| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nông thôn mới Thanh Hóa

[Bài 1]: Về nơi người người, nhà nhà hiến đất mở đường

Thứ Ba 14/03/2023 , 06:14 (GMT+7)

Trong năm 2022, người dân huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã hiến gần 30.000m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa...

Ai có gì góp nấy

Nghe tin thôn Chí Cường 2, xã Thiệu Quang sắp làm đường, bà Vũ Thị Hễnh nhét vội tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng vào vạt áo nhăn nheo, rồi nhờ một thanh niên trong làng chở đến nhà trưởng thôn để ủng hộ xây dựng nông thôn mới. 

Đây là khoản tiền bà dành dụm trong tháng để mua thuốc men phòng khi trái gió trở trời. Vì chưa dùng đến, nên bà quyết định ủng hộ cho thôn. Bà bảo, phải thực hiện bằng được tâm nguyện này vì đó là trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng.

Năm nay bà Hễnh đã gần 70 tuổi, nhưng trời phú cho bà sức khỏe và sự minh mẫn, nên được người dân trong thôn tín nhiệm, bầu vào tổ giám sát cộng đồng. “Sức tôi không được như thanh niên trai tráng, nên góp chút tấm lòng, thay công lao động. Làm đường đẹp thì cả xóm được hưởng thụ chứ chả riêng nhà mình…”, bà Hễnh chia sẻ.

chi cuong

Người dân thôn Chí Cường 2 tự nguyện tháo dỡ công trình để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Quốc Toản.

Ngõ số 1, xóm Vườn Thầy (thôn Chí Cường 2, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) rộng gần sải tay người lớn. Con ngõ có chiều dài 130m với 13 hộ dân sinh sống mấy hôm nay tấp nập, nhộn nhịp đến lạ.

Từ đầu thôn đến cuối xóm, từng tốp thợ và máy móc đang hối hả phá dỡ những mảng tường đá ong bám đầy rêu mốc để lấy mặt bằng thi công. Để thực hiện được khối lượng công việc lớn, mỗi gia đình đã cắt cử một lao động chính, thường xuyên có mặt tại vị trí thi công để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Án ngữ ngay đầu ngõ là căn nhà của gia đình ông Phạm Viết Xoa. Người đàn ông trung niên đang tự tay tháo dỡ mái tôn, di dời tường rào, cổng ngõ vào đúng vị trí để mở rộng đường. Để chỉnh trang ngõ xóm, gia đình ông đã hiến hơn 70m2 đất cho địa phương.

Ông Xoa chia sẻ: “Nhà tôi ở đầu ngõ, nếu không làm thì các hộ khác sẽ không làm theo. Cho nên, muốn ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, nhà mình phải gương mẫu thực hiện trước. Hiến đất để phục vụ cho gia đình mình là chủ yếu, sau đó là người dân trong xóm nên cũng không tiếc”.

Cách đó không xa, ông Trần Văn Khả đang kỳ cạch đo đạc, đánh dấu vào bức tường bếp, để lấy mốc phá dỡ. Sau khi nghe chính quyền vận động hiến đất cho phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Khả chẳng cần suy nghĩ nhiều mà quyết định phá dỡ gần nửa gian bếp và công trình phụ, đồng thời ủng hộ thêm tiền, đóng góp sức lao động để làm đường. Ông Khả bảo: "Sẽ ủng hộ thôn thêm tiền và đóng góp sức lao động cho đến khi nào công trình hoàn thành".

Điều đặc biệt tại thôn Chí Cường 2 là, ngay sau khi có chủ trương trương hiến đất làm đường, toàn bộ người dân xóm Vườn Thầy đã họp và đi đến thống nhất 100% các hộ hiến đất làm đường. Từ thông báo cho đến khi thực hiện giải phóng mặt bằng chỉ mất vài ngày. Đến nay, các hộ dân tại ngõ số 1, xóm Vườn Thầy đã hiến tặng chính quyền hàng trăm m2 đất để làm đường. Dự kiến, đến cuối tháng này, con ngõ rộng gần 5m sẽ được hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của các hộ dân trong xóm.

Ông Đỗ Viết Tứ - Chủ tịch UBND xã Thiệu Quang chia sẻ: "Trong xây dựng nông thôn mới, điều đáng mừng nhất là tư duy, nhận thức của người dân đã thay đổi. Bên cạnh đó, để tạo nên phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cán bộ, đảng viên, những người công tác trong các cơ quan đoàn thể phải đi đầu, gương mẫu thực hiện, qua đó khích lệ người dân đồng thuận trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới”.

“Lấy bao nhiêu đất, tôi cũng hiến!"

Ngôi nhà của bà Trịnh Thị Lặng (thôn Minh Đức, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa) chằng chịt vết nứt. Cuối năm ngoái bà nhờ người thân đóng tạm tấm bạt lên trần nhà để tránh mối mọt, mưa gió. Người đàn bà góa phụ định dành dụm số tiền cả đời tích góp được để sửa sang lại căn nhà, nhưng vội gác lại ý định trên để thực hiện mục đích cao cả hơn.

lai

Bà Trịnh Thị Lặng (thôn Minh Đức, xã Thiệu Long). Ảnh: Quốc Toản.

Tại cuộc họp thôn năm ngoái, bà con trong xóm còn nhiều ý kiến phân vân về chuyện được, mất khi tham gia hiến đất làm đường. Khi đó, cụ Lặng (hộ gia đình chính sách) mạnh dạn đứng lên phát biểu và khẳng định như đinh đóng cột trước bà con trong thôn: “Chính quyền cần bao nhiêu đất làm đường, gia đình tôi sẵn sàng ủng hộ. Nếu cần thêm đất, chính quyền cứ lấy đến khi nào thấy đủ thì thôi. Xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, đi lại thuận lợi, con cháu được hưởng lợi thì tiếc gì mà không hiến tặng”. 

Trước tấm lòng của bà, các hộ dân khác trong xóm cũng đồng lòng hiến đất, mở rộng đường nông thôn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục hộ gia đình tại thôn Minh Đức đã tự nguyện hiến đất, phá cổng, đập tường rào để làm giao thông nông thôn. Vì thế, tuyến đường thôn trước đây chỉ rộng khoảng 2m, đến nay đã được mở rộng 4,5 - 5m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo cảnh quan thoáng đãng cho vùng quê.

Nhiều địa phương trong huyện Thiệu Hóa tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh; Quốc Toản.

Nhiều địa phương trong huyện Thiệu Hóa tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Quốc Toản.

Riêng nhà bà Lặng đã hiến tặng gần 70m2 đất. Sau khi hiến đất, bà còn tự bỏ số tiền 20 triệu ra để mua vật liệu, nhờ hàng xóm láng giềng góp công, xây dựng tường rào mới. Bức tường dài vài chục mét bao quanh khu vườn của bà còn đẹp hơn cả căn nhà bà đang trú ngụ.

Diện tích đất mà bà Lặng hiến tặng cho chính quyền để làm đường có giá trị lên tới cả trăm triệu, nhưng bà chẳng hề quan tâm tới chuyện được mất khi mang tài sản đó hiến tặng cho địa phương. Bà Lặng bảo: “Tôi cũng không sống lâu nữa, nên cũng muốn làm điều gì đó tốt đẹp để con cái, quê hương nhớ đến bà, chứ không phải vì thành thích gì cả”.

Trong căn nhà đã xuống cấp, bà Lặng dành vị trí trang trọng trên bàn thờ để đặt tấm giấy khen của UBND huyện Thiệu Hóa, ghi công sự đóng góp của gia đình bà trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Hoàng Đình Quế - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Long cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay đã có hàng trăm hộ dân tình nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng với diện tích hơn 8.000m2, trong đó đất ở hơn 3000m2, còn lại là đất ao, vườn, đất lúa và hàng trăm ngày công lao động.

Đến nay, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đang trở thành phong trào sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Đây cũng là địa phương có phong trào hiến đất, làm đường diễn ra sôi nổi nhất tỉnh Thanh Hóa. Để góp sức vào phát triển của địa phương, có trường hợp tham gia hiến tặng hàng km đường điện chiếu sáng cho dân; có hộ tự đưa máy móc, thiết bị giúp bà con làm đường sá, hoặc tặng toàn bộ thiết bị máy móc, thể thao cho nhà văn hóa.

th

Huyện Thiệu Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư huyện ủy Thiệu Hóa cho biết, yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân. “Quan điểm trong xây dựng nông thôn mới nói chung tại huyện Thiệu Hóa là làm thực chất, thụ hưởng thực chất, tuyệt đối không chạy theo thành tích. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy không đặt nặng các danh hiệu, thành tích về xây dựng nông thôn mới. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở phải luôn đặt tâm thế làm thực chất, hiệu quả bền vững, tiến tới đưa mức sống của người dân tiệm cận với mức sống ở đô thị. Các thôn, cộng đồng dân cư phải là hạt dân trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, dẫn dắt, để thực hiện đúng và trúng nhiệm vụ đặt ra”.  

Để tránh nợ đọng lâu dài trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo về quản lý, khai thác các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhằm đảm bảo hiệu quả, thiết thực. “Các địa phương trong huyện phải báo cáo với huyện để thẩm tra, đánh giá khả năng cân đối vốn và kế hoạch đầu tư và trả nợ trước khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng. Điều này sẽ giúp các địa phương không để tồn đọng hoặc không có khả năng chi trả nợ sau khi hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới”, ông Biện nói.

Trong năm 2022, các hộ dân trong toàn huyện Thiệu Hóa đã hiến gần 30.000m2 đất để làm đường giao thông và nhà văn hoá; xây dựng, nâng cấp được 43,63 km đường giao thông nông thôn, đô thị và giao thông nội đồng; 45 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, cải tạo nâng cấp và xây mới 613 ngôi nhà, chỉnh trang, làm mới 57.066m tường rào mẫu; xây dựng mới 62 phòng chức năng và 12 phòng học, cải tạo xây dựng 30 phòng học, 21 phòng chức năng; 2 trụ sở xã và 2 chợ được nâng cấp. Huy động được hơn 260 tỷ từ cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới nói chung.

Ngày 15/2/2022, Chính phủ đã công nhận huyện Thiệu Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đến nay, toàn huyện đã có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 5 xã nông thôn mới nâng cao.

Tính chung trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, hơn 10 năm qua, người dân đã tự nguyện hiến 1.250ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng đường giao thông, khuôn viên nhà văn hóa…góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các mức độ (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu) thuộc cấp huyện, xã, thôn, bản.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.