| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 07/07/2021 , 08:07 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:07 - 07/07/2021

Bao giờ dân làng Hạnh Phúc được hạnh phúc?

Làng Hạnh Phúc, với 318 hộ dân, 1.237 nhân khẩu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn đang chịu cảnh tối tăm vì không có điện...

Đã sang thế kỷ 21 được đúng 21 năm, xã hội đang tiến như vũ bão với công nghệ 4.0 rồi, nhưng ở tỉnh Yên Bái, nơi có nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện đầu tiên ở nước ta, vẫn còn hai ngôi làng đang chịu cảnh tối tăm với những ánh đèn dầu leo lét như những con đom đóm mỗi khi màn đêm buông xuống.

Đó là hai ngôi làng thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên.

Thật trớ trêu, một trong 2 làng đó lại có tên là làng Hạnh Phúc, với 318 hộ dân, 1.237 nhân khẩu, hầu hết là bà con dân tộc ít người và bà con phải chuyển đến do nhường đất cho lòng hồ thủy điện Thác Bà.  Làng nữa là Làng Câu, cũng có số hộ và số nhân khẩu xấp xỉ với làng Hạnh Phúc.

Nhường đất đai, nhà cửa cho nhà máy thủy điện từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngày đó chính sách đền bù chưa có, nên việc đền bù chỉ là tượng trưng, người dân chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Lẽ ra, bà con phải là những người được hưởng ánh sáng điện đầu tiên khi nhà máy vận hành. Thế nhưng gần 60 năm qua, người dân vẫn chưa biết đến ánh sáng điện.

Không có ánh sáng, nghĩa là không có tri thức (“Tri thức là ánh sáng, ánh sáng đi đến đâu, bóng tối lùi đến đấy- V.I Lê Nin”). Kênh phổ biến kiến thức, phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và giải trí là cái tivi hay mạng intenet. Không có điện, lấy gì xem ti vi và truy cập intenet?

Có thể nói, làng đang trở thành cái ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Không có điện, không dùng được điện thoại. Một vài người sắm được điện thoại thì mỗi khi hết pin, phải đi xa hàng chục km để sạc nhờ.

Không có điện, không phát triển được sản xuất. Đơn giản nhất là cái máy thái cỏ làm thức ăn cho bò hay thái chuối làm thức ăn cho heo, đều phải làm bằng tay, năng suất không cao. Hạt gạo hạt ngô đều phải gò lưng với cái cối xay, cối giã vì không thể dùng được máy xay, máy sát.

Không có điện, mỗi bữa cơm đều phải chúi đầu vào bếp, hí húi với củi, với rơm vì không thể sắm nồi cơm điện. Không có điện, dù nóng chẩy mỡ 38- 40 độ cũng chỉ biết phe phẩy cái quạt mo, thức ăn thiu thối cũng đành đổ đi vì không thể mua tủ lạnh…Tóm lại, không có điện, người dân hai làng Hạnh Phúc, Làng Câu như bị gạt hoàn toàn ra khỏi dòng chẩy của văn minh.

Hy sinh để nhường đất cho nhà máy thủy điện Thác Bà. Nhưng vì sao lại có chuyện thật 100% nhưng không ai có thể tin nổi: gần 60 năm qua hơn hai ngàn nhân khẩu của hai ngôi làng vẫn chìm trong bóng tối này? Theo lãnh đạo xã Tân Hợp, thì đã hơn một lần xã có văn bản gửi cấp trên, đề nghị xóa hai “điểm mù” về điện này. Nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Người làng Hạnh Phúc có câu: Có điện là có hạnh phúc. Nhưng câu hỏi: Bao giờ thì người dân làng Hạnh Phúc có được niềm hạnh phúc đơn giản đó, vẫn còn treo lơ lửng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm