| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi chồng chất khó khăn

Bài cuối: Tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước giảm chi phí chăn nuôi

Thứ Năm 16/03/2023 , 08:50 (GMT+7)

Phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang gây khó cho chăn nuôi khi giá các loại nguyên liệu tăng cao, cần đẩy mạnh sử dụng thức ăn trong nước có thế mạnh.

ngô vn

Sản xuất ngô trong nước có thể cung cấp từ 500.000 - 1 triệu tấn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm nay. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều

Theo Cục Chăn nuôi, tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua tương đối nhanh. Giai đoạn 2010-2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm, ngoài ra còn đóng góp cho xuất khẩu

Với đà phát triển của ngành chăn nuôi trong nước, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu liên tục tăng. Năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021.

Những tháng đầu năm nay, dù chăn nuôi heo, gia cầm… đang đối mặt với những khó khăn rất lớn, nhưng nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn tăng mạnh. Trong tháng 2 vừa qua, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng đầu năm đạt 827 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên liệu nhập khẩu đang chiếm tới 70-80% nhu cầu nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và sẽ gặp khó khăn lớn khi giá các loại nguyên liệu trên thị trường thế giới và cước vận chuyển tăng cao như trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, do giá thức ăn chăn nuôi đang quá cao, trong khi giá xuất chuồng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản như heo, gà, cá … đang ở mức thấp, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về tổng đàn và sản lượng do nhiều trang trại, hộ chăn nuôi có thể phải “treo chuồng”, “treo ao” trong thời gian tới.

Tận dụng nguồn thức ăn trong nước

Trước tình hình đó, ngoài việc kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương (nguyên liệu có giá trị lớn nhất trong nhiều loại thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản), Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tăng cường sử dụng nguồn thức ăn có sẵn trong nước.

Theo Cục Chăn nuôi, cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, trong khi tình hình thị trường chăn nuôi trong nước và trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi khó khăn, kinh tế, lạm phát cao trên toàn cầu, thì ngành chăn nuôi Việt Nam phải chủ động giải quyết khó khăn mà trước hết là giảm chi phí sản xuất bằng cách tận dụng nguồn thức ăn và phế phụ phẩm trong nước.

Chẳng hạn, chỉ riêng với mặt hàng ngô, nếu tận dụng được tối đa sản lượng ngô nội địa, trong năm nay, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi có thể chủ động được từ 500.000 - 1 triệu tấn, qua đó giảm được một phần sự phụ thuộc vào nguồn ngô nhập khẩu (lên đến gần 9,6 triệu tấn năm 2022).

Trong chăn nuôi lợn, gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình tận dụng phế phụ phẩm được nhiều người quan tâm, như Hoàng Anh Gia Lai Agrico đã tận dụng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để nuôi heo, với 40% thức ăn của heo là bột chuối, qua đó giảm được đáng kể chi phí chăn nuôi.

ruồi

Ruồi lính đen được nuôi trong một trang trại ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Nuôi ruồi lính đen trong các trang trại chăn nuôi cũng đang là một giải pháp hay, vì ấu trùng ruồi lính đen vừa phân hủy chất thải hữu cơ, vừa tạo nguồn thức ăn hữu cơ giàu dinh dưỡng cho vật nuôi và nguồn phân bón tốt cho cây trồng. Trong ấu trùng ruồi lính đen có tới 43-51% protein, 15-18% chất béo, 2,8-6,2% canxi, 1-1,2% phốt pho. Vì vậy, ấu trùng ruồi lính đen là loại thức ăn phù hợp cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản …

Vừa qua, khi về làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Cục Chăn nuôi đã đi thăm một số mô hình nuôi ruồi lính đen tiêu biểu tại tỉnh này. Ở Đồng Nai hiện đã hình thành một số trang trại chuyên cung cấp trứng ruồi lính đen với số lượng lớn.

Tiềm năng protein từ côn trùng, trong đó có ấu trùng ruồi lính đen trong dinh dưỡng vật nuôi ở Việt Nam cũng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng tại Đồng Nai, Công ty Entobel có trụ sở ở Singapore đã đầu tư cơ sở nuôi và chế biến ấu trùng ruồi lính đen cho các ngành công nghiệp khác nhau, trong đó có ngành chăn nuôi.

Việc tận dụng nguồn gia súc, gia cầm bị chết vì bệnh để làm thức ăn chăn nuôi cũng đang được nhiều người chăn nuôi quan tâm. Tại buổi làm việc mới đây với Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đặt câu hỏi “Ngoại trừ virus gây bệnh nhiệt thán, các virus gây bệnh khác trên vật nuôi đều không còn tồn tại ở 100 độ C. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng nguồn gia súc, gia cầm bị chết để làm thức ăn chăn nuôi?”.

Một số nhà chăn nuôi cũng cho rằng việc tận dụng nguồn gia súc, gia cầm bị chết vì dịch bệnh bằng cách xử lý nhiệt để làm thức ăn chăn nuôi cần được nghiên cứu, xem xét vì giải pháp này có thể giúp cho các trang trại giải được 2 bài toán quan trọng. Trước hết là tăng cường được nguồn đạm động vật cho chăn nuôi. Bên cạnh đó có thể giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường do xử lý vật nuôi bị chết vì dịch bệnh bằng cách chôn lấp như hiện nay.

Thậm chí việc chôn lấp vật nuôi bị chết còn đang gây lãnh phí lớn về chuồng trại, vì những trang trại chôn lấp tại chỗ vật nuôi bị chết do dịch bệnh trong thời gian qua gần như không thể hoạt động lại được nữa, gây khó khăn không nhỏ cho người chăn nuôi.

"Nguồn phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam hiện rất lớn, lên tới 156,8 triệu tấn, trong đó phụ phẩm từ trồng trọt là trên 80 triệu tấn, phụ phẩm chăn nuôi trên 67 triệu tấn, phụ phẩm lâm nghiệp 4 triệu tấn và phụ phẩm thủy sản 4 triệu tấn. Những phụ phẩm có thể làm thức ăn gia súc, gia cầm cần được tận dụng tối đa, tổ chức sơ chế, chế biến thành nguồn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi để giảm phụ thuộc vào thức ăn và nguyên liệu nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2022 đã giảm so với trước đó, đồng nghĩa với việc khả năng tự túc nguyên liệu trong nước đã tăng lên nhất là khi một số doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đang đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu ngô, sắn ... ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh khác để sản xuất thức ăn chăn nuôi." Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm