| Hotline: 0983.970.780

Nền nông nghiệp có khói và không khói ở Yên Thành, Nghệ An

[Bài 5]: Người chăn đàn 'con chiên' trên đỉnh Rú Bạc

Thứ Tư 19/07/2023 , 06:14 (GMT+7)

'Trong các bài giảng đạo một năm ba lần nhắc đến con chiên. Nếu ai không biết con chiên như thế nào thì lên Rú Bạc', một người đã nói với tôi như vậy.

Ngất đi vì thấy vật nuôi bị giết

Để rồi vì sự tò mò đó mà tôi cất công lên Rú Bạc của xã Sơn Thành (Yên Thành, Nghệ An) từ buổi đầu hôm và ngủ lại, cùng thức dậy với bình minh sáng lòa, chan hòa trên đỉnh núi. Anh Bùi Công còn dậy sớm hơn tôi, mở cửa chuồng cho đàn con chiên ùa ra. Không gì hiền lành bằng con chiên cả. Chúng gần gũi, thân thương khi sống với bầy đàn và rất biết nghe lời người chăn nên từ lâu cừu đã được ví với các con chiên ngoan đạo.

Anh Bùi Công bên một con cừu non. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Công bên một con cừu non. Ảnh: Dương Đình Tường.

Núi xanh, cừu trắng và nắng vàng khắp cả một khoảng không rộng bát ngát. Đàn cừu sau khi chạy ràn rạt trên bãi cỏ, ăn đã lưng lửng bụng liền tìm đến chỗ có bóng mát, liếm láp vào tay người chăn. Anh Công âu yếm vỗ vỗ vào thân một vài con. Các con khác thấy thế liền đứng xúm lại, quẩn đặc cả chân khiến anh phải bật cười vì bước đi không nổi. Cảnh vật không khác gì ở một góc trời Âu.

Anh Bùi Công quê gốc ở huyện Thanh Chương, cách huyện Yên Thành chừng hơn 1 giờ chạy xe nhưng cả 5 năm nay cứ ở mải miết Trại cừu Nghệ An này, chẳng mấy khi về trừ ngày giỗ cha, giỗ bà, rằm tháng bảy và Tết, lần nhiều nhất 3 ngày.

Bài liên quan

28, 29 Tết anh mới về nhưng mồng 2 Tết đã thấy lên rồi, bởi ở quê dù nghỉ ngơi nhưng lúc nào anh cũng mường tượng ra giờ này đàn cừu đang làm gì, đang đi ăn ở đâu, không biết có chúng có no bụng, không biết người chăn có đóng cửa chuồng để phòng chó dữ... Nhà có tới 7 anh em, hơn 10 tuổi anh đã phải đi ở đợ, chăn trâu cho người ta nên yêu các con vật nuôi nói chung mà nhất là cừu.

Không như dê, cừu chẳng mấy khi húc nhau, húc người và đã một con đi là đi ràn rạt cả đàn. Mấy con dê của Trại cừu Nghệ An dù bị anh Công quát, mắng nhiều lần nhưng vẫn thỉnh thoảng lẻn lên đồi hoa để phá hoại. Dê gặp chó dữ biết giương sừng chống lại nhưng cừu thì không, chúng chỉ ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn rồi bỏ chạy cả đàn. Cừu quấn người chăn đến mức nếu anh Công bê đồ ăn ra mà quên không chặn cửa chuồng trước là chẳng thể đi đâu được vì cả đàn sẽ quây lại, cọ sát, bíu vào không còn khe hở nào để lách.

Những chú cừu đáng yêu đang đi ăn buổi sớm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những chú cừu đáng yêu đang đi ăn buổi sớm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đối với khách đến trại thì chỉ có bim bim mới đủ sức quyến rũ bầy cừu để mặc sức vuốt ve, bế ẵm, chụp ảnh check in với chúng, còn không thì cứ việc đứng từ xa mà nhìn. Lắm khách đang cho cừu ăn dở, tinh nghịch giấu luôn bim bim vào túi quần, cừu vẫn cứ bíu dưới chân cho đến khi móc ra hết mới thôi.

Anh Công gắn bó với đàn cừu từ khi chúng hãy còn nhỏ, thậm chí nhìn thấy con nào bụng to, cào chân xuống đất là biết đau đẻ, liền lấy tay mà đỡ, lấy giẻ mà lau. Khi con nào ốm, mệt bỏ ăn thì cũng chính tay anh tiêm thuốc nên rất thuộc tính, thuộc nết.

Ngoại hình khá giống dê nhưng cừu “dân chủ” hơn hẳn khi không phân quyền lực cho con đực hay con cái, con đầu đàn hay con non, hễ một con đi là cả đàn đi theo. Nếu người chăn chặn đầu, quát lên một tiếng là chúng ngoan ngoãn dừng lại và đứng nấp dưới bóng mát cùng với chủ. Đôi lúc mải việc đón khách ở dưới này, anh Công không để ý được đàn cừu, chúng kéo nhau lên núi, thậm chí đến tối cũng chẳng biết đường về.

Cừu là động vật nuôi hiền lành và thân thiện nhất với con người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cừu là động vật nuôi hiền lành và thân thiện nhất với con người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cứ đi theo dấu chân và tiếng leng keng từ 2 con cừu được đeo chuông là anh biết chúng ẩn nấp dưới lùm cây nào để dẫn lại về chuồng. Sợ nhất là con chó béc giê của một công ty khai thác cát ở gần trại. Đã nhiều lần trong đêm tối nó lén lút nhảy qua hàng rào, xông vào tấn công đàn cừu, cắn cổ, moi bụng của chúng. Lần nào trông thấy cảnh tượng tang thương đó anh đều khóc, đau như chính mình bị cắn vậy. Có lần kỷ lục 11 con cừu bị cắn trong đó 7 con chết ngay tại chỗ, 4 con bị thương nằm la liệt, máu đỏ vương ướt cả chuồng, tiếng kêu be be thảm thiết cả một góc núi. Chứng kiến cảnh tượng đó anh đã ngất đi, mãi hồi lâu mới tỉnh để gọi điện cho chủ trại trình báo công an.

Những đứa trẻ rất thích các tượng con vật ngộ nghĩnh như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đứa trẻ rất thích các tượng con vật ngộ nghĩnh như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trở về quê sau 17 năm làm ông chủ ở nước ngoài

Anh Nguyễn Văn Tứ - chủ của khu du lịch nông nghiệp mang tên Trại cừu Nghệ An vốn gốc ở xã Bảo Thành, cùng huyện Yên Thành. Cũng như bao trai làng khác, 21 tuổi anh đã đi Nga xuất khẩu lao động và ở đó tới tận 17 năm sau mới về. Có chút vốn, lúc đầu anh mua 2 ha đồi toàn là cát trắng ở xã Sơn Thành tính chuyện nuôi cừu lấy lông xuất khẩu nhưng không thành công.

Bài liên quan

Tuy nhiên, khi thấy loại động vật lạ lẫm này xuất hiện ở xứ Nghệ, nhiều người đã tò mò kéo đến xem, xin chụp ảnh cùng. Từ tín hiệu mới đó, anh nghĩ đến cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, liền xây bể bơi, lấy nước từ suối Mây trên đỉnh Rú Bạc chảy về rồi thuê thầy dạy cho những ai có nhu cầu; cải tạo khuôn viên trong trại bằng các tiểu cảnh xinh xắn; trồng một đồi hoa với nhiều loại như hướng dương, đồng tiền, bỏng, thược dược, cúc, trà… bên cạnh những cây bản địa có sẵn như sim, mua. May mắn là ở phía trên trại có một hồ nước của bên thủy lợi, mùa nào cũng đầy ăm ắp, tạo nên một cảnh sắc hữu tình.

Khi mọi thứ bắt đầu đi vào vận hành thì dịch Covid-19 xuất hiện, Trại cừu Nghệ An phải đóng cửa mất 2 năm vì không có khách. Đang cơn chán nản, anh Tứ đã muốn buông xuôi tất cả, rao bán trang trại, học nghề làm nail (làm móng) để chuẩn bị sang Mỹ theo một người họ hàng. Nhưng trại bán mà chẳng ai mua. Cực chẳng đã anh đành phải cố vay tiền mà đắp thêm các bức tượng trâu, hươu cao cổ, nấm khổng lồ, làm thêm các cây cầu uốn quanh khe suối, cải tạo thêm trang trại để chờ đợi thời cơ. Tổng số tiền anh Tứ đầu tư vào trại từ đầu cho đến nay đã lên tới 5 - 6 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Văn Tứ - chủ Trại cừu Nghệ An (phải) nói với anh Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Tứ - chủ Trại cừu Nghệ An (phải) nói với anh Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thế rồi dịch cũng qua đi. Khách dần tìm đến trại để ngắm cảnh đồng thời thưởng thức các món ăn như cừu nướng kiểu Nga, lươn, ba ba, gà kiểu Việt, quả thì sẵn 500 gốc mít trồng trên rừng, còn rau thì mùa nào thức ấy. Ước mơ của anh Tứ là được liên kết với dân theo dạng mình cấp giống cừu rồi bao tiêu sản phẩm, quy mô lúc đó sẽ là cả ngàn con chứ không phải trăm con như bây giờ nhưng chưa được.

Tôi hỏi nhiều người dân ở quê phải mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí chấp nhận mạo hiểm tính mạng khi ngồi trong conteiner để đi Tây mà anh ở bên đó 17 năm rồi sao không buôn bán tới già luôn cho sướng? Anh cười và trả lời rằng: Vì mẹ già ở quê, vì con sợ không nói được tiếng Việt, và vì mục đích làm đẹp cho chính quê hương mình”.

Anh Tứ rút kinh nghiệm qua mỗi lần sơ suất, hiện khoảng 70 - 80% khách đến với Trại cừu Nghệ An đã tỏ ý hài lòng. Do chưa có dịch vụ lưu trú nên anh đang tính trong thời gian tới sẽ làm các căn nhà dạng bungalow để đáp ứng cho nhu cầu chơi, ăn và nghỉ.

Đàn cừu sau khi đi ăn trên núi trở về chuồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn cừu sau khi đi ăn trên núi trở về chuồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nét độc đáo giữa vùng gió Lào cát trắng

Buổi sáng hôm đó, dù chuẩn bị có cuộc kiểm tra công ty cát trên địa bàn nhưng anh Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành vẫn tranh thủ lên trại một lát. Anh hồ hởi nhận xét về Trại cừu Nghệ An thế này: “Cái hay nhất là ở ngay xứ gió Lào cát trắng, chỉ cây keo mọc nổi, nóng vào mùa hè nhưng rét 9 - 10 độ C vào mùa đông lại nuôi được cừu, lại làm được du lịch, lại tạo được thương hiệu không chỉ cho xã Sơn Thành, cho huyện Yên Thành, mà còn cho cả tỉnh Nghệ An.

Trại hình thành trên loại đất khác, chưa quy hoạch nên sắp tới xã sẽ tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho anh Tứ lập tờ trình xin thuê đất 50 năm để hình thành nên một khu du lịch sinh thái. Chúng tôi ủng hộ cả chuyện phải đầu tư một con đường lớn cho xe to có thể vào tận nơi chứ không phải là đường rừng như hiện nay”.

Bài liên quan

Cũng theo anh Sáu, xưa Sơn Thành là xã miền núi, nghèo nhất nhì huyện Yên Thành nhưng hơn 20 năm nay phong trào xuất khẩu lao động đã phát triển rất mạnh. Với dân số trên 9.000 người thì có khoảng 2.000 người đang ở nước ngoài, chủ yếu là Đức, Ba Lan, Séc, Anh… giúp cho thu nhập bình quân của cả xã đạt 78 triệu/người/năm và xây được trên 1.000 nhà kiểu biệt thự cùng 1 lâu đài.

“Đầu năm vừa rồi xã tổ chức họp mặt những người con xa quê. Chúng tôi ước tính qua thống kê nhà, đất, ô tô, xem xét cả chuyện họ có vay ngân hàng hay không thì số hộ có tài sản trên 100 tỉ ở Sơn Thành vào khoảng 200 hộ trong đó trên 500 tỉ có khoảng dăm ba hộ. Còn những hộ có người đi nước ngoài khác thì hầu hết đều có tài sản từ 10 tỉ trở lên. 8 - 9 cán bộ xã đang có con đi nước ngoài, như nhà tôi là 2 con trai và 1 con dâu, những người khác con còn nhỏ thì chưa đi được.

Anh Nguyễn Văn Tứ - chủ Trại cừu Nghệ An (trái) nói với anh Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành kế hoạch du lịch nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Tứ - chủ Trại cừu Nghệ An (trái) nói với anh Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành kế hoạch du lịch nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây, chính quyền tạo điều kiện đứng ra bảo lãnh cho dân vay vốn đi xuất khẩu lao động, nay tạo điều kiện về các thủ tục hành chính. Có người 11 giờ tối phải lên xe để ra Hà Nội đi xuất khẩu lao động nhưng 10 giờ tối lục giấy tờ mới thấy thiếu một loại liền hoảng quá, gọi điện cho tôi. Tôi vội còn chẳng kịp mặc quần áo dài, cứ quần đùi, áo cộc 10 phút sau từ nhà đã có mặt ở UBND xã, cùng cán bộ văn phòng và cán bộ tư pháp bật đèn, tra mạng rồi ký, đóng dấu cho người ta khỏi lỡ chuyến bay.

Các tin tức của xã đều được đưa lên cổng thông tin điện tử để người dân tiện theo dõi và bản thân tôi cũng đang là quản trị viên của trang Sơn Thành quê tôi trên facebook. Sơn Thành hiện là xã duy nhất của huyện Yên Thành không có hộ nghèo. Dân đi nước ngoài nhiều và giàu như thế nhưng làm giàu ngay trên chính đất quê hương là điều rất quý của mô hình du lịch nông nghiệp chỗ anh Tứ”.   

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.