| Hotline: 0983.970.780

Bãi cát hoang thành vùng SX hàng hóa

Thứ Sáu 30/08/2013 , 09:51 (GMT+7)

Vùng bãi ngang thuộc 10 xã ven biển Hà Tĩnh một ngày không xa nữa sẽ trở thành khu kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao tại khu vực miền Trung.

Triển khai Nghị quyết 26 TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đề ra chiến lược cụ thể cho 3 vùng: miền núi, đồng bằng và ven biển nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng vùng.

Trong đó, vùng bãi ngang thuộc 10 xã ven biển có bãi cát dài hàng chục km sẽ tập trung nuôi trồng thủy sản, trồng các loại rau màu, củ quả. Vùng đất ngàn năm quên lãng này một ngày không xa nữa sẽ trở thành khu kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao tại khu vực miền Trung.

Huyện ven thành phố

Thạch Hà có tổng diện tích đất tự nhiên 35.452,92 ha, trong đó đất SXNN chiếm hơn 23.000 ha. Là huyện nằm bao quanh thành phố Hà Tĩnh, trong những năm qua, Thạch Hà đã tạo bước đột phá trong SX, biến nơi đây trở thành vùng chủ lực cung cấp nguồn lao động và các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho cả TP Hà Tĩnh.

Với tầm chiến lược phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh, Thạch Hà được đánh giá là một trong những huyện giàu tiềm năng với nguồn lực lao động dồi dào, tiềm năng phát triển nông nghiệp, thu hút các dự án đầu tư…

Để thực hiện mục tiêu phát triển “Tam nông”, địa phương đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 -2020 bằng việc quy hoạch thành 3 vùng kinh tế bao gồm: Vùng trung du miền núi phía Tây, có thế mạnh về phát triển SX vườn đồi, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, trồng cây ăn quả…

Vùng đồng bằng sẽ là điểm phát triển cánh đồng mẫu với các giống lúa năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi, dịch vụ thương mại, SX các loại hàng hóa phục vụ trực tiếp cho TP Hà Tĩnh. Riêng 10 xã vùng biển ngang sẽ chú trọng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu và dịch vụ du lịch biển.

Tiềm năng của vùng biển ngang là hàng ngàn ha đất cát hoang hóa chưa được khai thác, nay Thạch Hà sẽ mở ra hướng biến toàn bộ bãi cát bạch sa ven biển trở thành khu nuôi trồng thủy sản cao cấp. Đồng thời, khởi động dự án trồng các loại rau, củ, quả được chuyển giao từ công nghệ của các nước tiến tiến, hứa hẹn sẽ biến nơi đây thành vùng SX hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao.

Từ Đông Shan đến Thạch Hà

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Phi Quang vui vẻ chuyện trò với chúng tôi sau chuyến thị sát vùng trồng rau củ quả tại đảo Đông Shan, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi mà cả khu vực Đông Nam Á phải thán phục bởi toàn bộ diện tích đất cát bạch sa vùng ven biển này được người dân nơi đây biến thành vùng đất SX nông nghiệp trù phú.

Ông Quang kể rằng, khi đặt chân đến vùng đất đảo Đông Shan, cả đoàn công tác thực sự ngỡ ngàng bởi người dân nơi đây đã biến cả vùng cát hoang ven biển thành vùng SX nông nghiệp đa dạng, phong phú với măng tây, củ cải trắng, cà rốt, lạc, đậu, khoai tây, khoai lang, hành tây, bí xanh và các loại thủy sản cao cấp như bào ngư, tôm, cua đến cả cây lâm nghiệp, cây ăn quả, bạch đàn lấy gỗ, nhãn, đào tiên…

Trong đó, măng tây là loại rau cao cấp được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, XK sang Mỹ, Đức, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trên tay xách củ cải trắng to và dài, nặng chừng khoảng 1,5 kg, lão Acố, nông dân của một trang trại nói, giống củ cải này dân địa phương đã trồng hơn 10 năm nay, năng suất, chất lượng ổn định, luôn được khách hàng ưa chuộng. Ngoài củ cải, gia đình ông còn sản xuất các sản phẩm măng tây, cà rốt, mỗi năm cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Trong chuyến tham quan, đoàn đã đến thăm mô hình nuôi cá bơn trên cát của gia đình Lổ Bản. Trang trại của Lổ Bản có tới 50 bể nuôi cá bơn. Thấy người Việt Nam sang tham quan, Lổ Bản đưa đoàn đến một bể nuôi cá bơn chu vi chỉ rộng khoảng chừng 30m, phía đáy bể được đổ 1 lớp cát bạch sa dày khoảng 20 phân, nguồn nước biển luôn được điều tiết vào ra trong vắt.

Chủ trang trại kéo chiếc lừ từ đáy bể lên, trong lừ có hơn chục con cá bơn to hơn bàn tay người lớn, con nào con nấy béo múp.

Lổ Bản khoe, nhà lão có 50 bể, mỗi năm nuôi 2 lứa, bình quân mỗi bể sản lượng đạt 200 kg cá, giá trị mỗi kg xuất khẩu 100 nhân dân tệ (tương đương 330.000 VNĐ). Với nguồn lợi thu từ cá bơn, gia đình lão đã mua sắm được mấy chiếc ô tô sang, tậu nhà ở thành phố cho con cái… tất cả nhờ khai thác nguồn lợi trên vùng đất cát bạch sa này.

Ngoài mô hình nuôi cá bơn, đoàn đã đi tham quan rất nhiều mô hình trồng lạc, cà rốt, củ cải, rau màu…đều cho thu hoạch 4 mùa, đưa lại cuộc sống ấm no cho nhân dân trong vùng.

TGĐ Cty Khoáng sản & thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) Dương Tất Thắng cho biết: Sự đột phá trong việc SX các loại cây rau, củ, quả nông nghiệp trên đất cát ven biển thành công rực rỡ ở Đông Shan là cơ sở để huyện Thạch Hà thực hiện dự án cải tạo đất cát hoang hóa ven biển Hà Tĩnh.

 Và Mitraco Hà Tĩnh liên kết với 1 DN nước ngoài là Feniton Hồng Kông sẽ giúp nông dân huyện Thạch Hà xây dựng vùng SX hàng hóa, tạo mạng lưới thu mua, tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả. Sau khi dự án được thực hiện, nhân rộng sẽ đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định cho nông dân trong vùng.

Đánh thức tiềm năng

Theo ông Nguyễn Phi Quang, 10 xã bãi ngang Thạch Hà có tổng diện tích đất tự nhiên 11.000 ha, trong đó vùng đất cát hoang mạc hơn 2.000 ha được quy hoạch dự án nối kết từ Đông Shan, Phúc Kiến. 

Đây là một dự án đột phá khả thi, rất thuận lợi. Vì thế nên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự giao Thạch Hà phải hoàn tất quy hoạch toàn bộ diện tích đất nói trên trước 30/8, tạo điều kiện cho Mitraco thực hiện dự án.

Trước mắt, Mitraco sẽ xây dựng mô hình mẫu trên diện tích hơn 10 ha tại xã Thạch Văn để trồng các loại cây rễ củ như khoai tây, khoai lang, măng tây, hành lá, cà rốt…

Theo phân tích về khí hậu, thổ nhưỡng đất đai thì Thạch Hà có nhiều điểm thuận lợi hơn về chất đất, về lượng mưa (hằng năm 2.500 - 3.000 mm; Đông Shan đạt trên 1.500 mm), mùa đông nhiệt độ thấp nhất không quá dưới 11 độ (Đông Shan xuống dưới 4 độ) nên việc thực hiện dự án này sẽ rất khả thi.

Với tiềm năng mà Thạch Hà có được, cộng với sự thu hút các dự án đầu tư từ một số nước, vùng lãnh thổ tiên tiến như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, có thể nói đây sẽ là cú đột phá ngoạn mục, giúp nông dân Hà Tĩnh biến những bãi cát hoang hóa ven biển thành cánh đồng bạt ngàn rau củ quả, đem lại sự giàu có cho nông dân.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm