Giá bán quá thấp
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đến thời điểm này, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh ở mức dưới 50.000 đồng/kg, chỉ có heo tuyển loại 1 mới có giá 52.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thành nuôi heo hiện từ 58.000 - 62.000 đồng/kg. Còn nhận định từ một doanh nhân trong ngành chăn nuôi, trong trường hợp chăn nuôi thực hiện tốt an toàn sinh học, không để xảy ra dịch bệnh, giá thành nuôi heo ở các doanh nghiệp hiện từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, các trang trại từ 54.000 - 55.000 đồng/kg. Như vậy, từ các nguồn thông tin trên, rõ ràng người nuôi heo ở Đồng Nai đang bị lỗ nặng, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chăn nuôi gia cầm hiện cũng đang thua lỗ không kém. Ông Dương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai) cho biết, từ 15 ngày trước Tết Nguyên đán 2023 tới thời điểm hiện nay, giá gia cầm luôn luôn ở trạng thái thấp hơn giá thành.
Giá xuất chuồng gà trắng chỉ từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất từ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Cũng trong thời gian trên, giá xuất chuồng gà lông màu từ 33.000 - 37.000 đồng/kg, trong khi giá thành từ 39.000 - 43.000 đồng/kg.
Vì sao giá heo, gia cầm giảm mạnh? Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, với ngành heo, cung đang vượt cầu do trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chăn nuôi heo.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi cho hay, vào thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo cả nước khoảng 26 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng ở 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đang duy trì đàn heo trên 6 triệu con. Cũng đến tháng 12/2022, tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 551 triệu con, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đàn heo tăng mạnh, đàn gia cầm cũng tăng, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này lại giảm mạnh do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu, tiêu thụ thịt heo, thịt gà ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm do nhiều công ty cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.
Ông Dương Anh Tuấn ước tính, sức mua các sản phẩm gia cầm hiện giảm khoảng 30% so với trước đây. Sự suy thoái tiêu dùng trên thị trường diễn ra rất nhanh trong khi sự điều chỉnh tổng đàn phải cần thời gian từ 3-9 tháng tùy theo vật nuôi, dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm chăn nuôi hiện đang bị dư thừa.
Giá thành quá cao
Giá thành sản xuất tăng mạnh trong thời gian do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao cũng đang gây khó khăn lớn cho ngành chăn nuôi. Theo ông Dương Anh Tuấn, trong những năm qua, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, từ 30-40%, cá biệt có những loại nguyên liệu tăng tới 70-80%, khiến cho giá thức ăn gia cầm tăng từ 30-40%.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi cho thấy, tính bình quân năm 2022, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng từ 7-27%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc (cám gạo tăng 27,2%).
Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19 làm đứt gẫy chuỗi cung ứng (sản lượng giảm, cước vận chuyển tăng tới 300%), xung đột Nga - Ukraine.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân như một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang đầu cơ nguyên liệu, Trung Quốc tăng mua nguyên liệu để khôi phục chăn nuôi trong nước, Mỹ tăng sản xuất xăng sinh học từ ngũ cốc, hạn hán ở các nước xuất khẩu nông sản lớn, lệnh hạn chế, cấm sản xuất nông sản tại các nước trước nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu (Ấn Độ, Indonesia, Arghentina…), lạm phát toàn cầu làm tăng giá đồng tiền ngoại tệ.
Giá nguyên liệu tăng nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trung bình năm 2022 ở Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng khoảng tăng 14,5%. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu tăng 12,8%. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng tăng 14,2%.
Khó khăn chung trên toàn cầu
Khó khăn về đầu ra của ngành chăn nuôi hiện nay cũng là khó khăn chung của chăn nuôi toàn cầu khi tình trạng lạm phát, khó khăn về kinh tế đã khiến cho nhiều người lao động mất việc làm, người tiêu dùng buộc phải giảm chi tiêu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đầu năm 2023, ngành chăn nuôi heo toàn cầu vẫn đối mặt với hàng loạt bất ổn khi sự chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn gây áp lực lên nhu cầu, làm gia tăng sự không chắc chắn và biến động. Giá thịt heo trên thế giới giảm nhẹ do nguồn cung heo sẵn sàng cho giết mổ dồi dào, đặc biệt là ở Brazil và Mỹ, trong khi nhập khẩu thịt của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán thấp hơn dự kiến.
Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ thịt heo suy giảm và quá trình trở lại trạng thái bình thường có thể mất tới 6 tháng. Trong khi đó, sản lượng thịt heo của nước này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, do giá tăng trong mùa hè đã khuyến khích nông dân vỗ béo heo nhiều hơn bình thường.
Để cân bằng lại cung cầu, trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phải kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt heo dư thừa. Ngày 6/2/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phải đưa ra cảnh báo sớm về giá thịt heo trong nước khi tỷ lệ giá giữa thịt heo và lương thực trên toàn quốc là 4,96: 1, cán mốc báo động cấp cao nhất về tình trạng giảm giá quá mức mà nước này đề ra.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, vừa qua, giá heo hơi ở Trung Quốc đã xuống rất thấp, nơi cao nhất chỉ có 53.000 đồng/kg. Mấy ngày gần đây, giá heo hơi ở Trung Quốc đã nhích lên một chút nhưng vẫn ở mức thấp, từ 55.000-58.000 đồng/kg. Ở những nước xuất khẩu thịt heo hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil… giá heo hơi đã giảm rất mạnh từ 45.000 đồng/kg xuống còn 34.500 đồng/kg.
"Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới từ tháng 10/2020 liên tục tăng, nhưng đầu năm nay đã giảm xuống và hiện ở mức thấp nhất trong 19 tháng. Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) dự báo trong năm nay giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới sẽ giảm khoảng 14-15% so với năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm ở Việt Nam hiện vẫn đang ở mức cao, vì đa số nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu và nguồn nguyên liệu nhập khẩu đầu năm nay đang trên đường về Việt Nam. Dự kiến, phải đến quý 2/2023, giá thức ăn chăn nuôi mới thực sự giảm. Do thức ăn đang chiếm từ 62-70% giá thành trong chăn nuôi ở Việt Nam, nên giá thức ăn ở mức cao đã khiến cho chi phí sản xuất trong ngành chăn nuôi tăng mạnh." Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi.