| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nông thôn mới Thanh Hóa

[Bài 2]: Khi nông dân rủ... nhau làm giàu

Thứ Tư 15/03/2023 , 06:24 (GMT+7)

Các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người sản xuất, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tự ái vì nông sản Thanh Hóa bị chê tả tơi

Cách đây hàng chục năm, chuyến buôn nông sản đầu tiên của ông Nguyễn Hữu Lựu (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng) lỗ chổng vó vì hàng hóa của người Thanh Hóa sản xuất ra bị chê là kém chất lượng. Nguyên nhân là do cơ sở chế biến, bảo quản chưa phát triển, khiến nông sản thường xuyên bị hư hỏng, mất giá.

Có năm hàng tấn nông sản chất đống thành núi vì thị trường không có nhu cầu. Tiếc số tiền đã bỏ ra, ông Lựu bàn với vợ vừa bán rẻ vừa cho thương lái, nhưng vẫn không tiêu thụ hết số hàng tồn. Sau nhiều năm bôn ba thương trường, ông đúc rút kinh nghiệm: “Làm nông nghiệp rủi ro nhiều mà lãi lời ít. Nếu không liên kết và gắn bó chặt chẽ với người nông dân thì chắc chắn thất bại".

Tự ái vì nông sản Thanh Hóa bị chê kém chất lượng, ông Lựu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con nông dân, bàn bạc, cải tạo đồng đất quê hương, mở rộng, phát triển vùng chuyên canh lớn, lấy cây lúa là cây trồng chủ đạo.

Mục tiêu của ông ban đầu là khôi phục bằng được giống lúa nếp cái hoa vàng trên đất quê hương - giống nếp được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa, thường được dùng để tiến vua, nấu xôi, làm các loại bánh.

1

Sản phẩm gạo của Công ty Lựu Sướng đã có mặt tại nhiều tỉnh. Ảnh: Quốc Toản.

Sau nhiều năm cố gắng, năm 2009, giống nếp cái hoa vàng đặc sản tại xã Hà Long được khôi phục. Tiếp đó ông Lựu cùng bà con phát triển diện tích trồng lúa nếp hạt cau để làm sản phẩm OCOP. Hiện nay, hai loại gạo nếp nói trên đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước.

Sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh đến nay đã mở rộng diện tích lên 150 ha, thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia canh tác, sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ông Lựu còn đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng trên đồng đất Hà Trung, như lúa ST24, ST 25, Séng Cù. Đến nay, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gạo của Công ty Lựu Sướng lên tới gần 700 ha; trong đó, huyện Hà Trung có 400 ha, tập trung nhiều ở các xã: Hà Long, Hà Vinh, Hà Sơn, Hà Tiến, Hà Hải , Hà Giang…

Chủ doanh nghiệp Lựu Sướng cho biết, để thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị không hề dễ dàng.

“Khi bắt tay vào việc, đa số nông dân không hiểu thế nào thế nào là sản phẩm OCOP hay VietGAP nên không dám tham gia mô hình trình diễn vì sợ mất vốn, tốn sức. Nhưng nếu làm nông nghiệp mà không tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì nông sản của Thanh Hóa vẫn mang tiếng, Bởi vậy, khó mấy cũng phải tìm cách đổi nhận thức canh tác cho bà con”, ông Lựu chia sẻ.

Có năm, hàng chục ha lúa tại xã Hà Long mất mùa vì gặp trận bão lớn. Bà con hàng xóm kéo đến nhà ông Lựu để “bắt đền” với lý do: Vì nghe theo ông Lựu, cấy giống dài ngày nên mới gặp bão, làm mất mùa. Nếu cấy giống ngắn ngày cho thu hoạch sớm thì sẽ tránh được bão, hạn chế thiệt hại.

Ông Lựu giải nhưng người dân không nghe, đành phải mời chính quyền can thiệp và tổ chức đối thoại với dân. Nhưng không để bà con chịu thiệt, sau trận thiên tai đó, ông Lựu bỏ tiền túi ra để hỗ trợ bà con giống, phân bón, khởi sự lại từ đầu.

“Vài năm trước lúa đến vụ thu hoạch thì gặp trận mưa dài ngày. Người dân không còn cách nào khác buộc phải đội mưa, gặt lúa để chạy lụt. Đến khi lúa được mang đến nhà máy thì đã mọc mầm. Lúc bấy giờ nếu không thu mua thì thiệt cho bà con, mà thu mua thì thiệt cho doanh nghiệp. Lúc đó tôi nghĩ ra cách đưa số lúa đó chế biến thành cám để bán nhằm gỡ gạc lại vốn”, ông Lựu chia sẻ.

r

Ông Lựu cùng người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Ảnh: Quốc Toản.

Sau hơn 20 năm gắn bó với người nông dân, ông Lựu tự hào, sản phẩm gạo của mình đã có mặt tại các nhà hàng, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh và được người dân ưa chuộng. Mô hình sản xuất liên kết hợp tác sản xuất với bà con nông dân trong tỉnh đã giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ cây lúa.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: “Hiện tại, xã Hà Long có khoảng 700 hộ dân tham gia vào mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp. So với lối canh tác nhỏ lẻ manh mún, thì việc hợp đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và người dân cho các hộ thu nhập tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 so với canh tác lúa đơn thuần. Bên cạnh đó, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp giúp địa phương tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, thu hoạch gọn vùng và đầu ra đảm bảo. Nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống và có thu nhập bền vững”.

Đến nay, Công ty Lựu Sướng đã tập hợp được gần 1.000 thành viên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ, cung ứng phân bón, giống chất lượng đến tay người nông dân, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, cung ứng kịp thời cho thị trường.

Cuối năm 2021, công ty đã chính thức vận hành hệ thống dây chuyền chế biến gạo nếp cái hoa vàng và cung ứng ra thị trường, đồng thời nhận được nhiều đơn đặt hàng. Đây là điều kiện thuận lợi về đầu ra, giúp người dân xã Hà Long yên tâm sản xuất.

Để phát triển mô hình liên kết bền vững, ông Long cùng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục tiến hành khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để tiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Tháng 4/2022, Công ty Lựu Sướng khánh thành nhà máy chế biến lúa gạo có diện tích 7.700 m2 tại xã Hà Long (Hà Trung) giai đoạn 1. Nhà máy có dây chuyền xay xát hiện đại, công suất gần 10.000 tấn/năm. Việc đưa vào vận hành nhà máy, cũng như mở rộng diện tích liên kết sản xuất với người nông dân đã hình thành chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.

Bỏ phố về làng

Quyết định đó khiến anh Nguyễn Thế Hoàng (Nghi Sơn, Thanh Hóa) và vợ khục khặc một thời gian dài. Chả ai hiểu nổi vì sao người đàn ông đã có gia đình, công việc, nhà cửa ổn định, lại quyết định sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ở TP. Hồ Chí Minh để về quê làm nông dân. Thậm chí người đời còn dè bỉu, chê bai anh học đòi, vì chả có tí chuyên môn gì mà dám liều lĩnh lấn sân sang kinh doanh (chế biến thủy sản).  “Kiếm tiền ở đâu cũng như nhau, nhưng nghề truyền thống của cha ông để lại thì không thể bị mai một. Nhà tôi nhiều đời làm mắm, nhưng mắm Hải Bình chưa vươn xa vì chất lượng kém, sản xuất mới ở dạng tự cung tự cấp. Ban đầu vợ con, tôi không đồng ý với quyết định về quê, nhưng vì mình cương quyết nên cả nhà cũng phải nghe theo”, anh Hoàng kể.

Ngày anh cầm cố miếng đất ở quê để vay vốn khởi nghiệp, bố mẹ đẻ chỉ động viên vỏn vẹn một câu: “Đất ấy là đất ấy là đất tổ tiên để lại, miễn sao đừng để ngân hàng xiết nợ là được”.

Anh Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến thực hành khác xa một trời, một vực. Bởi vậy, câu chuyện khởi nghiệp của anh Hoàng không hề thuận lợi như mong muốn. Ban đầu, anh sử dụng sử dụng đám vườn ở quê để ủ mắm rồi đầu tư vốn để làm xưởng chế biến. Nhưng khi hàng đã thành phẩm thì không bán được vì chưa ai biết đến tên tuổi của anh và nhãn hiệu nước mắm còn quá mới trên thị trường.

Anh Hoàng kể: “Năm 2018, tôi chở đầy 1 xe nước mắm Vị Thanh ra thành phố bán thì chiều về hầu như còn y nguyên. Tiền mắn không bù được tiền xăng xe. Thất bại ngay từ chuyến đi buôn đầu tiên khiến tôi vỡ ra nhiều điều rằng, nếu chỉ có đam mê thôi chưa đủ, trong kinh doanh cần phải kiến thức, kinh nghiệm và sự hợp tác của các thành viên”, anh Hoàng chia sẻ.

b

Cơ sở kinh doanh nước mắm Vị Thanh của anh Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: Quốc Toản.

Nhận thấy cứ làm kiểu truyền thống địa phương thì không thể tạo đột phá, anh quyết định thay đổi phương pháp tiếp cận để sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu thị trường. Anh Hoàng cùng cộng sự khăn gói vào miền Nam (Phú Quốc, Nha Trang...) tìm hiểu công nghệ và học cách làm nước mắm đảm bảo tiêu chuẩn. Năm 2020, anh Hoàng đứng ra thành lập HTX chế biến thủy sản Hải Bình, cùng bà con hợp tác về vốn, kỹ thuật, lao động để nâng tầm nghề truyền thống của ông cha.  

Hợp tác xã có nhiệm vụ liên kết với bà con ngư dân để thu mua hải sản rồi giao thẳng đến cơ sở chế biến theo kiểu "mua tận gốc, bán tận ngọn" nhằm giữ mối hàng. Hiện nay, vốn lưu động của HTX lên tới cả tỷ đồng với sự tham gia của gần 30 chục xã viên. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, năm 2020, sản phẩm nước mắm Vị Thanh được công nhận là sản phẩm OCOP. Đến năm 2021 sản phẩm mắm tép của HTX chế biến thủy sản Hải Bình cũng được công nhận sản phẩm OCOP.

Thành công bước đầu từ những sản phẩm nòng cốt giúp anh Hoàng có thêm động lực mở rộng kênh kết nối, giao thương thông qua các động trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Cũng vì thế mà người ta biết đến nước mắm, mắm tép, mắm tôm Vị Thanh nhiều hơn. Đến nay, các sản phẩm mang nhãn hiệu Vị Thanh cho giá trị thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng/tháng. HTX chế biến thủy sản Hải Bình cũng trở thành đầu mối chính thu mua hàng hóa của hàng trăm ngư dân sinh sống trong vùng, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người lao động sau những chuyến ra khơi dài ngày. 

Tính chung, doanh thu bình quân toàn HTX đạt trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho 60 lao động địa phương. Riêng cơ sở chế biến của anh đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động nông thôn với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, toàn HTX luôn duy trì sản xuất khoảng 40.000 lít nước mắm và hàng trăm tấn mắm tôm, mắm tép các loại để cung ứng ra thị trường.

Bà Hà Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đánh giá, các mô hình liên kết sản xuất nói trên đã và đang thu hút được nhiều người dân tham gia, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giá trị sản xuất nông nghiệp. Hình thức liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp giúp địa phương hướng đến nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.