| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên chuẩn bị kỹ càng cho vụ trồng rừng mới

Thứ Năm 25/02/2021 , 10:18 (GMT+7)

Các điều kiện trồng rừng, trước mắt là trồng rừng vụ xuân tại Thái Nguyên đã được chuẩn bị kỹ càng, hứa hẹn một niên vụ trồng rừng mới đạt hiệu quả cao.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thăm và kiểm tra các cơ sở, vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đ.V.T.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thăm và kiểm tra các cơ sở, vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đ.V.T.

Chủ động nguồn giống

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị sản xuất, cung cấp 1 triệu cây keo giống. Toàn bộ cây giống tại đây đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Điểm mới là năm nay, ngoài các giống cây gieo hạt, công ty còn sản xuất các giống keo nuôi cấy mô. Keo nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm, như cây phát triển 1 thân, không chẻ ngọn như keo thường, rễ cọc chắc chắn nên hạn chế gãy đổ.

Đặc biệt, cây không rỗng ruột nên sẽ có ưu thế hơn trong trồng rừng gỗ lớn. Vụ xuân năm nay, công ty gieo ươm trên 40 vạn cây giống các loại. Đến thời điểm này, công ty đã cung ứng được trên 10 vạn cây giống cho người dân.

Còn bà Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho biết, vụ xuân năm nay, đơn vị đã chuẩn bị 7 triệu cây giống các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Hà khẳng định, Viện có đủ và sẵn sàng cung ứng cho Thái Nguyên các loại giống cây cho trồng rừng gỗ lớn và giá trị kinh tế cao như quế, mỡ, lát hoa, giổi…

Năm 2021, Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới 4.000ha rừng tập trung và trên 1 triệu cây xanh phân tán theo Đề án 1 tỷ cây xanh. Trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 26 triệu cây giống. Các vườn ươm này không chỉ đáp ứng nhu cầu cây giống của bà con trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận.

Đảm bảo chất lượng, tiến độ

Ngay từ sáng sớm Mồng 5 Tết Tân Sửu, ông Lý Văn Tho (xóm Khuổi Lừa, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa) đã cùng hai người con trai chuẩn bị cuốc, thuổng, dao phát để lên rừng phát dọn thực bì, cuốc hố trồng cây.

Ông Tho cho biết, gia đình ông có 6ha rừng, gồm 4ha keo và 2ha quế. Cuối năm ngoái, gia đình ông thu hoạch 4ha keo, bán được hơn 300 triệu đồng. Năm nay, toàn bộ diện tích keo mới khai thác sẽ được chuyển sang trồng cây quế.

Thái Nguyên có đủ nguồn cây giống với chất lượng đảm bảo cho niên vụ trồng rừng mới. Ảnh: Đ.V.T.

Thái Nguyên có đủ nguồn cây giống với chất lượng đảm bảo cho niên vụ trồng rừng mới. Ảnh: Đ.V.T.

The ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh với trên 30.000ha, năm nay huyện Định Hóa có kế hoạch trồng mới trên 1.000ha rừng tập trung và 300.000 cây xanh phân tán.

Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, ngay từ đầu tháng 11/2020, đơn vị đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng rừng của huyện để xây dựng kế hoạch thiết kế diện tích và phương án trồng rừng cho phù hợp.

Ban quản lý cũng phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về những chế độ chính sách đối với các hộ tham gia trồng rừng và đôn đốc người dân tranh thủ phát dọn thực bì, cuốc hố trồng rừng ngay sau Tết Nguyên đán để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.

Ở địa bàn lâm nghiệp quan trọng khác của tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện đã làm việc với 30 xã, thị trấn của huyện để tiến hành rà soát quỹ đất, đăng ký trồng rừng, đảm bảo đúng khung thời vụ. Đồng thời, chỉ đạo các cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng rừng cho người dân, đặc biệt là những lợi ích của trồng rừng gỗ lớn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên Vũ Văn Phán, ngay sau Tết Nguyên đán, Chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành, thị phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết để tập trung trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất.

Chi cục cũng thường xuyên khuyến cáo bà con tìm đến các cơ sở được cấp phép để mua cây giống, tuyệt đối không mua cây trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường để tránh gây thiệt hại về kinh tế.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.