| Hotline: 0983.970.780

Báo động đỏ suy giảm nguồn lợi thủy sản

Thứ Tư 18/07/2018 , 14:05 (GMT+7)

Chưa bao giờ cán cân sản lượng thủy sản giữa khai thác tự nhiên và nuôi trồng ở Hà Nội lại mất cân đối, chênh lệch đến cả trăm lần như hiện nay...

Sau khi sáp nhập với Hà Tây, Thủ đô Hà Nội có diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản lên tới 30.840ha. Bên cạnh đó còn có nhiều dòng sông như lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… chảy qua có thể tận dụng để nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Một điểm cộng nữa là vùng ngoại thành của Hà Nội với trên 9.000ha ruộng trũng và hệ thống kênh, mương thủy lợi khá dày đặc giúp cho việc hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì...

dsc02777-compressed153404943
Tăng cường tái tạo nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp bách của ngành thủy sản Thủ đô

Các hộ dân đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh và bước đầu ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như công nghệ sông trong ao, chăm sóc, cho ăn tự động nên năng suất cũng sản lượng thủy sản đều tăng qua các năm. Năm 2017 tổng sản lượng đạt 105.400 tấn, gần gấp đôi so với cách đó 5 năm.

Phát triển mạnh về nuôi trồng nhưng điều đáng buồn là các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, thủy vực, ruộng trũng của Hà Nội lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng, sản lượng cũng như chất lượng do các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định...

Bên cạnh đó môi trường nước đang dần bị hủy hoại do các loại nước thải từ thành phố, cụm dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Bởi thế mà tổng sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn thành phố năm 2017 tụt giảm chỉ còn 1.660 tấn, kém gần 100 lần so với so với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua Chi cục Thủy sản Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố như: Tham mưu bằng văn bản; Tăng cường, đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra...

Tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế. Dù hàng năm có tiến hành thả cá để tái tạo nguồn lợi cho các diện tích mặt nước tự nhiên nhưng mới chỉ phục hồi được một phần rất nhỏ lượng bị giảm sút. Đặc biệt là công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã không huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, nguồn lực xã hội, không tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho cộng đồng khiến cho ngành nông nghiệp trở nên đơn độc trong "cuộc chiến” này.

Thực tế công tác thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các tuyến cơ sở vô cùng yếu kém. Tình hình vi phạm pháp luật về khai thác nguồn lợi thủy sản diễn ra hầu như ở tất cả các xã có diện tích mặt nước mà điển hình nhất là hiện tượng đánh cá bằng xung điện diễn ra cả ngày lẫn đêm, quanh năm, suốt tháng.

Bên cạnh kích điện, việc sử dụng lưới có cỡ mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra với mức độ rất phổ biến. Thế nhưng chính quyền các cấp lại làm ngơ, các cơ quan chức năng lại ít để ý. Bằng chứng là năm 2014 đoàn kiểm tra chỉ lập biên bản bàn giao được 2 trường hợp sử dụng kích điện khai thác thủy sản cho UBND các xã có đối tượng vi phạm.

Tất cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó đã khiến cho sản lượng thủy sản khai thác giảm nhanh qua các năm, nhiều loài trước kia vốn có sẵn nay trở nên khan hiếm thậm chí đứng trước nguy cơ tuyệt chủng...
 

5 mô hình "sông trong ao"

Khởi nguồn từ nước ngoài, phương pháp nuôi cá “sông trong ao” đã tràn vào Việt Nam đầu tiên ở hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương mấy năm về trước rồi sau đó bắt đầu lan rộng ra phía Bắc.

07-49-00_dsc_9993
Mô hình nuôi thủy sản "sông trong ao"

Đây được đánh giá là phương pháp nuôi tiên tiến giúp không chỉ cải thiện được môi trường nước, nâng cao mật độ, năng suất nuôi trồng mà còn giúp gia tăng chất lượng thịt cá một cách khá rõ rệt.

Nhận thấy những ích lợi đó của “sông trong ao”, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội năm 2018 đã tiến hành làm các mô hình. Ngay từ đầu công tác chọn điểm, chọn hộ, hướng dẫn kỹ thuật, chuẩn bị ao nuôi cũng như công tác giao giống cá được đơn vị này quan tâm rất kỹ.

Mô hình được thực hiện tại 3 huyện là Thường Tín, Phú Xuyên và Quốc Oai với tổng số 5 hộ tham gia trên diện tích 5ha. Nông dân tham gia được hỗ trợ 100% cá giống (tương đương 15.000 con giống cá chép V1), 30% thức ăn và chế phẩm sinh học. Ngoài ra họ còn được các cán bộ khuyến nông sát cánh đồng hành ở nhiều giai đoạn quan trọng của sản xuất.

Chính vì vậy, sau một thời gian thử nghiệm, kết quả đạt được khá khả quan. Anh Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Chăn nuôi Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Thay vì nuôi trong môi trường nước tĩnh trong ao, công nghệ này sử dụng phương pháp nước chảy. Để mô phỏng dòng chảy của sông trong tự nhiên, cá được nuôi trong các bể nhỏ có nước chảy liên tục, các bể này lại được xây dựng trong một bể lớn.

Những chiếc máy thổi khí được đặt ở đầu các bể có nhiệm vụ đẩy nước lưu thông một chiều tạo thành một dòng sông nhỏ trong ao. Khi nước chảy liên tục, cá trong bể sẽ hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng 24/24 giờ, ăn tốt hơn, tiêu hóa tốt hơn, tạo cơ bắp cũng tốt hơn.

Đây là điểm khác biệt của mô hình nuôi cá sông trong ao so với phương pháp nuôi truyền thống. Hy vọng phương pháp nuôi mới này có thể ngày càng được mở rộng và là một trong những giải pháp để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho Thủ đô.

Chính vì vậy Hà Nội kiến nghị cần tăng cường văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và Quyết định số 188/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, để các tỉnh phối hợp, thực hiện.

Có quy định cụ thể khi xử lý các tổ chức, cá nhân thả các thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên. Có văn bản đề nghị cảnh sát đường thủy trên địa bàn Hà Nội tích cực rà soát và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản trên hệ thống đường thủy nội địa tại Hà Nội.

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.