| Hotline: 0983.970.780

Bán rừng non!

Thứ Sáu 20/03/2009 , 13:00 (GMT+7)

Từ năm 2002, khi gỗ nguyên liệu giấy bắt đầu được thu mua mạnh, nhiều người đổ xô trồng rừng sản xuất. Có người còn “mạnh tay” vay vốn, mua gom rẫy của đồng bào dân tộc trồng đến vài trăm ha rừng. Vừa đến thời điểm khai thác thì giá gỗ nguyên liệu giấy “sập” mạnh, đẩy họ lâm cảnh sống dở chết dở.

Ở Tây Nguyên, người trồng cà phê buộc phải bán non vườn cà phê của mình để lấy tiền tái đầu tư. Còn trên  dải miền Trung cũng có không ít chủ rừng đang bán rừng non nhưng với lý do khác...

Từ năm 2002, khi gỗ nguyên liệu giấy bắt đầu được thu mua mạnh, nhiều người đổ xô trồng rừng sản xuất. Có người còn “mạnh tay” vay vốn, mua gom rẫy của đồng bào dân tộc trồng đến vài trăm ha rừng. Vừa đến thời điểm khai thác thì giá gỗ nguyên liệu giấy “sập” mạnh, đẩy họ lâm cảnh sống dở chết dở.

Oằn gánh nợ nần

Năm 2002 là năm cao trào về trồng rừng sản xuất ở Bình Định và kéo dài mãi đến nay. Theo Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định, mỗi năm trên địa bàn tỉnh này có đến gần 7.000 ha rừng sản xuất được trồng mới từ những dự án và trồng phân tán trong hộ dân. Năm 2008 là đúng chu kỳ khai thác của những diện rừng được trồng vào năm khởi động, lại là lúc giá gỗ nguyên liệu giấy không ngừng lên khiến những chủ rừng vui “như Tết”.

Nhiều chủ rừng nhớ lại: Từ tháng 9 đến tháng 11/2008 gỗ keo “đứng ngon” ở giá từ 820.000đ đến 840.000đ/tấn. Khi ấy chúng tôi nghĩ mình đã trúng to rồi. Thế nhưng niềm vui ấy “ngắn chẳng tày gang”, đến cuối tháng 11/2008 giá gỗ keo đột ngột xuống ào ào, chỉ còn từ 560.000đ- 580.000đ tấn. Bước sang năm 2009, giá gỗ keo có nhỉnh lên 1 chút: 600.000đ/tấn thế nhưng vẫn chưa thể làm tan được nỗi buồn của người trồng rừng.

Sau 7 năm chăm sóc mới đến kỳ thu hoạch, mỗi ha rừng đã ngốn của các chủ rừng đến gần 13 triệu đồng tiền đầu tư. Hộ nào tham gia trồng rừng cũng nợ chồng nợ chất ở ngân hàng. Trồng nhiều nợ nhiều. Khi giá gỗ nguyên liệu giấy đột ngột giảm mạnh, ai nấy cũng đều “bấn” lên vì thu không đủ bù chi thì lấy đâu mà đầu tư “cuốn chiếu” cho những diện tích rừng trồng sau, lại thêm gánh nặng lãi suất từng kỳ.

Số phận của loại gỗ bạch đàn nghe càng thê thảm hơn, những năm trước đây, giá thu mua gỗ bạch đàn luôn đứng “chiếu trên” so với gỗ keo, thế nhưng chẳng biết vì sao khi gỗ keo xuống giá, gỗ bạch đàn không chỉ “sập” theo tỷ lệ thuận mà còn “tuồn tuột” xuống đứng “chiếu dưới”, thấp hơn cả gỗ keo đến gần 100.000đ/tấn, thậm chí chẳng mấy đơn vị thu mua còn ngó ngàng đến loại gỗ này, trong khi phần nhiều rừng sản xuất của hộ dân đều trồng bạch đàn.

Ông Cái Minh Tùng- PGĐ Công ty Lâm nghiệp Hà Thanh cho biết: “Nếu đầu tư đúng quy trình, từ khi trồng đến khi khai thác mỗi ha rừng phải ngốn đến 13 triệu đồng, nặng nhất là trong 3 năm đầu. Từ năm 2002 đến nay công ty chúng tôi trồng được 3.000 ha, chủ yếu là cây keo. Năm nào cũng chạy rạc cẳng để tìm nguồn vay cho đủ vốn đầu tư xoay vòng theo nhịp độ sản xuất trong năm”.

Với doanh nghiệp Nhà nước đã khó khăn là vậy thì với hộ dân tham gia trồng rừng cái khó còn nhân đôi.

Nhiều rừng, “chết đậm”

Trong nhiều năm liền, hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng sản xuất khá rõ rệt nên hầu hết những diện tích nương rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đều được chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy. Thấy “ham” là làm vậy thôi chứ trồng rừng sản xuất cần phải có khả năng đầu tư dài hơi nên nhiều hộ gãy gánh giữa đường, sau vài năm cầm cự không nổi phải sang nhượng rừng non cho những đầu nậu.

Có hộ biết mình không kham nổi sang nhượng đất ngay từ đầu. Vào những năm 2002-2003, giá đất rừng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/ha nên đã có nhiều “ông chủ” mua gom được những vài ba trăm ha. Thấy ngon ăn là vậy nên nhiều người đã không ngại ngùng thế chấp cả nhà cửa để mua đất trồng rừng.

Về huyện Vân Canh, 1 huyện miền núi của tỉnh Bình Định, nơi có tốc độ phát triển rừng sản xuất nhanh đến chóng mặt, ông Phạm Thành Tuyên-Phó phòng NN-PTNT huyện Vân Canh cho biết: Ở huyện Vân Canh có 6.544 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng có trồng rừng sản xuất, từ người kinh đến đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn huyện có 12.000 ha rừng sản xuất, 1 nửa trong số đó là rừng của 6 DN nhà nước trồng, 1 nửa còn lại là của các hộ dân. Trong đó có rất nhiều hộ trồng số lượng nhiều, từ vài trăm ha trở lên.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Ngọc Ân ở thôn 3, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh). Mới chỉ 36 tuổi nhưng anh Ân đã có 10 năm tham gia trồng rừng sản xuất. Và sau 10 năm, anh Ân đang sở hữu đến 200 ha rừng nguyên liệu giấy, trong đó có 100 ha là đất anh đã được nhà nước cấp quyền sử dụng, 100 ha còn lại được anh mua gom hoặc hợp đồng ăn chia với những hộ dân có đất mà không có khả năng trồng rừng.

Anh Ân buồn kể: “Không làm sao ngờ được có ngày thê thảm như thế này nên từ nhiều năm nay tôi đã “bặm gan” đi vay khắp nơi để đầu tư mua đất, thuê đất trồng rừng. Hiện nay, cả vay các ngân hàng và vay nóng bên ngoài tôi đang gánh con số nợ hơn 2 tỷ đồng. Bây giờ giá gỗ xuống thấp, thu không đủ bù tiền đầu tư đã đành, không biết sau này đầu ra có bị tắc không chứ như bây giờ tôi thấy các đơn vị thu mua đang rất hờ hững. Lâm cảnh như anh Ân, ông Sáu Trung ở xã Canh Hiển (Vân Canh) cũng đang đau đầu với hàng trăm ha rừng của mình.

Bán rừng non

Bởi lo xa đầu ra sẽ bị tắc nên hiện nay, nhiều hộ dân đang bán vội vã những cánh rừng của mình dù chưa đến chu kỳ khai thác để vớt vát vốn đầu tư. Dắt tôi đi dọc tỉnh lộ dẫn về thị trấn La Hai (Phú Yên), đoạn qua UBND xã Canh Thuận, anh Ân vừa chỉ tay về những cánh rừng keo còn non choẹt vừa than thở: “Mặc dù chúng chỉ trồng mới được 4-5 năm nhưng hiện tôi đang cho chặt tất, bán được đồng nào thì bán để xoay trở trả vốn vay nóng bên ngoài và trả lãi vay định kỳ của các ngân hàng. Từ đầu năm đến giờ tôi đã bán được gần 600 tấn sản phẩm nhưng không thấm vào đâu với các khoản nợ”.

Chưa thể biết trước được điều gì nhưng bây giờ “vớt vát” trước là hơn. Thêm vào đó, anh Ân đang còn 100 ha rừng mới chỉ được 1-2 năm tuổi, độ tuổi đang cần chăm sóc mạnh, nếu không chấp nhận bán non những cánh rừng này thì lấy vốn đâu ra mà đầu tư cho chúng. Anh Ân nói thêm: “Những diện tích rừng mới trồng vài năm đầu phải được vun gốc, bón phân và phát dọn thực bì 2 lần/năm. Nếu không thì chúng sẽ trơ ra như cây bụi”.

Theo chân anh Ân đi vào 1 cánh rừng keo xanh mơn mởn đang độ phát triển sung sức, từ xa tôi đã nghe thấy tiếng cưa máy vang vang và nhìn thấy chúng đang ngã rạp. Mặc dù không là người trồng rừng nhưng nhìn thấy chúng bị đốn hạ khi đang còn “xuân xanh” như vậy tôi không thể không chạnh lòng. Thế nhưng khi quyết định đốn chúng, anh Ân còn đau lòng hơn: “Nếu nuôi dưỡng chúng thêm vài ba năm nữa thì năng suất có thể đạt 70-80 tấn/ha. Thế nhưng đốn non như thế này thì năng suất chỉ còn 50 tấn/ha”.

Anh Ân tính toán: “Chi phí cho công khai thác là 150.000đ/tấn, công vận chuyển lên xe thêm 100.000đ/tấn nữa. Khai thác non mỗi ha rừng chỉ thu hoạch được 50 tấn sản phẩm, bán được 30 triệu đồng, trừ chi phí khai thác mất 12.500.000đ, số còn lại làm sao bù “cho kịp” số đã đầu tư vào chúng trong những năm qua”. Dù xót xa là vậy nhưng anh Ân không dám đầu tư thêm những diện tích đã có thể khai thác vì mối lo ngại giá cả không biết có “tuột” nữa hay không và đầu ra trong những năm tới liệu có bị tắc?

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.