| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng hóa giải pháp trong phòng chống thiên tai

Bài 3: Tăng cường năng lực quản lý thiên tai

Thứ Tư 06/07/2022 , 09:52 (GMT+7)

Trong những năm qua, Bình Định không ngừng kiện toàn tổ chức, bộ máy chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp nhằm đảm bảo năng lực hoạt động có hiệu quả.

Kiện toàn bộ máy quản lý thiên tai

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua Bình Định đã rà soát Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tiềm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) các cấp, nhằm tăng cường năng lực hoạt động. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã bằng các lớp đào tạo, tập huấn. Rà soát, xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, Bình Định còn đầu tư trang thiết bị cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp nhằm thích ứng với diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai như văn phòng làm việc, trang thiết bị họp trực tuyến. Tăng cường năng lực và trang thiết bị cho lực lượng PCTT của các lực lượng vũ trang và các sở, ngành cùng các địa phương. Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo liên lạc thông suốt của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

Hồ Núi Một ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) được sửa chữa. Ảnh: V.Đ.T

Hồ Núi Một ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) được sửa chữa. Ảnh: V.Đ.T

Bình Định cũng đồng thời rà soát cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp tỉnh với các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức diễn tập PCTT&TKCN các cấp tỉnh, huyện, xã. Cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức diễn tập 5 năm 1 lần; cấp xã tổ chức diễn tập 2 năm 1 lần. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - Hà Thanh giai đoạn 2.

Theo kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - Hà Thanh giai đoạn 1, Bình Định đã xây dựng bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão; xây dựng 45 trạm hệ thống đo mưa nhân dân, 6 trạm đo mưa tại các hồ chứa nước; 41 trạm đo mưa tự động; 9 trạm đo mực nước tự động, tổ chức thực hiện cơ bản dự án quy hoạch tiêu úng thoát lũ hạ lưu sông Hà Thanh. Trong năm 2020, Bình Định tiếp tục lập kế hoạch quản lý lũ tổng hợp hạ lưu lưu vực sông Kôn - Hà thanh giai đoạn 2, triển khai thực hiện nhằm chủ động chỉ huy, điều hành phòng chống mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất giảm thiệt hại về người và tài sản nhân dân.

Những vật dụng phục vụ công tác phòng chống thiên tai sẵn sàng trong kho của Chi cục Thủy lợi Bình Định. Ảnh: V.Đ.T

Những vật dụng phục vụ công tác phòng chống thiên tai sẵn sàng trong kho của Chi cục Thủy lợi Bình Định. Ảnh: V.Đ.T

“Ngoài ra, Bình Định còn rà soát quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, nhằm xây dựng và thực hiện các dự án tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất nhân dân. Rà soát, cập nhật các phương án ứng phó thiên tai cấp tỉnh theo cấp độ rủi ro thiên tai, cập nhật riêng từng phương án ứng phó với bão, lũ lụt và hạn hán”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

Trong công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định sẽ thực hiện xã hội hóa các dịch vụ khí tượng thủy văn. Qua đó lắp đặt bổ sung 10 trạm đo mưa tự động các lưu vực sông trong tỉnh do Quỹ cộng đồng phòng, tránh thiên tai hỗ trợ tại các huyện: Vân Canh 3 trạm; Phù Cát 2 trạm; thành phố Quy Nhơn 1 trạm; Hoài Ân 1 trạm; Tuy Phước 1 trạm; Tây Sơn 1 trạm và thị xã An Nhơn 1 trạm.

Bên cạnh đó sẽ nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Thiết lập cơ sở dữ liệu trung tâm; cập nhật mô hình dự báo ngập lụt; lắp đặt 6 trạm quan trắc dòng chảy hạ du lưu vực sông Kôn - Hà Thanh nhằm theo dõi các hình thái khí hậu cực đoan cung cấp thông tin cho quy hoạch, đầu tư và quản lý hạ tầng trong vùng. Lắp đặt, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai gồm tự động quan trắc mưa, độ mặn, mực nước.

Lắp đặt 37 thiết bị đo mưa, mực nước tại các hồ chứa được nâng cấp, xây mới; 12 thiết bị đo mực nước, 12 camera giám sát các hồ chứa lớn do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý; lắp đặt 55 thiết bị đo mưa, mực nước tại các hồ chứa lớn và vừa do cấp huyện quản lý, vận hành. Các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, ngầm tràn đường giao thông, vùng trũng thấp ven sông, suối và khu vực có nguy cơ sạt lở đất được lắp đặt thiết bị cảnh báo, bảng cảnh báo.

Trạm đo mưa tự động tại hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Trạm đo mưa tự động tại hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh tại quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/7/2018. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định sẽ đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa sông Kôn - Hà Thanh cho phù hợp với thực tiễn, cập nhật dữ liệu thông tin vận hành hồ chứa vào hệ thống”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Tăng cường đầu tư, nâng cấp hồ thủy lợi

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định đã sửa chữa, nâng cấp 26 hồ chứa nước thủy lợi. Trong đó, từ năm 2016 - 2018 đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 8 hồ chứa, gồm các hồ: Núi Một, Hội Khánh, Mỹ Thuận, Hố Cùng, Thạch Bàn, Kim Sơn, Mỹ Đức, Cự Lễ. Từ năm 2019-2020 tiếp tục sửa chữa, nâng cấp 18 công trình, gồm các hồ: Hố Cùng, Núi Miếu, An Tường, Trinh Vân, Hố Trạnh, Cây Me (huyện Phù Mỹ); Suối Rùn, Kim Sơn, Mỹ Đức, Đá Bàn (huyện Hoài Ân); Giao Hội (thị xã Hoài Nhơn); Hóc Tranh, Hưng Long (huyện An Lão); Lỗ Môn (huyện Tây Sơn) thuộc Dự án WB5 và WB8; các hồ Phú Thuận, Phú Khương (huyện Hoài Ân); Chánh Thuận (huyện Phù Mỹ); Thiết Đính (thị xã Hoài Nhơn) thuộc dự án sửa chữa khẩn cấp.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định lên kế hoạch tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn 30 hồ chứa, trong đó xây dựng mới 5 hồ với kinh phí 1.054,5 tỷ đồng.

Trong đó, ở huyện Vĩnh Thạnh có hồ Tà Niêng; huyện Tây Sơn có 5 hồ, gồm hồ Núi Tháp, Bàu Năng, Lỗ Ổi, Hóc Đèo, Hóc Thánh;  huyện Vân Canh có 3 hồ, gồm hồ Suối Mây, Suối Lớn, Suối Cầu; huyện Tuy Phước có 1 hồ Đá Vàng; huyện Phù Mỹ có 10 hồ, gồm hồ Nhà Hố, Đồng Dụ, Đá Bàn, Hóc Nhạn, Cây Me, Dốc Đá, Suối Sổ, Hóc Mẫn, Hóc Xoài, Đập Lồi; huyện Phù Cát có 1 hồ Đá Bàn; thị xã Hoài Nhơn có 4 hồ, gồm hồ Hóc Cau, Hóc Dài, Lòng Bong, Lộ Diêu; huyện Hoài Ân có 4 hồ, gồm hồ Hóc Hảo, Hố Chuối, Đồng Quang, Cây Điều và huyện An Lão có 1 hồ Sông Vố.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, thực trạng nhiều hồ chứa nước ở tỉnh này có mặt cắt đập không đảm bảo, mái thượng, hạ lưu chưa được gia cố sạt lở, thiếu vật thoát nước, cây cối trên mái đập chưa được phát dọn. Một số đập có hiện tượng thấm, tổ mối trên đập; các cửa van tràn chưa được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, lan can cầu thang bị rỉ sét, tràn tự do chưa được gia cố, sửa chữa, nâng cấp.

Hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) được quản lý, vận hành bằng công nghệ hiện đại để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: V.Đ.T

Hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) được quản lý, vận hành bằng công nghệ hiện đại để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: V.Đ.T

Hành lang thoát lũ chưa được phát dọn thông thoáng, chưa tháo dỡ vật cản trên tràn, trụ rào lưới chắn cá, còn đắp đất, bao cát trên tràn; nhiều hồ có cống lấy nước dạng nút chai bậc thang vận hành không an toàn. Các hồ Hóc Quy, Đồng Quang, Nam Hương, Hóc Bông, Hóc Cau, Hóc Kỷ có đường quản lý vận hành, cứu hộ đi lại khó khăn. Các hồ Cây Thích, Đá Vàng, Lỗ Ổi không còn đường quản lý. Hồ Hóc Thánh thì đường đi cắt ngang qua hạ lưu tràn. Đường đi dọc theo đường tràn hồ Thuận An, tràn hồ Hóc Cau đổ ra đường bê tông liên thôn.

“Qua kiểm tra hiện trạng, Bình Định hiện vẫn còn 36 hồ bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, Trung ương vừa bố trí kinh phí cho Bình Định sửa chữa 13 hồ theo chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và UBND tỉnh cũng đã bố trí kinh phí sửa chữa thêm 12 hồ nữa. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định sẽ nâng cấp, sửa chữa được 25 hồ chứa”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, phấn khởi cho hay.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.