| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở như con bò què chân

[Bài 8] Địa phương đầu tiên kiện toàn hệ thống thú y từ tỉnh tới thôn

Thứ Hai 18/04/2022 , 10:25 (GMT+7)

Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm nhất cả nước kịp thời khôi phục, củng cố được hệ thống ngành dọc thú y từ tỉnh tới tận thôn sau khi "trót" sáp nhập.

Người dân thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh đăng ký tiêm phòng bệnh dại chó, mèo với Tổ thú y xã. Ảnh: Minh Phúc.

Người dân thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh đăng ký tiêm phòng bệnh dại chó, mèo với Tổ thú y xã. Ảnh: Minh Phúc.

Thú y thôn, xã không hề nhàn hạ!

Chúng tôi đến thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh giữa lúc địa phương bước vào cao điểm tiêm phòng bệnh dại ở chó, mèo. Đáng lẽ, người dân phải mang vật nuôi đến điểm tiêm tập trung cạnh nhà văn hoá cũ của thôn, tuy nhiên không phải ai cũng đưa ra được.

“Mấy con chó nhà tôi dữ quá, nhà lại neo người. Ngoài nhà tôi còn có hàng chục hộ trong xóm cũng cần giúp đỡ. Mong các bác thú y đến nhà tiêm hộ”, bà Nguyễn Thị Ngân ở cách đó gần 300m chống gậy lộc cộc tìm đến tổ thú y khẩn khoản.

Tổ thú y xã Cảnh Hưng có 4 người, gồm thú y viên xã và 4 cộng tác viên thú y của thôn, trong đó chị Nguyễn Thị Cúc là cộng tác viên thú y thôn Thượng nên lập tức được điều động đi tiêm phòng bệnh dại tận nhà.

Mới vào đến cổng, tiếng chó sủa vang inh ỏi. Trong cũi sắt, hai con chó dữ dằn, mắt gườm gườm nhìn những người lạ. Chị Cúc vẫn thản nhiên đến gần, hướng dẫn chủ nhà dùng hai tay nắm hai tai con chó lôi ra ngoài, sau đó kẹp hai chân vào cổ con vật. Chị tiến đến chọc mũi kim vào lưng con vật rồi rút ra trong nháy mắt.

Nhắc đến chuyện thú y cơ sở đi tác nghiệp, các trường hợp bị chó cắn, bò đá, trâu húc chị Cúc cho rằng chẳng có gì hiếm gặp. Thậm chí, họ phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ người sang động vật như cúm gia cầm. Đáng buồn là mức độ nguy hiểm của nghề lại không tương xứng với đồng phụ cấp hỗ trợ chị nhận được (447.000 đồng/tháng). Nhưng họ vẫn yêu và tận tâm với nghề, trở thành điểm tựa cho người chăn nuôi mỗi khi xảy ra sự cố.

Đội ngũ thú y cơ sở rất nhiều việc chứ không nhàn hạ như nhiều người nghĩ. Ảnh: Minh Phúc.

Đội ngũ thú y cơ sở rất nhiều việc chứ không nhàn hạ như nhiều người nghĩ. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Hải Nam, nhân viên thú y xã Cảnh Hưng chia sẻ, toàn xã có gần 400 hộ chăn nuôi, tổng đàn lợn toàn xã khoảng 10.000 con. Ngoài ra còn nhiều vật nuôi khác như bò, gia cầm, chó mèo... Hàng năm, tỉnh hỗ trợ nhiều loại vacxin phòng bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả cổ điển, viêm da nổi cục trên trâu, bò và vacxin cúm gia cầm H5N1.

Bên cạnh đó, còn các loại hoá chất tiêu độc, khử trùng khác. Nếu không có đội ngũ cộng tác viên thú y thôn, khu giúp sức, dù tôi có ba đầu sáu tay cũng không thể tiêm phòng xuể cho bà con.

Đặc biệt, thú y là lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn kỹ thuật, bởi vậy trong những thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch bệnh, dù có tiền cũng không thuê được người làm thay. Khổ nhất là năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương. Khi ấy, chế độ hỗ trợ đội ngũ thú y thôn không còn nên tất cả đều xin nghỉ trước đó.

“Có ngày, xã phải tiêu huỷ 5-6 tấn lợn. Chỉ có thú y xã, trưởng thôn không đủ, xã phải thuê thêm mấy người không có chuyên môn để đào hố, trải bạt, rắc vôi chôn lấp. Giai đoạn ấy, tôi làm việc từ sáng sớm đến 11 giờ đêm mới xong, thực sự là quá vất vả. Nhưng rất vui là từ tháng 12/2020, tỉnh Bắc Ninh quyết định khôi phục lại hệ thống thú y cấp thôn nên chúng tôi lại có được đội ngũ cán bộ có chuyên môn tiếp sức vô cùng quan trọng", ông Nam phấn khởi chia sẻ.

Khôi phục hệ thống thú y cơ sở vừa đúng vừa trúng

Ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Tiên Du chia sẻ, từ tháng 10/2018, Trạm thú y cấp huyện tách khỏi bộ máy ngành dọc của Chi cục Thú y mà trực thuộc UBND huyện. Cùng với đó, 68 thôn, khu phố của huyện Tiên Du cũng không còn đội ngũ cộng tác viên thú y. “Mình không có hệ thống chân rết, khó làm việc lắm”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Minh Phúc.

Vị Trạm trưởng lấy ví dụ, khi vào đàn hoặc vật nuôi nhiễm bệnh, bà con thường khai báo cho cộng tác viên thú y thôn. Nhờ đó, công tác giám sát dịch bệnh nhanh hơn, sát hơn. Khi không có đội ngũ này, nhiều khi văn bản chỉ đạo đến chính quyền thôn nhưng thôn lắm việc nên ông trưởng, phó thôn quên mất, không triển khai.

Không những thế, theo Luật Chăn nuôi, đội ngũ thú y cơ sở còn phải thống kê hoạt động chăn nuôi từng quý. Mặc dù diện tích huyện Tiên Du không lớn, nhưng tổng đàn gia cầm hàng năm có khoảng 1,5 triệu con, tổng đàn lợn khoảng 80.000 con. Cho nên, đội ngũ thú y cơ sở rất nhiều việc chứ không nhàn hạ như nhiều người nghĩ.

Đến cuối năm 2020, khi tỉnh Bắc Ninh quyết định khôi phục lại mạng lưới cộng tác viên thú y cấp thôn, chúng tôi rất vui mừng, nhưng việc kiện toàn lại đội ngũ này rất vất vả, vì nhiều người sau khi bị cắt hỗ trợ 447.000 đồng/tháng đã tìm kiếm công việc mới ổn định với mức lương cao hơn, việc thuyết phục họ quay trở lại với nghề thú y rất khó.

Còn đối với cấp huyện, sau khi sáp nhập 3 đơn vị gồm Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, công tác thú y cũng nảy sinh bất cập. Trước đây, cán bộ của Trạm Thú y huyện trực thuộc Chi cục nên Chi cục giao nhiệm vụ thẳng xuống Trạm để triển khai các hoạt động công tác. Nhưng khi không còn hệ thống ngành dọc, Chi cục phải tham mưu cho Sở NN-PTNT, sau đó Sở NN-PTNT ra văn bản chỉ đạo điều hành xuống UBND huyện và UBND huyện giao việc cho các đơn vị, trong đó có Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp. Việc “chỉ đạo đường vòng” như vậy khá mất thời gian.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, cho biết: Trước năm 2018, Chi cục Thú y Bắc Ninh có 66 người, trong đó nhân sự tại Chi cục khoảng 20 người và mỗi trạm huyện 4-5 người. Ngoài ra còn có 126 thú y viên cấp xã và khoảng 730 cộng tác viên thú y thôn, khu.

“Khi đội ngũ cán bộ thú y cấp huyện tách khỏi Chi cục để sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, anh em quá tâm tư. Một số người lên gặp tôi và nói: Anh ơi, có khi tôi xin nghỉ việc”, ông Thọ kể thêm rằng, khi sáp nhập 3 trạm gồm thú y, khuyến nông và bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, ở Bắc Ninh 100% Giám đốc Trung tâm Dịch vụ không có chuyên ngành thú y (mà có chuyên môn khác).

Thứ hai, hệ thống thú y không được chỉ đạo, điều hành theo ngành dọc nên không đảm bảo nhanh chóng, kịp thời như trước. Thứ ba là khi mất hệ thống chân rết cấp thôn thì rất khó hoạt động hiệu quả trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều.

Còn ở cấp Chi cục, khi không còn hệ thống cán bộ ở các trạm huyện, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng bị xáo trộn mạnh mẽ.

Ông Thọ lấy ví dụ, theo quy định, thẩm quyền kiểm dịch thú y là của Chi cục Thú y (nay là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) và chỉ công chức mới là kiểm dịch viên. Tuy nhiên, sau khi các Chi cục: Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản sáp nhập, toàn bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chỉ có 34 người, trong đó chỉ có 13 công chức có chuyên môn về thú y. Trong 13 công chức có chuyên môn về thú y chỉ thì có 3 lãnh đạo (1 giám đốc, 2 phó giám đốc), ngoài ra còn có công chức phòng hành chính, công chức thanh tra, công chức quản lý thuốc.

Bởi vậy, nhiều năm qua Chi cục chỉ có 1 công chức kiểm dịch và Chi cục trưởng vẫn thường ủy quyền cho các trạm huyện thực hiện công tác kiểm dịch. Tuy nhiên, sau khi các trạm huyện tách ra khỏi bộ máy của Chi cục, chúng tôi không được phép ủy quyền cho các trạm nữa.

Với số lượng cơ sở cần kiểm dịch và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật quá lớn như hiện nay, Chi cục trưởng đành phải làm trái luật khi ủy quyền cho các viên chức trong Chi cục để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch. Đây là vấn đề tồn tại của cả nước chứ không chỉ riêng Bắc Ninh.

“Chúng tôi vẫn nói với lãnh đạo tỉnh là cán bộ của Chi cục toàn ngủ cách nhật với vợ. Vì đêm nay ở nhà với vợ nhưng đêm sau lại phải luân phiên tỏa đi khắp các huyện để kiểm dịch cả ngày lẫn đêm, thực sự vất vả”, ông Thọ nói.

Hiểu được sự cần thiết, quan trọng phải khôi phục lại hệ thống thú y theo ngành dọc, tháng 1/2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định kiện toàn lại hệ thống thú y tại các huyện, thị, thành phố và cấp xã. Trước đó, năm 2020 tỉnh Bắc Ninh cũng khôi phục lại cộng tác viên thú y tại 730 thôn và trở thành một trong những địa phương có bộ máy ngành dọc thú y hoàn chỉnh nhất ở thời điểm hiện tại.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.