| Hotline: 0983.970.780

[Bài 3] Hợp tác xã nhiều ruộng nhất xứ Bạc Liêu

Thứ Tư 29/06/2022 , 06:38 (GMT+7)

Với diện tích hơn 17.000ha, 5.000 hộ thành viên của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường không chỉ lớn nhất Bạc Liêu mà có lẽ còn nhất miền Tây.

LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.

Hàng vạn ha ruộng của Vĩnh Cường

Quốc lộ 1A đoạn cuối tỉnh Bạc Liêu đi xuống Cà Mau đã phân chia huyện Hòa Bình thành hai vùng sinh thái rõ rệt. Một bên là vùng nuôi trồng thủy sản và các dự án năng lượng tái tạo, bên kia là vùng chuyên lúa với diện tích xấp xỉ 11.000ha tập trung ở các xã Vĩnh Bình, Minh Diệu, Vĩnh Mỹ B và thị thị trấn Hòa Bình.

Những năm gần đây, người xứ này quen gọi đó là cánh đồng Vĩnh Cường, tên của hợp tác xã nông nghiệp lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Không chỉ vì hơn 70% diện tích trồng lúa trong huyện là của hợp tác xã mà còn vì Vĩnh Cường mấy năm nay đã là cầu nối đưa lúa gạo trên quê hương công tử Bạc Liêu đi khắp 34 quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường. Ảnh: Trọng Linh.

Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường nằm giữa cánh đồng của ấp An Thành xã Vĩnh Mỹ B. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Trịnh Văn Cường đón tôi bằng áo phông quần cộc, phong cách thật giản dị, xuề xòa, rất khác với lời tiết lộ của anh bạn đồng nghiệp rằng ông Cường là đại gia, mỗi năm kiếm cả chục tỷ từ đồng ruộng.

Bài liên quan

Gợi chuyện từ con số hơn 8.000ha hợp tác xã đang liên kết ở huyện Hòa Bình, ông chủ Vĩnh Cường vội khoát tay: Đâu mà ít thế trời. Còn bên Châu Thành, Thoại Sơn (tỉnh An Giang) khoảng 5.000ha, bên Hòn Đất (Kiên Giang) khoảng 3.000ha nữa… Nếu cộng hết vào, ruộng của Vĩnh Cường cũng phải chừng 17.000ha, hơn 5.000 hộ thành viên liên kết đấy. Chắc tụi tui chỉ thua mấy ông tập đoàn lớn, doanh nghiệp cỡ vừa tính gì.

Ông Cường cười ha hả, và câu chuyện kinh tế hợp tác của “người nhiều ruộng nhất Bạc Liêu” được bắt đầu bằng chia sẻ về nguyên tắc hợp tác đơn giản: Nếu giải quyết được bài toán để tối thiểu chi phí đầu vào, tối đa lợi ích đầu ra, chắc chắn bà con sẽ đi theo mình.

Hợp tác xã Vĩnh Cường được thành lập năm 2016. Trước đó, “ông chủ Cường” vốn dĩ đã là chủ đại lý buôn bán gạo, một khâu trong “chuỗi” lúa gạo truyền thống ở vùng đồng bằng, lại còn thuê gần 1.500 công ruộng bên An Giang thuê người trồng lúa, gặp năm được mùa thu cả chục tỷ như chơi. Cái ăn, cái mặc chả phải lo lắng nhưng cứ mãi canh cánh một điều, ruộng đồng quê hương mênh mông, trù phú thế mà đời sống bà con trồng lúa mãi không khá lên được là cớ làm sao?

Mất mấy tháng trời tìm hiểu, qua một mùa vụ theo dõi tập quán canh tác của bà con, người làm nghề buôn gạo ấy mới nắm được “bản chất vấn đề”: Bà con mình toàn làm lúa kiểu tự bơi không à. Giống má, phân thuốc, tất tần tật vật tư đầu vào các đại lý kinh doanh xui dùng thứ gì nghe thứ đó. Đắt rẻ làm sao không biết, chất lượng thế nào không hay, thành thử chi phí đầu vào bị đội lên rất nhiều. Rồi đến chuyện đầu ra cũng vậy, dù vất vả làm ra hạt lúa nhưng thường không biết bán cho ai, được mùa mất giá, có gặp cảnh “cò”, thương lái thu mua ép giá xuống bao nhiêu cũng phải tự chịu. Chưa kể, từ kiểu làm ăn manh mún, không chủ động được sản xuất, đã có cảnh không ít bà con phải đi vay nóng các đại lý, thiếu nợ vật tư, đến mùa gặt bị người ta siết, lời lãi chẳng còn được bao nhiêu.

Cho nên tui mới nghĩ, nếu tập hợp được bà con lại với nhau để vào hợp tác xã “cùng đầu vào, đầu ra”, đặt vấn đề lợi nhuận ít thôi, mục đích chính là chia sẻ lại cho bà con đúng như bản chất của các hợp tác xã có khi giải được bài toán này.

Tất nhiên, nghĩ bao giờ cũng dễ hơn làm. Cũng giống như nhiều HTX nông nghiệp khác, ngày thành lập Vĩnh Cường chỉ vỏn vẹn có 30 thành viên. Vận động mãi chẳng có ai chịu vào, là vì bà con chưa thấy, chưa tin. Giám đốc Cường xác định trước và bắt đầu thuyết phục bằng dịch vụ ông cho là vô lý nhất người trồng lúa ở Bạc Liêu phải chịu.

“Ruộng bà con, lúa cũng của bà con, doanh nghiệp kinh doanh giống chỉ thu mua về lọc rồi bán lại với giá 16 - 17 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành chỉ rơi vào khoảng 9 nghìn đồng. Hợp tác xã Vĩnh Cường cũng làm đúng quy trình như thế, khác chăng là cung ứng cho nông dân với giá chỉ 10 nghìn đồng/kg, kèm theo cam kết chất lượng và để cuối vụ mới thu tiền. Cách làm ấy quả thật hiệu quả. Chỉ sau có một mùa vụ, bà con ào ào xin vô hợp tác xã, một lúc có thêm hơn 450 thành viên, vụ sau tăng lên thành 3.965 thành viên liên kết”, ông Giám đốc Vĩnh Cường kể quá trình thay đổi.

Triết lý của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường là chia sẻ lợi ích cho bà con nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Triết lý của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường là chia sẻ lợi ích cho bà con nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Chuyện sau đó, ông Cường nói dễ hơn nhiều. Khi bà con đã tin vào lợi ích của kinh tế tập thể, khi hợp tác xã Vĩnh Cường có lợi thế về quy mô với hàng ngàn hộ thành viên thì việc kiểm soát vật tư đầu vào để giảm thiểu chi phí người trồng lúa hóa ra đơn giản.

Từ phân bón, thuốc BVTV đến các dịch vụ tổ chức sản xuất, HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đều ở vị thế “cửa trên”, có quyền yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng vật tư, các dịch vụ sản xuất “lấy lợi ích bà con làm trung tâm”. Chỉ riêng chuyện hợp tác xã “chọi” các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trung gian bằng cách ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư ngang với giá đại lý cấp 1 đã giúp các hộ thành viên liên kết giảm được 20 - 30% chi phí đầu vào.

Đặc biệt, mặc dù không phải là mô hình hợp tác xã chia lợi nhuận nhưng “nông dân nào cũng muốn vô với Vĩnh Cường” là vì cam kết làm lúa không bao giờ lỗ từ chính sách thu mua bao tiêu đầu ra.   

Quả thật, không chỉ đơn thuần lớn về diện tích, số lượng thành viên, thứ tạo nên sự khác biệt của Vĩnh Cường có lẽ là chuyện liên kết thị trường. Khó có một hợp tác xã nào mà mỗi năm bao tiêu hơn 20.000ha lúa, bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 250.000 tấn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng…

Tất nhiên là quy trình sản xuất cũng phải tổ chức bài bản. Bộ máy của Vĩnh Cường có 5 người trong hội đồng quản trị, 7 tổ sản xuất và 14 cán bộ kỹ thuật, đa phần đều trình độ kỹ sư cả. Sau khi ký hợp đồng và cung ứng vật tư đầu vào cho bà con, toàn bộ quy trình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo vệ chăm sóc đều được đội ngũ kỹ sư theo dõi chặt chẽ.

“Sứ mệnh của kinh tế tập thể, của hợp tác xã là ở chỗ này. Một hai năm đầu có thể còn vướng víu đôi chút chứ bây giờ rất khỏe, nhất là các doanh nghiệp thu mua. Toàn bộ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, chất lượng lúa thế nào, vận chuyển ra sao là chuyện của hợp tác xã với bà con, ông doanh nghiệp nhận lúa tại nhà máy và thanh toán tiền. Tin nhau đến mức vào vụ chỉ một hai cuộc điện thoại là “chốt”, hợp đồng ký sau”, Giám đốc Vĩnh Cường nói giọng hào sảng.

Ông Cường nói, là nhờ hợp tác xã biết liên kết thị trường: Chúng tôi chỉ tổ chức sản xuất khi có đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Từ đơn đặt hàng đó, hợp tác xã đầu tư và tổ chức sản xuất theo kiểu đặt hàng lại bà con nông dân. Bao nhiêu diện tích trồng giống Nàng Hoa 9, bao nhiêu trồng ST25, OM18… thì bấy nhiêu phải được tổ chức sản xuất bài bản. Hợp tác xã đứng ra làm trung gian và ký hợp đồng với doanh nghiệp và người dân từ đầu vụ, thậm chí là ký hàng năm, không bao giờ có chuyện thu hoạch lúa xong mới đi tìm mối bán.

Trưởng ấp An Thành, ông Lý Văn Tương. Ảnh: Trọng Linh.

Trưởng ấp An Thành, ông Lý Văn Tương. Ảnh: Trọng Linh.

"Làm ruộng giờ khỏe re à…"

Thành công với chuỗi liên kết lúa gạo ở Bạc Liêu, sứ mệnh của Vĩnh Cường bây giờ được tỉnh Bạc Liêu và huyện Hòa Bình “giao” đồng hành với 8 hợp tác xã nông nghiệp lân cận để mở rộng quy mô kinh tế hợp tác. Nói như ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, sẽ là một cuộc chuyển mình rất mạnh mẽ bởi vì bà con đã thấy rõ lợi ích khi tham gia vô hợp tác xã như thế nào.

“Xét cho cùng bản chất của kinh tế tập thể là nhằm mục đích thay đổi tư duy cũ, tập quán canh tác còn nhiều hạn chế của người nông dân, đồng bộ các khâu tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ cho các thành viên và liên kết thị trường. Thực tế ở HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đã chứng minh được vai trò đó”, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình chia sẻ.

Tôi men theo con kênh nội đồng của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, theo chân ông Lý Văn Tương, trưởng ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ B. Cả ấp An Thành có hơn 300 hộ, đa phần là người đồng bào dân tộc Khmer, đời sống chủ yếu dựa vào 3.000ha ruộng. Ông Tương tâm sự, đất đai như thế không phải là ít nhưng trước đây làm ruộng theo kiểu tự phát, mạnh ai người ấy làm nên đời sống cũng chẳng lấy gì làm khá giả.

Nghề làm ruộng ở An Thành từ xưa đến nay nói chung là có nhiều thuận lợi hơn so với những vùng đất khác. Từ hệ thống tưới tiêu, thủy lợi, giao thông nội đồng thuận lợi đến tiền công, chi phí sản xuất không đến mức quá cao. Bình quân mỗi hộ dân An Thành nói riêng và xã Vĩnh Mỹ B nói chung có từ 8 - 10ha ruộng. Làm lụng, tính toán chi ly mỗi vụ đầu tư hết khoảng chừng 15 triệu đồng/ha. Thu hoạch lúa trung bình được tầm 6 tấn, không gặp biến cố gì cũng lời lãi được khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha.

Nhưng cũng giống như “bài toán” từ bao đời nay của kinh tế cá thể, “nút thắt” lớn nhất của bà con ngoài vấn đề “đầu vào, đầu ra” thì kiến thức, kỹ thuật canh tác cũng còn nhiều hạn chế. Làm ruộng trên một cánh đồng rộng mênh mông như thế mà nhà nào làm kiểu nhà đó. Mỗi hộ xuống một loại giống, chẳng ai giống với ai. Ruộng nhà này hôm nay đến kỳ bơm nước ra thì nhà bên cạnh lại bơm vào. Ô nhiễm, sâu bệnh cũng từ đó mà ra, cứ thấy sâu là phun thuốc vô tội vạ, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

“Có những mùa vụ giá vật tư đầu vào cao mà lúa làm ra không biết bán cho ai, thường xuyên bị cò, thương lái kì kèo ép giá. Nhưng kể từ khi tham gia hợp tác xã đã không còn phải lo những vấn đề này nữa”, trưởng ấp An Thành nói.

Ngày càng có nhiều người dân xin tham gia liên kết với HTX nông nghiệp Vĩnh Cường. Ảnh: Trọng Linh.

Ngày càng có nhiều người dân xin tham gia liên kết với HTX nông nghiệp Vĩnh Cường. Ảnh: Trọng Linh.

Gia đình ông trưởng ấp cũng có 5ha ruộng liên kết với hợp tác xã Vĩnh Cường, mỗi năm làm 3 vụ. Khỏe re à, ông Tương vừa cười vừa nói. Sản xuất thì cơ bản đã có dịch vụ của hợp tác xã lo hết rồi. Chỉ thỉnh thoảng ra thăm đồng nếu thấy lúa nhiễm sâu bệnh thì bốc điện thoại gọi cho hợp tác xã thông báo “điều” kỹ sư xuống kiểm tra và hướng dẫn phòng trừ. Dùng thuốc nào, liều lượng ra sao cũng do “đám” kỹ sư này chịu trách nhiệm, bà con đâu cần phải làm gì. Sướng nhất là bán lúa. Máy cắt xong là cân đếm nhận tiền. Có chừng nào hợp tác xã thu mua chừng đấy, ít nhất cũng bằng và cao hơn so với giá thị trường bên ngoài từ 1.000 - 2.000 đồng/giạ lúa (khoảng 20kg). 5ha ruộng nhà ông Tương, làm kiểu “khỏe re” cũng lãi hơn trăm triệu đồng mỗi vụ.

Chả thế mà bây giờ ruộng của ấp An Thành đều là của hợp tác xã. Bà con mỗi năm đi tập huấn sản xuất lúa gạo an toàn, sản xuất giảm chi phí, người nào cũng có thể nói về 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm vanh vách. Vụ đông xuân tới lại còn làm cả lúa hữu cơ, thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI.

“Trước đây nhiều người kêu An Thành là ấp nhà lá. Hiện giờ nhà nào cũng khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Nhiều ông nông dân làm ruộng thu tiền tỷ dễ không à. Chính là nhờ vào hợp tác xã cả đấy”, trưởng ấp An Thành chia sẻ bằng giọng không giấu được niềm vui.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.