Đầu tư công nghệ hiện đại
Ông Lê Công Hùng (ngụ tại phường 11, thành phố Vũng Tàu), có tàu cá công suất 350CV đánh bắt nghề cá cơm, từ Nghệ An vào Vũng Tàu lập nghiệp đã gần 30 năm. Ông cùng với 47 thành viên khác cùng nghề đã tập hợp lại và thành lập nên Nghiệp đoàn cá cơm Hải Đăng vào năm 2016.
“Từ đó đến nay, chúng tôi nỗ lực vươn khơi bám biển và đầu tư phát triển nghề. Lúc đầu, công nghệ thấp nên sản lượng đánh bắt chỉ được khoảng 200 tấn/năm. Sau khi tôi đầu tư máy móc, cải thiện công nghệ đánh bắt liên tục qua từng năm, nhờ đó hiệu quả khai thác tăng trưởng bình quân 10-15%/năm”, ông Hùng chia sẻ.

Ngư dân Đoàn Minh Đức (đánh bắt tại khu vực huyện Côn Đảo) đang giới thiệu về thiết bị tầm ngư tiên tiến, được trang bị cho tàu đánh cá. Ảnh: Lê Bình.
Sau khi chuyển đổi số, trên tàu ông Hùng có đầy đủ các loại máy định vị, máy tầm ngư, ra đa, liên lạc vô tuyến, hệ thống kéo lưới và lái thủy lực bán tự động. Năm 2024, ông Hùng còn đầu tư 1,65 tỷ đồng thay máy tầm ngư cũ sang máy chụp cá có công nghệ cao hơn, có thể dò luồng cá trong bán kính hơn 1km với độ sâu 15-17m. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt năm 2024 đạt hơn 800 tấn, tăng hơn 70% so với năm 2023. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lời hơn 2 tỷ đồng.
Tương tự, đội tàu 3 chiếc đánh bắt xa bờ của gia đình ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) không chỉ có hầm bảo quản cá theo công nghệ CPF bằng vật liệu composite, mà còn được đầu tư dàn lưới dài 15km (trước chỉ được 10km) với chất liệu lưới tốt hơn (trị giá hơn 4 tỷ đồng), cơ giới hóa toàn bộ khâu thả lưới, thu lưới; thêm vào đó là máy định vị loại tốt và máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Không những thế, ông Ngọc còn số hóa mọi hoạt động khai báo thông tin xuất, nhập cảng, ghi nhật ký khai thác điện tử. Hơn 1 năm nay, các tàu đánh cá của ông Ngọc khi đi biển đều ghi nhật ký khai thác điện tử qua ứng dụng Soba trên điện thoại di dộng của Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt. Khai báo thông tin xuất, nhập cảng thì qua app eCDT VN của Cục Thủy sản và Kiểm ngư. “Tuy lúc đầu có hơi "lọng cọng" nhưng giờ đã quen thì thấy tiện lợi, nhanh chóng lắm, lại minh bạch thông tin, chúng tôi rất ủng hộ”, ông Ngọc nói.

Hầu hết tàu cá của Bà Rịa - Vũng Tàu đều tự trang bị các loại các loại máy định vị, máy tầm ngư, ra đa, liên lạc vô tuyến, hệ thống kéo lưới và lái thủy lực bán tự động... Ảnh: Trần Phi.
Giữa tháng 3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai sâu rộng công tác chuyển đổi số trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy sản cho cán bộ quản lý ngành, cảng cá và Hội Thủy sản tỉnh. Tại hội nghị, Công ty Hiệp lực Phát triển Việt đã giới thiệu phần mềm quản lý số hóa dữ liệu nghề cá tại cảng, hướng dẫn công nghệ trong chuyển đổi số về nghề cá, ghi nhật ký khai thác điện tử và khai báo vị trí tàu cá bị mất kết nối qua phần mềm ứng dụng Soba.
Chuyển đổi số toàn ngành
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc chuyển đổi số trong công tác chống khai thác IUU đang được triển khai đồng bộ ở các địa phương, cơ quan chức năng, ngư dân và các cảng cá trong việc quản lý đội tàu cá, giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, xử lý các vi phạm.

Anh Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt, đang giới thiệu về thiết bị lọc dầu, giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu cho các tàu cá. Ảnh: Lê Bình.
Ở từng khâu đều có phần mềm riêng biệt được triển khai từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường để các địa phương trên khắp cả nước báo cáo lên và cập nhật thông tin hằng ngày. Nhờ đó, tất cả các số liệu, thông tin, hồ sơ, hoạt động tàu cá (trên biển lẫn trên bờ) và xử lý vi phạm đều được cập nhật lên hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia (VnFishbase). Đây là một trong những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra sắp tới.
Ông Cù Duy Cao Vỹ, đại diện Ban quản lý Cảng cá Bến Lội - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cho biết, hiện nay hầu hết các tàu cá đều sử dụng phần mềm eCDT VN - hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia - để khai báo, nhập dữ liệu làm hồ sơ cho tàu cá xuất, nhập cảng.
Thông qua phần mềm này, cảng cá cũng báo cáo số lượng tàu cá ra, vào cảng mỗi ngày, có đủ giấy tờ hợp lệ, số lượng hải sản bốc dỡ qua cảng và cấp giấy xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu qua thị trường Liên minh châu Âu.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 3 phần mềm quản lý nghề cá, gồm: phần mềm quản lý cảng cá, quản lý tàu cá (thông qua hệ thống giám sát hành trình) và phần mềm xử lý vi phạm IUU. Các phần mềm này độc lập nhau. Để có thể tích hợp 3 phần mềm này và quản lý đội tàu cá địa phương tốt hơn, trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, xử phạt các vi phạm, góp phần gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU của EC.

Việc trang bị các phần mềm, kĩ thuật công nghệ giúp các tàu cá chấp hành các khuyến cáo của EC tốt hơn trong chống khai thác IUU. Ảnh: Trần Phi.
Ông Nguyễn Kỳ, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, ngoài việc kết nối dữ liệu 3 phần mềm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, phần mềm quản lý tàu cá của tỉnh còn phát triển thêm các tính năng phù hợp với nhu cầu quản lý của địa phương.
Đến nay cơ bản phần mềm đã được sử dụng tại https://gstcvtu.vtctelecom.com.vn/ với một số tính năng cơ bản như: Giám sát, tra cứu tàu cá; quản lý cảnh báo, báo cáo thống kê vi phạm, tích hợp hệ thống cảnh báo thông minh; quản lý hoạt động khai thác trên biển và tàu nằm bờ (tàu không đủ điều kiện khai thác, tàu “3 không”, tàu hư hỏng, mục nát,…) theo từng địa bàn và theo kích thước tàu.
Theo Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phần mềm quản lý tàu cá của tỉnh hiện đã được kết nối và đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia và nhật ký khai thác điện tử quốc gia.
Hiện Sở đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh cập nhật số liệu quản lý tàu cá trên phần mềm với 48 trường thông tin theo tần suất phù hợp nhu cầu quản lý của địa phương tại web https://ioc.baria-vungtau.gov.vn hoặc ứng dụng IOC trên thiết bị di động thông minh.