| Hotline: 0983.970.780

Ban hành Nghị định 84 thay thế Nghị định 108 về quản lý phân bón

Thứ Sáu 22/11/2019 , 11:01 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị định số 84/2019-NĐ-CP quy định về quản lý phân bón hướng dẫn Luật Trồng trọt thay thế cho Nghị định 108 ban hành ngày 20/9/2017.

Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định quản lý phân bón hướng dẫn Luật Trồng trọt thay thế Nghị định 108 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.

Nghị định 84 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với nhiều điều khoản, quy định khác với Nghị định 108 theo hướng đơn giản và cắt giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo ông Nghiêm Quang Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT), Nghị định số 84/2019/NĐ-CP trong Chương Phân bón Luật Trồng trọt có một số nội dung mới cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, về phân loại phân bón được chia thành 3 nhóm là: Phân bón hóa học, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học (Điều 3 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP). Việc phân loại chi tiết từng nhóm phân bón được thực hiện theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/8/2019 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT. Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Thứ hai, về quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam: Nếu cấp trước ngày 1/1/2020 được sử dụng cho đến hết thời hạn lưu hành ghi trong quyết định (khoản 3 Điều 85 Luật Trồng trọt). Trước khi hết thời hạn lưu hành 3 tháng, tổ chức các nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn (khoản 3 Điều 5 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP).

Thứ ba, về khảo nghiệm phân bón: Các loại phân bón không phải khảo nghiệm (khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt) bao gồm: Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định số 84/2019/NĐ-CP tổ chức, cá nhân không phải thực hiện thủ tục đăng ký khảo nghiệm phân bón (không cần có văn bản cho phép khảo nghiệm của Cục BVTV). Khảo nghiệm phân bón thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm (khoản 4 Điều 39 Luật Trồng trọt).

Nghị định 84 về quan lý phân bón thay thế Nghị định 108 có nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Thứ tư, về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Trồng trọt thì giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón cấp trước ngày 1/1/2020 được sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy chứng nhận.

Giấy phép sản xuất phân bón cấp trước ngày 20/9/2017 theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực đến ngày 20/9/2021.

Với giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón: Có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2020 (do Luật Trồng trọt không có quy định chuyển tiếp): Cục đã có Công văn số 3010/BVTV-TTPC ngày 04/11/2019 nhắc các Chi cục đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở sản xuất phân bón nếu buôn bán phân bón do mình sản xuất ra thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (quy định tại 1 Điều 42 Luật Trồng trọt).

Thứ năm, kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu: Quy định chế độ miễn giảm kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu (Khoản 3 Điều 21 Nghị định): quy định về điều kiện miễn giảm, thời gian miễn giảm kiểm tra (12 tháng), tần suất lấy mẫu kiểm tra (20% trong vòng một năm).

Thứ sáu, về quảng cáo phân bón: Văn bản xác nhận nội dung quảng cáo có giá trị trên phạm vi toàn quốc (khoản 2 Điều 24 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP). Hiệu lực văn bản xác nhận nội dung quảng cáo ghi theo hiệu lực của Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam  (Mẫu số 21 Phụ lục I. Giấy xác nhận nội dung quảng cáo). Riêng đối với hình thức quảng cáo hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện trước khi tiến hành quảng cáo ít nhất 2 ngày phải có văn bản thông báo với Sở NN-PTNT nơi tổ chức quảng cáo (khoản 3 Điều 24 Nghị định).

Nghị định 84 có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón có được sự ổn định về chính sách trong nhiều năm tới.

Thứ bẩy, về quy định chuyển tiếp: Nghị định đã quy định cụ thể 7 nội dung cần chuyển tiếp tại Điều 27 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP bao gồm:

Kết quả khảo nghiệm phân bón thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quản lý phân bón và thực hiện trước ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng.

Hồ sơ đăng ký cấp giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định công nhận, kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp thì giải quyết theo quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.

Loại phân bón, thành phần, tên thành phần trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón được sử dụng Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP làm căn cứ để chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phân bón cho đến khi hết thời hạn ghi trong Quyết định.

Cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh loại phân bón, thành phần, tên thành phần của phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành cho phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón theo đề nghị của tổ chức, cá nhân cho đến khi hết thời hạn ghi trong Quyết định.

Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón đã được cấp theo quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có giá trị tương đương Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón quy định trong Nghị định này.

Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón quy định trong Nghị định này.

Phân bón có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trước ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn phân bón đó. Nhãn phân bón, bao bì gắn nhãn phân bón đúng quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP đã được sản xuất, in ấn trước ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành.

Giấy phép nhập khẩu phân bón đã được cấp theo quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết hạn ghi trong giấy phép.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.