Từ sự phát hiện của du khách, bức tượng Nữ thần Tự do phiên bản lỗi tại một điểm du lịch thuộc tổ 4, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng, vì cảm giác vừa buồn cười vừa tức giận.
Sự kệch cỡm của phiên bản lỗi không thể xem như một trò đùa kém duyên, mà qua cách chơi trội ngây ngô của cá nhân cũng trực tiếp nhắc nhở về chất lượng các công trình tượng đài ở nước ta.
Đối với phần lớn nhân loại hiện nay, bức tượng Nữ thần Tự do đã thành một biểu tượng của nước Mỹ. Đây là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo phong cách tân cổ điển, đặt trên đảo Liberty tại cảng New York.
Bức tượng Nữ thần Tự do được kiến trúc sư Frederic Bartholdi thiết kế và được khánh thành vào ngày 28/10/1886. Bức tượng là quà tặng của nước Pháp dành cho nước Mỹ. Qua tranh ảnh và các bộ phim, thì những ai chưa đến Mỹ cũng có thể hình dung bức tượng có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng, tay phải cầm ngọn đuốc còn tay trái cầm một phiến đá có khắc ngày độc lập của nước Mỹ.
Đã có nhiều phiên bản Nữ thần Tự do được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, chẳng thể ngờ, Nữ thần Tự do lại bị “phẫu thuật thẩm mỹ” một cách quá đà khi đến nước ta. Nhìn phiên bản lỗi của bức tượng Nữ thần Tự do ở khu du lịch AnSaPa rộng hơn 2ha, công chúng không thể không ngao ngán. Phiên bản lỗi đã khiến bức tượng Nữ thần Tự do biến dạng một cách kệch cỡm và lố bịch. Nghệ thuật giễu nhại chăng? Không, phải gọi là một thảm họa về mỹ thuật.
Phiên bản lỗi của bức tượng Nữ thần Tự do thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, buộc chính quyền sở tại không thể làm ngơ.
Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân và mạng xã hội, chính quyền đã lập tổ công tác đi kiểm tra sơ bộ khu vực đặt tượng. Qua tìm hiểu được biết, đây là điểm du lịch tự phát của người dân, trên diện tích đất có sổ đỏ”. Công trình trên đất tư nhân thì muốn làm gì cũng được chăng? Tư nhân có quyền tùy thích và quyền tùy tiện với sản phẩm văn hóa chăng?
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa - Hoàng Thị Vượng xác nhận, phiên bản lỗi của Nữ thần Tự do có chiều cao khoảng 30m, được làm từ thạch cao và xi măng, bên trong có khung bằng thép: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị... để kiểm tra việc xây dựng và đầu tư khu du lịch này có đúng theo quy định hay không, sau đó mới đưa ra được phương án xử lý. Chúng tôi nhận thấy người thợ thiết kế chưa được lành nghề cho lắm nên tỉ lệ khuôn mặt tượng đã bị biến dạng, mất thẩm mỹ. Hiện người chủ đã cho thợ thiết kế sửa lại khuôn mặt bức tượng này”.
Câu chuyện phiên bản lỗi cúa bức tượng Nữ thần Tự do đã phơi bày một thực tế đáng buồn về năng lực thẩm mỹ ở một bộ phận người Việt giàu có. Thừa năng lực tài chính để đầu tư kinh doanh du lịch, nhưng lại thiếu năng lực thẩm mỹ để xây dựng một sản phẩm cho khách tham quan và tạo điểm nhấn môi trường.
Phiên bản lỗi của bức tượng Nữ thần Tự do dù đặt trên phần đất tư nhân, nhưng một công trình quy mô và tốn kém như vậy không thể triển khai trong vài giờ đồng hồ, chả lẽ chính quyền địa phương không hề hay biết gì?
Nếu dư luận không phản ứng thì liệu phiên bản lỗi của bức tượng Nữ thần Tự do có được công nhận là sản phẩm văn hóa của địa chỉ du lịch lừng danh không? Dĩ nhiên, hỏi để mà hỏi cho bớt ngậm ngùi, còn trên thực tế thì chất lượng tượng đài ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.
Nói đến tượng đài là nói đến mỹ thuật công cộng. Nước ta sau một thời gian dài khó khăn, ít ai quan tâm đến lĩnh vực này. Trong khoảng hơn một thập niên qua, tượng đài mới được xây dựng dồn dập ở nhiều địa phương.
Theo một con số thống kế của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, hiện nay cả nước ta có hơn 370 tượng đài đã được xây dựng, có gần 20 tượng đài anh hùng dân tộc có quy mô khá lớn. Song việc xây dựng quy hoạch tượng đài chưa được triển khai cùng với quy hoạch xây dựng của các địa phương trong toàn quốc. Xây dựng tượng đài, do chưa có quy hoạch thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương dẫn đến những bất cập về công tác quản lý nhà nước còn trùng lặp về xây dựng và tu bổ.
Ở một số nơi, tượng đài đã được xây dựng từ lâu, bằng chất liệu bê tông nên nay đã xuống cấp, một số không đạt yêu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật cần được thay thế hoặc chuyển về chất liệu cũng như chưa đáp ứng được mặt nghệ thuật.
Ngược lại, sau khi xây dựng xong, một số tượng đài chưa phát huy được tác dụng cho địa điểm dựng tượng không thích hợp, chưa phát huy giá trị thẩm mỹ, dẫn đến xuống cấp và ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của tượng đài.
Việt Nam chưa có quy hoạch về tượng đài, nên mỗi chỗ làm theo một kiểu. Chính các cơ quan quản lý văn hóa cũng dần nhận ra sự quan trọng của việc quy hoạch tượng đài phải có tính khả thi, đạt hiệu quả xã hội. Vị trí xây tượng đài phải thực sự là điểm nhấn của cảnh quan môi trường kiến trúc, đồng thời phải bảo đảm việc tu bổ, lâu dài và an toàn.
Mỹ thuật công cộng cũng là một phần then chốt cho bộ mặt văn hóa của xã hội. Thế nhưng, chúng ta dường như chưa chú ý về giá trị nghệ thuật của tượng đài, mà chỉ ưu tiên cho tiêu chí bề ngoài như to bao nhiêu, cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu.
Ngay cả bức tượng “Biển nhớ” để lưu niệm nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn tại bờ biển Quy Nhơn cũng không đáp ứng được nguyện vọng của người hâm mộ. Những người làm quy hoạch và nhà điêu khắc nhiều khi đã quên mất tượng đài là loại tượng đặc thù trong số các loại tượng ở không gian công cộng. Thông thường, không gian quy hoạch kiến trúc quyết định nội dung kích thước của tác phẩm đặt ở đó.
Tuy nhiên, tượng đài là tượng công cộng duy nhất quyết định không gian chung quanh. Dù ít trường hợp đạt đến mức thảm họa như phiên bản lỗi của bức tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa, nhưng nhược điểm của những người làm tượng không được đào tạo kiến trúc mà chỉ nặn tượng đơn thuần.
Sự liên kết giữa các nhà quy hoạch kiến trúc và điêu khắc cũng rất lỏng lẻo, dẫn đến việc, đáng lẽ phải cố gắng quy hoạch một không gian thân thiện với cộng đồng thì người ta lại chỉ làm mỗi cái tượng chơ vơ và lạnh lẽo.
Từ đó dẫn đến một hệ quả là các tượng đài hiện rất giống nhau và rất xấu, không đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của trang trí không gian, của nhu cầu thẩm mỹ người dân. Một lỗi tượng đài nữa bị phàn nàn là lấy tượng nhỏ vốn để trưng bày bảo tàng rồi phóng to lên làm tượng đài.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường-nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiến nghị: Tùy tính chất công trình để có mặt bằng không gian cho phù hợp, tượng quảng trường phải đi theo quảng trường, đi theo khuôn viên phải có khuôn viên. Chúng ta có tình trạng trại điêu khắc làm tượng xong mới làm cái vườn để đặt nó vào.
Giai đoạn đầu nghĩ đến tượng thôi, không có không gian mặt bằng nên tượng rất xấu. Mà không gian thì tốn kém lắm, một đồng cho bức tượng có khi phải mất đến năm đồng cho không gian. Hơn nữa, còn có yếu tố dân mất niềm tin ở các công trình do chính quyền đảm nhận.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Quan điểm của tôi, chuyên nghiệp thì phải có đỉnh cao, khi thành văn hóa quần chúng mặt bằng sẽ nông. Đội ngũ làm tượng đài của Việt Nam không kém gì thế giới nhưng chúng ta thiếu hụt về đào tạo, vấn đề ở các trường mỹ thuật chưa có đào tạo chuyên nghiệp. Thường ta chỉ đào tạo thầy chứ không đào tạo thợ, một nhà điêu khắc không đục đá, không đúc đồng được. Đưa cho một khúc gỗ đục cây không được, ông thầy chỉ vẽ nặn ra mẫu.
Ngày xưa ta gọi là thợ đục, trước đây trường nào lao động trực tiếp gọi là trường cao đẳng, Pháp ngày xưa gọi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trường đó đào tạo ra người trực tiếp làm. Chúng ta cần có những tượng đài mang tính nghệ thuật cao, đem lại giá trị thẩm mỹ mà có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh tiếng nói của công chúng, của thời đại”.