| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 05/10/2021 , 08:09 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:09 - 05/10/2021

Bài toán lao động, giải cách nào?

Không giải quyết được bài toán về lao động, thì dù đại dịch có được kiểm soát, doanh nghiệp cũng khó duy trì được sản xuất.

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đợt đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã khiến 2,5 triệu lao động ở các tỉnh phía Nam phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trên cả nước. Hàng chục vạn lao động từ các thành phố lớn đã tìm mọi cách về quê tránh dịch.

Nay, đại dịch lắng dần, hàng ngàn doanh nghiệp trở lại hoạt động, nhận được nhiều đơn hàng nhưng lại đang thiếu lao động trầm trọng. Điều đó khiến chính quyền nhiều nơi phải kêu gọi lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc này lại đang đối mặt với 2 khó khăn.

Thứ nhất, là chính người lao động đang không biết phải quay lại bằng cách nào, khi muốn quay lại thành phố thì phải cần rất nhiều điều kiện hết sức khắt khe, như phải được tiêm đủ 2 liều vaccine chẳng hạn. Số công nhân được tiêm đủ 2 liều vacxin không nhiều.

Thứ hai, là nỗi khổ của những ngày sống trong đại dịch đã trở thành nỗi ám ảnh quá nặng nề đối với họ: không được ra khỏi nhà, tiền hết, đói khát, con ốm không có thuốc, không có tiền trả cho chủ trọ. Những cái chết vì Covid-19 thường xuyên diễn ra xung quanh… Vì thế, đa số những người đã về được đến quê nhà thường không muốn quay lại hoặc muốn tìm việc ở những doanh nghiệp gần nhà .

Làm thế nào giữ chân được lao động? Muốn vậy, thì người lao động phải được làm việc ngay cả khi đại dịch đang bùng phát dữ dội. Để giải quyết vấn đề này, 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gửi chính phủ, phản ánh nhiều băn khoăn của các doanh nghiệp, trong đó có câu hỏi: nếu doanh nghiệp có F0; F1 trong nhà máy thì có bị phong tỏa toàn bộ hay đóng cửa không?

Trả lời băn khoăn này, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 2/10/2021, đại diện Bộ Y tế cho biết: Bộ đang đưa ra dự thảo hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch Covid-19” với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả trong phòng chống dịch.

Cụ thể, nếu 1 doanh nghiệp có 1 F0 tại một phân xưởng thì không phải đóng cửa cả nhà máy, mà chỉ khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi điều trị, tiến hành sàng lọc, đưa các F1 đi cách ly, khử khuẩn phân xưởng. Sau 24 giờ, có thể đưa lực lượng mới, được kiểm soát, trở lại phân xưởng đó làm việc, đồng thời tiêm vacxin mở rộng cho phân xưởng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều đến sản xuất.

Đó có thể nói là một cách giải quyết rất linh hoạt, vừa phòng được dịch vừa duy trì được sản xuất cho doanh nghiệp, mà người lao động vẫn có việc làm, nếu như hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch Covid-19” được ban hành.

Cũng trong cuộc họp này, đại diện Bộ Y tế còn cho biết thêm, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có chỉ thị mới thay thế cho Chỉ thị 15; 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Không giải quyết được bài toán về lao động, thì dù đại dịch có được kiểm soát, doanh nghiệp cũng khó duy trì được sản xuất.

    Tags: