Nhà quản lý cống… chờ sập
Tháng 8, một ngày trời trái tính trái nết, lúc nắng lúc mưa bất thường, chúng tôi theo chân cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An vượt hàng chục km đường bộ để lên huyện Cần Giuộc.
Đảo một vòng từ thị trấn Cần Giuộc qua xã Đông Thạnh, chúng tôi chứng kiến hai công trình nhà quản lý cống Trị Yên và cống Ông Hiếu đã xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng muốn tháo dỡ, đập bỏ lại vướng đủ thứ thủ tục hành chính, do đây là công trình phụ trợ của tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo Nghị định 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.
Cả hai công trình này đều không còn sử dụng được, gây khó khăn trong quá trình làm việc, bảo quản tài sản, thiết bị, vật tư, máy phát điện phục vụ vận hành cống. Cơ quan thẩm định có văn bản đánh giá công trình trên không đảm bảo chất lượng để khai thác sử dụng.
Dẫn chúng tôi tiếp cận công trình, anh Đoàn Hải Ngư, nhân viên quản lý, vận hành cống Ông Hiếu liên tục cảnh báo: “Phải hết sức cận thận, không nên vào sâu bên trong, rất nguy hiểm vì nhà có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào”.
Theo tìm hiểu, nhà quản lý cống Trị Yên có tuổi đời trên 35 năm, gồm 1 trệt và 1 lầu, diện tích sàn khoảng 90m2. Những dấu vết già nua in hằn trên khắp công trình. Lớp sơn trên tường, cột qua nhiều năm sử dụng đã quá cũ, bạc màu, bong tróc nhiều chỗ. Trần, sênô bị thấm dột, răn nứt lớp bê tông, rơi rớt các mảng bê tông lớn và lộ ra lớp thép bị rỉ sét.
Mái bị thấm dột, rơi rớt, cửa đi, cửa sổ bị hư hỏng. Cột, đà, trần bị răn nứt nhiều chỗ và lộ ra lớp thép rỉ sét, rơi rớt các mảng bê tông lớn. Tường, chân tường bị mục nát, rơi rớt các mảng vữa lớn. Nền bị sụp lún, ẩm thấp, gạch bể nát… Cả công trình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Tương tự, nhà quản lý cống Ông Hiếu có diện tích khoảng 60m2, loại nhà cấp 4, tường gạch xây, mái tôn, được xây dựng từ năm 1992 hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Sơn tường cũ mốc rêu phong, bong tróc nhiều chỗ, mái và trần bị thấm dột, rơi rớt khung thép. Các cửa đi, cửa sổ bị mục, rỉ sét, rơi ra ngoài hư hỏng nặng.
Theo anh Ngư, nhà quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng sau thời gian dài sử dụng và 4 năm nay nhân viên ở đây phải dọn đồ ra ngoài để tránh nguy hiểm. Đồ đạc, vật tư để vận hành công trình giờ cũng không có nhà kho để cất giữ, máy phát điện thì để phơi mưa, phơi nắng, chỉ che tạm bằng miếng bạt cho khỏi bị ướt.
Khi trời mưa gió hay ban đêm không có điện phát sáng để vận hành cống, đi mò mẫm rất nguy hiểm. Chỉ mong sao cấp trên sớm cho đập bỏ công trình xuống cấp, xây lại nhà quản lý mới để nhân viên có chỗ trú mưa, trú nắng, có nơi ở để quản lý, vận hành cống hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Trang Tấn Tài, Giám đốc Trung tâm Quản lý công trình thủy lợi Long An cho biết, nhà quản lý cống Trị Yên và cống Ông Hiếu từ năm 2020 đến nay không sử dụng được và cũng không còn khả năng sửa chữa được nữa. Nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên vận hành cống thực hiện nhiệm vụ và người dân xung quanh khu vực, Trung tâm đã lắp đặt biển báo nguy hiểm ở công trình và treo biển cấm vào khu vực bên trong.
“Về giải pháp xử lý, Trung tâm đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Long An xem xét cho chủ trương phá dỡ thanh lý nhà quản lý cống Trị Yên và cống Ông Hiếu theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được do đây thuộc loại công trình phụ trợ của tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo Nghị định 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi”, ông Tài nêu khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An Lê Thị Hồng Gấm thì “tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thanh lý trong trường hợp đã bị hư hỏng không thể sử dụng hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý đối với tài sản hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý” (theo điểm b Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định).
Còn theo công văn trả lời của Sở NN-PTNT tỉnh Long An, tỉnh có Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Long An về việc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê tài sản, xử lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Long An. Tuy nhiên, khi xem xét thì tài sản kết cầu hạ tầng thủy lợi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này. Còn nếu căn cứ theo Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, về trình tự, thủ tục xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thì hiện nay HĐND tỉnh chưa ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo nghị định này. Đơn vị cũng chưa cung cấp được thông tin nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cần xử lý. Do đó, đến nay vẫn chưa có cơ sở để làm căn cứ cho chủ trương thực hiện.
Ba năm vẫn áp dụng giá dịch vụ cũ
Hiện nay, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An có 111 nhân sự, trong đó có 34 người thuộc viên chức, còn lại là hợp đồng hưởng lương và hợp đồng theo thời vụ (lương thỏa thuận). Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN-PTNT, được giao quyền tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư theo Quyết định số 8083/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Long An.
Theo ông Trang Tấn Tài, mặc dù phải tự chủ về tài chính nhưng do là Trung tâm trực thuộc Sở NN-PTNT nên đơn vị chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ được giao hàng năm, chứ không được tham gia đấu thầu hay cơ chế đặt hàng nên rất khó khăn về nguồn thu.
Do hoạt động theo quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, về giá sản phẩm cụ thể, giá thủy lợi công ích, dịch vụ thủy lợi khác hàng năm không có quyết định ban hành nên rất lúng túng trong việc áp dụng định mức để thu phí. Ông Tài cho biết, nhiều năm qua Trung tâm vẫn phải áp dụng mức giá cũ để thu tiền dịch vụ thủy lợi, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, kinh phí hoạt động.
Cụ thể, về thủy lợi công ích, hiện nay đối với Trung tâm vẫn chưa có quyết định ban hành về mức giá tối đa được áp dụng. Trung tâm vẫn phải lấy mức giá ban hành của năm 2021, áp dụng cho năm 2022 và kéo dài cho tới nay. Riêng về giá dịch vụ thủy lợi khác đã xây dựng nhiều năm nhưng chưa được phê duyệt, do vướng thủ tục.
Trung tâm đang thu từ nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp (cung cấp nước thô cho nhà máy nước Phú Mỹ Vinh) với giá 900 đồng/m3. Dự theo mức giá mà Bộ NN-PTNT quy định cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, cấp nước từ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cấp cho tỉnh Long An.
Theo ông Tài, đơn vị rất muốn chuyển đổi mô hình từ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An sang mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, để hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thủ tục để chuyển đổi mô hình hoạt động cũng không đơn giản, dù đề án thành lập đã có sẵn.
Cụ thể, về điều kiện để thành lập thì: “Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng” (theo Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ nay thay thế bởi Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ). Trong khi đó, các công trình thủy lợi do Trung tâm Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Long An quản lý, khai thác đa số không có hồ sơ, không có giá trị nguyên giá (do lịch sử để lại). Và hiện nay Bộ NN-PTNT chưa ban hành giá quy ước để qui đổi xác định giá trị tài sản, theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, nên chưa đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An khẳng định, việc chuyển Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An sang mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ là cần thiết, đủ điều kiện và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Về vốn điều lệ theo quy định, vào 3/2023 Trung tâm đã được nhận bàn giao hệ thống thủy lợi Khu tưới Đức Hòa - Dự án thủy lợi Phước Hòa mới hoàn thành, đưa vào sử dụng với giá trị tài sản trên 727 tỷ đồng.
Mới đây, Sở NN-PTNT Long An đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Long An xem xét, phê duyệt chủ trương cho lập đề án chuyển đổi Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã giao cho Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, khi nào Trung tâm được chuyển đổi sang mô hình công ty thì vẫn phải chờ.