| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/03/2021 , 13:35 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 13:35 - 11/03/2021

Bài toán viện phí và thực trạng sức khỏe cộng đồng

Viện phí ở Bệnh viện Bạch Mai được điều chỉnh tăng, có thể mở đường cho cơn sốt tăng viện phí ở những địa điểm khám chữa bệnh khác

Bộ Y tế vừa có một quyết định rất kịp thời là yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tạm ngừng kế hoạch tăng viện phí từ ngày 1/4.

Nguyên nhân mà Bộ Y tế đưa ra là tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nên chưa thể ban hành thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập.

Bệnh viên Bạch Mai là một trong những bệnh viện công lớn nhất Việt Nam. Viện phí ở Bệnh viện Bạch Mai được điều chỉnh tăng, cũng sẽ mở đường cho cơn sốt tăng viện phí ở những địa điểm khám chữa bệnh khác. Trước mắt là tạm dừng, nhưng bài toán viện phí vẫn là nỗi ám ảnh của cộng đồng.

Vì sao Bệnh viện Bạch Mai thiết kế khung giá mới cho các dịch vụ từ gấp rưỡi đến gấp đôi khung giá hiện hành? Đó là quyền “tự chủ toàn diện” của họ.

Thế nhưng, khi viện phí không cần căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người, thì cũng là một sự phi lý. Ngoài ra, bệnh viện công vốn được đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn lực lượng lao động từ ngân sách Nhà nước mà mở cuộc đua giá với bệnh viện tư, thì không phải là một điều trớ trêu ư?

Trong khung giá mới của Bệnh viện Bạch Mai đưa ra, có hai mục đáng chú ý. Thứ nhất, khám theo yêu cầu với giáo sư và phó giáo sư có giá là 550 nghìn đồng/ lượt và 450 nghìn đồng/ lượt, hơn hẳn bác sĩ chuyên khoa. Học hàm giáo sư chủ yếu đắc dụng ở chuyên môn giảng dạy, sao lại dùng để làm căn cứ viện phí? Thứ hai, giá giường bệnh loại đặc biệt lên đến 3,3 triệu đồng/ người/ ngày, thì không thua kém gì giá phòng khách sạn hạng sang.

Chỉ cần dựa vào yếu tố “đòi hỏi của người bệnh” và “nhu cầu của bệnh viện”, thì mức viện phí nào cũng trở thành chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi viện phí ở những tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai cao ngất ngưởng, thì không ít băn khoăn phải đặt ra cho thực trạng sức khỏe xã hội.

Đầu tiên là tỷ lệ cơ sở y tế có phát triển ngang bằng với tỷ lệ dân số chưa, mà bệnh nhân chen chúc đến mức viện phí được xây dựng như một rào cản hữu hiệu? Tiếp theo, môi trường sống đang bị ô nhiễm ra sao, để số lượng bệnh nhân các loại bệnh biến chứng ung thư ngày càng nhiều như vậy? Và tiếp theo, khả năng đào tạo của ngành y có đủ đáp ứng chưa?

Thật đáng buồn, khi những chuyến xe khách các địa phương đến Hà Nội và TPHCM phần đông là bệnh nhân từ các vùng nông thôn. Và viện phí của các bệnh viện lớn đang khiến những người dân nghèo phải lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã. Quỹ Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM mấy năm gần đây, đã nằm ở sự báo động cạn kiệt.

Vì vậy, đã đến lúc phải có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào ngành y tế để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Mặt khác, cần có những đãi ngộ thích đáng để bác sĩ trẻ và bác sĩ giỏi yên tâm nhận công tác ở các tỉnh, chia đều nhân lực chuyên môn cho y tế cơ sở.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm