Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá một đường dây làm giả bằng cấp và các giấy tờ khác do hai đối tượng Nguyễn Văn Hùng (Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (Bình Gia, Lạng Sơn) cầm đầu.
Tại ngôi nhà do các đối tượng trên thuê để sản xuất văn bằng chứng chỉ và các loại giấy tờ giả khác, lực lượng chức năng thu được trên 5 tấn phôi bằng và 4000 con dấu giả.
Những con số trên khiến xã hội kinh hoàng. Vụ việc trường Đại học Đông Đô bán có trên 200 tấm bằng tốt nghiệp đại học giả, đã làm xôn xao dư luận cả nước. Đằng này những 5 tấn phôi bằng, tức là 5.000 kg. Mỗi kg là 1.000 gram. 5 tấn, vị chi 5.000.000 gram. Nếu mỗi tấm phôi có trọng lượng 10 gram, thì 5 tấn phôi bằng đó là 500.000 cái.
Bọn sản xuất bằng giả đó mua phôi bằng không phải để chơi, mà chúng điền họ tên, ngành nghề, học vị, từ tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư cho đến cao đẳng, trung cấp… của rất nhiều ngành nghề rồi bán cho người cần mua. Nếu để chúng bán hết chừng ấy phôi bằng, thì không biết phải mất bao nhiêu năm, các trường đại học, cao đẳng…của nước ta mới đào tạo ra được 500.000 người có các bằng cấp ấy.
Qua vụ án này, có thể thấy nhu cầu về bằng giả ở nước ta hiện nay rất cao. Có cầu thì có cung. Ngoài đường dây này vừa bị phá, còn bao nhiêu đường dây nữa mà cơ quan công an chưa bóc gỡ được?
Chính vì sử dụng bằng giả nên mới có hàng trăm trường hợp, như làm đến Viện trưởng VKSND tỉnh nhờ dùng bằng đại học Luật giả, nhưng kỳ thực chưa học hết THCS, dùng bằng đại học y đa khoa giả đi học chuyên khoa cấp I, cấp II, hay thượng tá, trưởng phòng CS kinh tế công an tỉnh dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để vào đại học cảnh sát, rồi 55 người mua bằng giả của đại học Đông Đô để làm luận án tiến sỹ, thạc sỹ...
Những trường hợp bị phát hiện đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn không biết bao nhiêu là kẻ dùng bằng giả khác vẫn đang giữ rất nhiều cương vị lãnh đạo của những cơ quan từ xã đến trung ương nhưng chưa bị lộ?
Thêm một câu hỏi nữa: Những kẻ làm bằng giả không thể sản xuất phôi bằng. Vậy ai trong những cơ quan quản lý đã bán cho chúng lượng phôi bằng khổng lồ đó?
Không chỉ vậy, lực lượng chức năng còn thu giữ trên 4.000 con dấu giả. Đó chắc chắn là của 4.000 cơ quan, vì mỗi cơ quan chỉ có 1 con dấu. Trong 4.000 con dấu đó, có bao nhiêu con dấu đã được đóng vào các văn bản, giấy tờ để bán cho những kẻ cần mua? Và bao nhiêu kẻ đã dùng những giấy tờ đó để thực hiện những vụ làm ăn trái pháp luật?
Làm thế nào để chống nạn bằng giả, giấy tờ giả? Hiện tại, chế tài xử lý quá nhẹ. Các vụ dùng bằng giả khi bị phát hiện, chỉ bị kiểm điểm, nặng nhất là buộc thôi việc. Điều đó chưa đủ sức răn đe.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ công an đã đề nghị cần xử lý hình sự những kẻ dùng bằng giả. Đây là một đề nghị hợp lý, rất cần được luật hóa.