm và chắc hạt", cụ Tín kể.

"Ông ấy bảo trên đấy đất đai tốt, dễ làm ăn, đất rộng người thưa tha hồ mà làm chứ không như ở dưới xuôi. Có 15 hộ trong thôn đăng ký đi đợt đầu tiên, ông nhà tôi mang theo 2 hai thằng đầu, tôi vì mới sinh con nên chưa đi cùng được. Đận ấy là dịp cuối năm 1962, ô tô về tận làng đón, cả làng trống giong cờ mở đưa tiễn động viên đoàn lên đường mạnh khoẻ, làm ăn tấn tới. Hai năm sau, ông ấy về đón nốt mẹ con tôi lên cùng", cụ Nguyễn Thị Tín.

Trong ký ức bà cụ và những người dân trong xóm, hồi mới lên vùng này còn là những khu rừng già hoang vu lắm, hùm beo thường xuyên về làng. Người bản địa họ làm nhà sàn nên không sợ chứ những người đi khai hoang thì sợ lắm, hễ nghe tiếng hổ gầm là cả làng mang xoong nồi ra gõ ầm lên để xua đuổi chúng. Trước đó chưa lâu, có bà cụ trong xóm đi gánh nước không thấy về, người nhà đi tìm chỉ còn thấy vài mẩu quần áo vì đã bị hổ ăn thịt. Còn gấu tự nhiên thì nhiều, tận những năm sau này, ông thợ săn người Dao xóm bên vẫn bắn được mấy con.

Lại nói về chuyện làm ăn, khó khăn gian khổ không lời nào tả xiết. Ở quê thì làm hợp tác, đông vui, người cày, người cấy. Lên đây thì phải tự tay làm hết. Do chưa quen với thời tiết khí hậu, thiếu nước canh tác nên mất mùa liên tục. Dù được dân bản địa giúp đỡ, cho mượn ruộng đất nhưng chính bản thân gia đình họ cũng đói nghèo. Các hộ khai hoang phải đi vào nương mót sắn, hái rau dại ăn chống đói. Một số hộ nản chí đã quay trở về quê cũ.

Bà cụ Tín cũng muốn đem con trở về nhưng ông Quốc đã thuyết phục, động viên mọi người tin tưởng vào tương lai tươi sáng, cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt. Chính ông cũng luôn vui vẻ, lạc quan, quan tâm giúp đỡ mọi người và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng bào bản địa nên được bà con hết sức yêu quý, tương trợ.

Cụ bà Nguyễn Thị Tín, 88 tuổi, kể về những ngày đầu lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cụ bà Nguyễn Thị Tín, 88 tuổi, kể về những ngày đầu lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Những vườn quả tiền tỷ

Về cuộc sống hiện tại, mọi người cười ồ khi nghe bà cụ nói mới tạm đủ ăn thôi chưa có gì là khá lắm. Có cái đường đi là thay đổi quá tốt. Trước đây muốn về quê hoặc từ quê lên phải mất đến 3 ngày đường. Ngay mới mấy năm trước, ra trung tâm huyện cũng rất vất vả, xe ô tô gầm cao cũng không vào được xóm, xe máy “Min khù khờ” phải quấn thừng quấn chão vào lốp mới đi được. Hai năm gần đây hoàn thành đường to vào các xóm, nhà nào nhà nấy đua nhau mua ô tô.

Xóm Thắng Lợi hôm nay là xóm của những nông dân tỷ phú, nhiều gia đình xây nhà vườn không khác gì các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Diện tích đất rừng và vườn quả rộng mênh mông của mỗi gia đình tạo nên quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp và không khí mát mẻ, trong lành. Không còn nét nào của vùng đất nghèo khó nhất của tỉnh Thái Nguyên trước đây.

Nói đến xóm Thắng Lợi hẳn nhiều người còn xa lạ, nhưng cái tên Mỏ Bễn thì rất quen thuộc, Thắng Lợi mới được ghép từ xóm Mỏ Bễn và xóm Nà Lưu vào cuối năm 2019. Khoảng 10 năm nay, đây là vùng cây ăn quả nổi tiếng của huyện Võ Nhai và tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là bưởi ngon không hề thua kém các vùng bưởi nổi tiếng nhất. Đã có những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn quả.

Các con, cháu của cụ Quốc, cụ Tín đều làm ăn rất giỏi, là những cán bộ trẻ đầy triển vọng của địa phương, như: Hoàng Ngọc Thịnh (cháu nội), 32 tuổi, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá hay Hoàng Văn Trường (cháu nội), 33 tuổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá. Em trai của Thịnh là Hoàng Ngọc Giang, 30 tuổi, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh.

Anh Tạ Đăng Phước, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn bưởi.  Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Anh Tạ Đăng Phước, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn bưởi.  Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đến với quê hương mới không chỉ bằng ý chí và mồ hôi, người Hưng Yên còn mang theo cả sự tài hoa và những kinh nghiệm sản xuất đúc kết từ ngàn đời. Cây bưởi Diễn đã được trồng và trở thành cây ăn quả đặc sản tại huyện miền núi Võ Nhai với tổng diện tích trên 260ha, mang lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha, bình quân mỗi cây bưởi sẽ cho thu lãi từ 1 đến 2 triệu đồng/năm.

Chuyên tâm vào trồng bưởi, Hoàng Ngọc Giang trồng trên 1 vạn cây bưởi diễn và bưởi da xanh trên diện tích 3ha. Vườn bưởi của Giang được đánh giá là mô hình đẹp nhất, được chăm sóc tốt nhất của xã. Nhờ rất chịu khó nghiên cứu kiến thức về quy trình chăm sóc bưởi từ quá trình chăm cây non đến khi trưởng thành, ra hoa, đậu quả, kỹ thuật cắt tỉa, bón phân cũng khá bài bản nên bưởi của gia đình Giang to quả, mọng nước, ngọt và thơm, được thương lái thu mua toàn bộ, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tiếp nối sự ngiệp của ông cha, anh Tạ Đăng Phước, 47 tuổi, là người làm ăn giỏi nhất của xóm. Ông bà nội của anh Phước thuộc nhóm những người đầu tiên đến Tràng Xá khai hoang làm kinh tế mới. Ở quê hương mới này, các cụ sinh thêm nhiều con cháu nhưng hầu hết đều đã chuyển đi làm ăn sinh sống ở nơi khác, hiện chỉ còn anh Phước và người em trai sinh sống tại Tràng Xá và thừa hưởng diện tích đất đai do ông cha để lại.

Trước đây, anh chủ yếu trồng mía và trồng ngô, năm 2012 anh quyết định cải tạo đất chuyển đổi sang trồng thử 140 cây bưởi Diễn. Năm 2015, bưởi bắt đầu cho thu hoạch hơn 3.000 quả, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng  bưởi và nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và trở thành mô hình để bà con trong và ngoài xóm học tập. Với gần 3ha bưởi và hơn 1ha nhãn đã cho thu hoạch, anh thực sự là “đại gia” của làng. Tâm sự chuyện làm ăn, anh Phước nói hai vợ chồng vất vả lắm, được cái đất đai rộng rãi nên tha hồ làm.

Những người dân xóm Thắng Lợi vô cùng tự hào vì họ đã thực hiện được mong ước của ông cha họ từ ngày đầu đi khai khẩn rừng hoang, đó là ước vọng lập một làng quê mới thật giàu đẹp trên mảnh đất cách mạng, để tri ân và cũng để khẳng định phẩm chất của những người du kích, không chỉ trong chiến đấu giữ làng giữ đất, mà còn cả trong công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước.

Từ năm 1962 -1965, toàn huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) tiếp nhận hơn 8.500 nhân khẩu từ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lên khai hoang, xây dựng và phát triển kinh tế. Chỉ trong 2 năm, đã khai phá được gần 1.500 mẫu ruộng đất, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của toàn huyện.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.