| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 20/07/2020 , 05:30 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:30 - 20/07/2020

Bãi rác Hà Nội: Bao giờ dân hết chặn xe?

Việc người dân căng lều, chặn xe rác không cho vào bãi rác Nam Sơn đã được giải tỏa ngày 18/7/2020 sau cuộc đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội.

Trước đó mấy ngày, khi các xe chở rác bị người dân chặn lại ở bãi rác này, chỉ một ngày, rác ở các đường phố ở trung tâm Hà Nội lập tức ùn ứ thành đống, thành phố phải chỉ đạo đổ rác tạm tại bãi rác Cầu Diễn.

Nhưng khi người dân phường Phú Diễn dùng xe đạp làm vật cản không cho xe chở rác vào bãi rác Cầu Diễn, thì thủ đô thực sự rơi vào thảm họa rác.

Chỉ trong vài ngày, khoảng 10.000 tấn rác không biết chuyển đi đâu, chất ngất thành từng đống ven các con đường phố chính. Hàng trăm xe chở rác xếp thành dẫy dài bất động...

Việc người dân xã Nam Sơn chặn đường, phong tỏa bãi rác không phải là lần đầu.Chặn xe là một phản ứng tiêu cực. Người dân vạn bất đắc dĩ mới phải làm thế.

Họ chỉ chặn xe sau khi đã dùng tất cả các công cụ, pháp lý, hành chính như đơn từ, khiếu kiện... để yêu cầu thành phố thực hiện việc di dời họ ra xa bãi rác theo đúng quy định, để họ thoát cảnh bị dìm ngập trong mùi hôi thối và nước bẩn từ bãi rác thải ra.

Nhưng không ăn thua. Và hơn ai hết, thành phố hiểu rất rõ nguyên nhân sự phản ứng đó của dân. Mỗi lần người dân chặn xe, lại có một cuộc “đối thoại”.

Nhưng sau tất cả những cuộc đối thoại đó, lãnh đạo thành phố lại biến thành những "anh họ hứa". Và mùi hôi thối cũng như nước thải thì vẫn còn nguyên, những ngôi nhà của họ vẫn đứng nguyên chỗ cũ.

“Lãnh đạo thành phố, xin các ông hãy đến chỗ chúng tôi ở thử một ngày xem sao. Chỉ một ngày thôi”. Tiếng kêu đó của dân đã được các báo “Nhà nước (chứ không phải mạng xã hội)” đưa lên không chỉ một lần. Các vị lãnh đạo có nghe thấy không? Có, chắc chắn là có. Nhưng thời tiết này, bắt các vị rời những phòng máy lạnh thơm tho, là một điều không tưởng.

Lần này, xem ra lời hứa có vẻ hào phóng hơn lần trước. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thống thiết “thành phố không tiếc gì bà con Nam Sơn”. Nghe thật mùi mẫn, chẳng khác gì lời hứa với dân Đồng Tâm 3 năm trước.

"Không tiếc gì", mà diện tích đất dùng để bố trí cho dăm chục hộ dân Nam Sơn sống gần bãi rác, có nhiều nhặn gì đâu ? Sóc Sơn mênh mông, có thiếu gì đất. Hơn thế nữa, theo quy định về môi trường, thì những hộ dân đó bắt buộc phải di dời, nghĩa là thành phố có nghĩa vụ phải bố trí đất cho họ.

Đây là trách nhiệm pháp lý của chính quyền, chứ không phải muốn làm ơn cho họ thì làm, không muốn thì thôi. Trong khi HàNội còn hàng trăm dự án, dự án nào cũng vài ba chục ha, cứ nhận phần đó rồi bỏ không, hàng chục năm chưa động thổ.

Không biết lần này, những lời hứa có biến thành hiện thực, để dân khỏi phải căng lều chặn xe?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm