| Hotline: 0983.970.780

Bãi ven sông Hà Nội: 'Thiên đường' của các hoạt động kinh doanh trái phép

Thứ Sáu 22/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Các tuyến đê sông Đuống, sông Hồng đang phải oằn mình gánh những xe tải trọng hạng nặng chở hàng hóa, vật liệu xây dựng. Đất bãi ven sông thì bị bê tông hóa, hình thành các bến, cảng thủy nội địa trá hình; đất giao làm bến cảng để tập kết, trung chuyển hàng hóa lại trở thành đất sản xuất kinh doanh...

5 năm về trước, khi Bí thư Thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải còn ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ thị 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều.

Vậy nhưng, kể từ đó đến nay những vi phạm đê điều xung quanh thủ đô vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí liên tục gia tăng và luôn là “điểm nóng” nhức nhối nhất miền Bắc...

Bến biến thành cảng?

Đê sông Đuống đoạn qua phường Phúc Lợi, quận Long Biên có một bến thủy nội địa ngang nhiên hoạt động giống như một cảng thủy nội địa trá hình.

Gần đó, một trạm trộn bê tông cũng hoạt động không phép nhưng chưa bị xử lý. Điều đáng nói là xe chở bê tông, vật liệu xây dựng, xe quá tải chạy nườm nượp trên đê sông Đuống ra vào bến suốt ngày đêm, UBND phường Phúc Lợi, Hạt Quản lý đê điều ở cách đó không xa nhưng vi phạm vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua. Năm 2015, UBND quận Long Biên đã yêu cầu xử lý, giải tỏa vi phạm, nhưng mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy.

Bà Chu Thị Huế, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi cho biết: “Anh em cũng đã thiết lập đầy đủ tất cả các hồ sơ, biên bản, quận cũng đã có chỉ đạo về việc đó. Trong năm nay chỗ đó cũng dừng, trong 2 tháng nữa sẽ giải phóng mặt bằng. Cái trạm chưa dỡ đâu nhưng không còn hoạt động nữa, đã chuyển rồi”. Không như lời bà Huế nói, cho đến thời điểm hiện tại xe chở bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động suốt ngày đêm.

Cũng trên đoạn đê sông Đuống, vi phạm trong hoạt động kinh doanh tại bến Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) diễn ra phức tạp.

Tại khu vực bến Lời có 3 doanh nghiệp được UBND huyện Gia Lâm cho thuê đất, mở bến để làm nơi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng gồm: Cty TNHH kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang, Cty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh, Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Gia Lâm.

Tuy nhiên, không chỉ làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, một số doanh nghiệp còn sử dụng sai mục đích, biến bến Lời thành cảng trung chuyển các loại hàng hóa khác. Các công ty còn tiến hành đổ đất lấn lòng sông để xây dựng cầu nhằm mục đích cho xe cẩu và xe tải lớn vào bốc dỡ hàng hóa. Mặc dù đã có biển cấm xe tải trên 10 tấn, nhưng xe tải hạng nặng vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm tại khu vực bến Lời.

Theo quy định bến thủy nội địa chỉ là bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Thế nhưng, bến Lời đã trở thành cảng vận chuyển đủ các loại hàng hóa, mà còn ngang nhiên khai thác cát lậu trên sông Đuống. Bất chấp chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, vi phạm về kinh doanh vận tải, bến bãi tại đây vẫn diễn ra thường xuyên và quy mô ngày càng lớn hơn trước.

Theo Cục Đường thủy nội địa, tại Hà Nội có 8 cảng thủy nội địa, 125 bến thủy được cấp phép hoạt động và 36 bến thủy hoạt động không phép. Mặc dù đã có các quy định về chức năng nhiệm vụ của cảng và bến thủy nội địa rất rõ ràng nhưng trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Hà Nội và chính quyền một số quận, huyện vẫn buông lỏng quản lý khiến vi phạm về đê điều ở Hà Nội diễn ra phức tạp.

Các tuyến đê sông Đuống, sông Hồng đang phải oằn mình gánh những xe tải trọng hạng nặng chở hàng hóa, vật liệu xây dựng. Đất bãi ven sông thì bị bê tông hóa, hình thành các bến, cảng thủy nội địa trá hình; đất giao làm bến cảng để tập kết, trung chuyển hàng hóa lại trở thành đất sản xuất kinh doanh, nơi “cưu mang” các trạm trộn bê tông không phép...

Ông Trần Sỹ Duy, Phó trưởng phòng Pháp chế, Cục Đường thủy nội địa cho biết: Khu vực bến Lời được cấp phép làm bến hạn đến 2019, nhưng lại làm với quy mô như một cảng nội địa là sai quy định: “Về mặt nguyên tắc chính quyền địa phương dù ở cấp nào đều có trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý ở địa phương. Tất nhiên phải có trách nhiệm quản lý địa bàn chứ không phải chuyên ngành”.

Cảng lại “hóa” trạm trộn bê tông

Do các bãi ven sông nằm xa khu dân cư, lại khuất nẻo sau triền đê nên các hoạt động sản xuất kinh doanh không phép nơi đây ít bị các cơ quan chức năng để ý. Đặc biệt đối với hoạt động sản xuất bê tông thì đất bãi ven sông quả là thiên đường. Rộng rãi dễ tập kết vật liệu: cát sỏi, xi măng, lại vừa thuận tiện vận chuyển dọc theo các triền đê.

Bởi vậy chỉ trong thời gian ngắn số lượng trạm trộn bê tông ven sông mọc lên như nấm và đa phần là không có phép. Chỉ tính riêng địa bàn quận Hoàng Mai đã tồn tại 13 trạm trộn bê tông đang hoạt động trong đó chỉ có 5 trạm có phép, còn 8 trạm không phép.

15-09-58_img_7487-copy
Ảnh: Kiên Cường

 

Trong 8 trạm trộn bê tông không phép lại có tới 5 trạm nằm trong diện tích đất bãi được giao cho cảng Khuyến Lương quản lý. Khảo sát tại trạm trộn bê tông của Cty TNHH sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng An Phúc, nằm trong cảng Khuyến Lương, một người tự xưng là PGĐ công ty khẳng định chắc như đinh đóng cột với PV là công ty đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và mang ra một bộ hồ sơ pháp lý của Cty An Phúc.

Nhưng sau khi đọc kĩ thì PV phát hiện ra đây là hồ sơ pháp lý được cấp cho trạm trộn khác của công ty ở tận Km9 + 700 đại lộ Thăng Long. Lúc này đại diện công ty mới thừa nhận đang làm thủ tục xin phép, trong khi trạm trộn đã được xây dựng và hoạt động trên địa bàn quận Hoàng Mai được hơn 1 năm?

Trao đổi với ông Đào Xuân Quang, Trưởng phòng Tổng hợp (Cty CP cảng Khuyến Lương) thì được biết đã có rất nhiều đoàn đến kiểm tra và yêu cầu Cty An Phúc làm đúng theo quy định của pháp luật và hiện nay cảng cũng đang cùng với Cty An Phúc, Sở NN-PTNT, UBND quận Hoàng Mai làm thủ tục cấp phép cho đơn vị này và đã có giấy hẹn của Sở Tài nguyên Môi trường.

Để chứng minh, ông Quang chìa cho PV xem một phiếu “Nhận và hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, trong đó có ghi ngày nhận là 13/7/2015 và ngày trả là 22/9/2015. Thật nực cười, chỉ nhìn phiếu hẹn là có thể biết hồ sơ xin cấp phép của trạm trộn bê tông An Phúc không được chấp nhận, vậy mà cán bộ cảng Khuyến Lương lại lấy “phiếu hẹn” thay hồ sơ để lòe PV.

Theo tìm hiểu của Báo NNVN thì ngoài trạm trộn An Phúc trên đất thuộc cảng Khuyến lương còn có nhiều trạm trộn như: Cty CPĐT Xây dựng công trình 135; Cty Bê tông Ngôi Sao; Cty Bê tông Asphalt 656; Cty TNHH vận tải Sông Hồng. Các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất kinh doanh bê tông từ lâu nhưng đều không có phép.

Báo NNVN kính đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm xử lý theo đúng tinh thần chỉ thị của Bí thư Thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm