Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã và đang chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (AFS), dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga – Ukraina đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistic tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cao kỷ lục trong một thời gian dài, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao.
Trong khi đó, do tình hình kinh tế trong nước phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan dẫn tới nhu cầu của người dân giảm mạnh, cùng với sự giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng và thực phẩm dẫn tới giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường giảm rất mạnh, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.
Hiện nay, giá xuất chuồng các sản phẩm chăn nuôi đang rất thấp. Chẳng hạn, giá heo tại Việt Nam đã giảm mạnh về mức 45.000 đồng/kg tại miền Bắc và 47.000 đồng/kg tại miền Nam, trong khi đó giá thành sản xuất lên tới 54.000-55.000 đồng/kg. Vậy nên, một con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.
Ngoài ra, giá gà, vịt, trứng, thủy sản cũng rất thấp khiến cho các doanh nghiệp bị rất lỗ rất nhiều.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định rằng có rất nhiều hộ chăn nuôi sẽ phải “đóng chuồng, đóng ao” trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi.
Trong năm 2022, nhìn chung, giá bình quân các nguyên liệu TĂCN đều tăng so với năm 2021, với mức tăng từ 10-27%. Nguyên liệu lại chiếm phần lớn trong giá thành thức ăn chăn nuôi công nghiệp, dẫn tới giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong ngành sản xuất TĂCN Việt Nam, vì là nguyên liệu chính trong công thức cám thủy sản và cám heo, khô đậu tương là loại nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về lượng, hiện khoảng 5 triệu tấn/năm.
Giá khô đậu tương tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động trực tiếp tới giá thành chăn nuôi tại Việt Nam, làm tăng giá thịt, cá, trứng, sữa là nguồn cung cấp đạm động vật thiết yếu trong thành phần dinh dưỡng của người dân Việt Nam.
Trong khi đó, các nước có ngành TĂCN và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu để hỗ trợ ngành TACN và chăn nuôi trong nước.
Còn ở các quốc gia như Hàn Quốc, chính phủ sẵn sàng trợ giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong những chu kỳ giá nguyên liệu tăng cao cho một số mặt hàng nguyên liệu chính để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi, nhằm ổn định giá thành chăn nuôi trong nước.
Vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% không chỉ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, mà còn giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành TĂCN của Việt Nam trong khu vực.
Việc giảm thuế suất như đề xuất gần như không làm giảm thu ngân sách nhà nước do được bù đắp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT, có thể tăng thêm khi hoạt động sản xuất và sản lượng ngành TĂCN và chăn nuôi phục hồi nhờ được triển khai kịp thời biện pháp giảm thuế nhập khẩu trong hoàn cảnh nhạy cảm hiện nay khi nền kinh tế nước ta đang phục hồi sau đại dịch Covid, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức: áp lực thắt chặt tiền tệ, nguy cơ suy thoái, trong khi giá cả nói chung, bao gồm các nguyên liệu TĂCN, đang ở mặt bằng cao nhất trong lịch sử.