Ám ảnh thiên tai
Nghệ An có hệ thống công trình thủy lợi dày đặc với 1.061 hồ chứa nước (phân loại theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ), bao gồm 55 đập, hồ chứa lớn, 220 đập, hồ chứa vừa, số còn lại (786) là hồ chứa nhỏ. Qua phân loại, có 101 hồ do doanh nghiệp thuỷ lợi quản lý, 960 hồ do tổ chức thủy lợi cơ sở và cá nhân quản lý. Riêng Vực Mấu và Sông Sào là 2 hồ chứa có cửa van và quy trình vận hành được phê duyệt, 1.059 hồ hoạt động bằng tràn xả lũ tự do.
Triển khai Chỉ thị số 1652/CT-BNN-TCTL ngày 18/3/2022 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ 2022, Sở NN-PTNT đã ban hành công văn đôn đốc các địa phương, đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, qua đó lập, trình duyệt phương án phòng chống thiên tai.
Đối với các công trình đang thi công, Sở NN-PTNT đã đôn đốc các chủ đầu tư, các BQLDA lập trình, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 7, Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các địa phương, đơn vị đang có công trình cải tạo, nâng cấp, Sở NN-PTNT yêu cầu các BQLDA, các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thi công đảm bảo tiến độ vượt lũ.
Lấy hồ chứa nước Bản Mồng làm điểm, công trình này được xây dựng trên dòng chính sông Hiếu, thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Tuyến Bản Mồng cách thị xã Thái Hoà về phía thượng lưu khoảng 25 km, đến nay phần thủy nông công trình đầu mối đạt tiến độ 98%, trong đó đập chính, cống lấy nước, cống xả sâu đã cơ bản hoàn thành, tràn xả lũ dừng ở cao độ +54,50m/+63,60m (dừng thi công từ tháng 6/2020 phục vụ dẫn dòng lũ chính vụ năm 2020, từ tháng 11/2020 hết nhiệm vụ dẫn dòng thi công). Ngoài 2 gói thầu 36 và 42 đang thi công, các gói thầu còn lại đã hoàn thành.
Gói thầu 36 thi công bê tông ngưỡng tràn từ cao trình +55,00m đến cao trình +63,60m, gói thầu 42 lắp đặt các cửa van. Việc thi công ngưỡng tràn phụ thuộc vào công tác GPMB lòng hồ tại 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Là tỉnh đặc thù, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ nên Nghệ An luôn xác định tâm thế sẵn sàng ứng phó. Bằng chứng, trước các đợt thiên tai UBND tỉnh, Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành các Công điện, công văn đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần… theo phương châm "4 tại chỗ" (đã ban hành 192 công văn, 90 báo cáo, 15 công điện, triển khai 4 lượt nhắn tin cảnh báo). Trong tâm bão, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã chủ động phương án kiểm tra, quyết liệt trong công tác chỉ đạo bằng cách "cầm tay chỉ việc" theo đúng nhiệm vụ phân công phụ trách, qua đó góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây nên.
Dù vậy sức người có hạn, đường đi của thiên tai quá khó lường đã để lại hậu quả rất nặng nề. Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn chịu ảnh hưởng của hàng chục đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, đỉnh điểm là trận lũ ống, lũ quét thuộc dạng "xưa nay hiếm" tràn qua huyện nghèo Kỳ Sơn mới đây... tổng quan mưa bão từ đầu năm đã làm chết 11 người; 98 căn nhà bị sập; 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu… tính ra Nghệ An mất trắng khoảng 1.226 tỷ đồng.
Hàng loạt mối lo hiện hữu
Như đã đề cập, công trình thủy lợi của Nghệ An dẫu quy mô nhưng đa phần cũ kỹ, nằm rải rác, chủ yếu xây dựng từ nền đất nên cơ bản đã rệu rạo, xuống cấp trông thấy. Mặt khác, hệ thống các công trình chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại không cao, chi phí vận hành tốn kém.
Đáng quan ngại hơn nữa khi nhiều nội dung liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP (cắm mốc bảo vệ phạm vi đập, hồ chứa nước; lập quy trình vận hành; kiểm định an toàn đập; lắp hệ thống giám sát, vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập; xây dựng bản đồ ngập lụt; xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp…) chưa được triển khai do khó khăn về kinh phí.
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở cấp huyện, xã còn nhiều bất cập do số lượng cán bộ chuyên ngành thủy lợi ít, chưa đảm bảo nhu cầu đặt ra. Sau nữa là một số hồ chứa lớn do địa phương quản lý vẫn chưa được bàn giao cho các Công ty TNHH Thuỷ lợi theo quy định của Nghị định 67/2018/NĐ-CP, cũng như yêu cầu của Bộ NN-PTNT.
Từ những thông số nêu trên có thể khẳng định hiện trạng thủy lợi Nghệ An chẳng "khỏe mạnh", sau khi phải gánh chịu hàng loạt đợt mưa lũ trong năm 2022, hàng loạt hồ, đập, hệ thống trạm bơm càng bết bát hơn, đặc biệt là hệ thống kênh mương ở những vũng thấp trũng. Nếu không được sửa chữa, khắc phục sớm sẽ tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ, trước mắt khó đảm bảo phục vụ sản xuất vụ xuân 2023, xa hơn là những mối nguy tiềm tàng hơn, đơn cử như... vỡ đập.
Khảo sát thực tế cho thấy toàn tỉnh Nghệ An có gần 6.000 km kênh tưới, qua các đợt ra quân làm thủy lợi, giai đoạn 2001- 2007 đã bê tông hóa được khoảng 4.800 km. Qua thời gian dài sử dụng, do bị bào mòn bởi thiên tai, lại thường xuyên bị "ngâm" trong nước nên phần lớn đã hư hỏng, đổ vỡ. Lâu dài nhất thiết phải điều tra tổng thể, toàn diện nhằm đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp để gia cố, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tại. Đây là nội dung mang tính cấp bách, tiếc thay vì nguồn lực của địa phương lẫn kinh phí phân bổ từ Trung ương khá hạn hẹp nên tình hình cơ bản vẫn dậm chân tại chỗ.