| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ Hải Phòng xử lý dứt điểm vấn nạn nước bẩn ở nông thôn?

Thứ Tư 26/07/2023 , 09:17 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ đầu làng đến cuối xóm, đầu đường đến cuối chợ, đâu đâu người dân cũng bàn tán chuyện nhà máy nước Đại Thái gây bức xúc kéo dài trong dân chúng.

Người dân tụ tập trước cổng UBND xã Đông Phương 'tẩy chay' nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân tụ tập trước cổng UBND xã Đông Phương "tẩy chay" nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn một tháng qua, câu chuyện bức xúc nhất với người dân xã Đông Phương là vấn đề nước sạch nông thôn. Từ đầu làng đến cuối xóm, đầu đường đến cuối chợ, đâu đâu người dân cũng bàn tán chuyện nước nôi, chuyện nhà máy nước Đại Thái, chuyện bao giờ mới có nước sinh hoạt đúng như nguyện vọng để dùng.

Còn nhớ, những ngày cuối tháng 6/2023, người dân xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) kéo ra nhà máy nước Đại Thái (Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đại Thái) và cả UBND xã Đông Phương để kiến nghị việc họ phải dùng nước sinh hoạt mà họ bỏ tiền mua để sử dụng hàng ngày có mùi thối, vẩn đục và gây ngứa khi tắm.

Nhà máy nước Đại Thái bắt đầu hoạt động từ năm 2008 và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.950 hộ dân trên địa bàn xã Đông Phương. 

Theo hợp đồng cung cấp nước sạch ký kết giữa các bên, nhà máy có trách nhiệm cung cấp nước cho người dân đảm bảo chất lượng, lưu lượng, áp lực trong suốt quá trình sử dụng. Dù cam kết là vậy nhưng thời gian qua, nước do nhà máy cung cấp có biểu hiện lạ gồm: nước có màu vàng nhạt, cặn bẩn, mùi hôi khó chịu và áp lực yếu.

Người dân từng phát hiện nước sinh hoạt vẩn đục, gây ngứa năm 2020, trong ảnh là người dân đang bị nổi mẩn ngứa ở tay. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân từng phát hiện nước sinh hoạt vẩn đục, gây ngứa năm 2020, trong ảnh là người dân đang bị nổi mẩn ngứa ở tay. Ảnh: Đinh Mười.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc người dân phát hiện nguồn nước từ nhà máy nước Đại Thái có vấn đề. Năm 2020, nước sinh hoạt từng bị đục, nước có mùi và nhiều người tắm bị mẩn ngứa. Sau khi kiến nghị chính quyền địa phương, đại diện nhà máy nước Đại Thái đã lên UBND xã Đông Phương làm việc, nhận khuyết điểm và cam kết khắc phục.

"Năm 2020 ông Sơn chủ nhà máy nước đã cam kết dùng nước sông Đa Độ nhưng vừa qua chúng tôi xuống thì phát hiện nước đen sì. Dân Đông Phương quá khổ rồi”, anh Nguyễn Văn Tuấn, trú thôn Lạng Côn, xã Đông Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, tình trạng nước có mùi, hôi, tanh, vẩn đục, có màu vàng nhạt và áp lực nước chậm, kiểm tra thực tế tại bể nhà máy nước Đại Thái, người dân tá hỏa phát hiện nguồn nước chảy vào đen kịt, đầy nghi vấn về nguồn gốc và không đúng như cam kết về nước sạch.

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đông Phương, thừa nhận, sự việc người dân phản ánh về hiện tượng nước có mùi lạ là đúng sự thật. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền xã đã yêu cầu nhà máy Đại Thái có biên bản cam kết về việc khắc phục sự cố nước bẩn.

Sau đó, huyện Kiến Thụy đã thành lập đoàn kiểm tra các nội dung người dân phản ánh và CDC Hải Phòng đã về lấy mẫu nước đi kiểm tra. Tuy nhiên, khi có kết quả kiểm tra là nước đảm bảo thì người dân không đồng ý, tiếp tục kiến nghị gay gắt.

Bể xử lý nước nước nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: NDCC.

Bể xử lý nước nước nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: NDCC.

Ngày 9/7, ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy và ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã trực tiếp về xã Đông Phương để trực tiếp đối thoại, cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân.

Tại cuộc đối thoại này, ông Hòa chia sẻ với người dân và nhấn mạnh sức khỏe của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Những mong muốn của người dân xã Đông Phương được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt là hoàn toàn chính đáng. Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân về vấn đề chất lượng nước theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Ông Hòa giao cho UBND huyện Kiến Thụy chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra toàn diện nhà máy nước xã Đông Phương với sự tham gia của người dân để bảo đảm khách quan và giải quyết dứt điểm, khách quan, không bao che, xem xét xử lý các sai phạm theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cũng cam kết tại cuộc đối thoại sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện làm tổ trưởng để kiểm tra toàn diện hoạt động nhà máy nước xã Đông Phương. Đồng thời, huyện cũng xem xét phương án chuyển giao nhà máy nước cho đơn vị khác có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy phải trực tiếp về đối thoại với người dân xã Đông Phương, làm dịu điểm nóng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy phải trực tiếp về đối thoại với người dân xã Đông Phương, làm dịu điểm nóng. Ảnh: Đinh Mười.

Dưới nhiều áp lực, chiều ngày 10/7/2023, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ nhà máy nước Đại Thái, đồng ý chuyển giao quyền được cấp nước ở xã Đông Phương sang cho Công ty cấp nước Hải Phòng. Ngày 17/7, Huyện ủy Kiến Thụy ban hành kết luận, người dân xã Đông Phương thêm một tia hy vọng, có cơ hội dùng nước sạch theo đúng nguyện vọng.

Cụ thể, kết luận của Huyện ủy Kiến Thụy nói rõ: “Liên quan đến nhà máy nước Đại Thái, Thường trực Huyện ủy Kiến Thụy đã giao cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Đông Phương tổ chức vận động xã hội hóa kinh phí để hỗ trợ cho nhà máy nước Đông Phương thanh lý hợp đồng cung cấp nước sinh hoạt đã ký với UBND xã và chuyển giao quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước cho đơn vị khác có đủ năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp nước”.

Sau khi chính quyền vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm phần nào đã làm dịu được sức nóng từ phía dư luận và tạo được niềm tin của người dân bởi sau những thông tin này được lan truyền, người dân đã tháo dỡ băng rôn, khẩu hiệu trước cửa nhà, trước công sở và băng rôn tẩy chay nhà máy nước ở đầu đường, cuối chợ. Trên các hội nhóm mạng xã hội, người dân cũng đã bày tỏ niềm tin vào lãnh đạo địa phương, vào chính quyền và không còn lời lẽ gay gắt, quá khích.

Ông Nguyễn Đức, người đại diện cho các hộ dân xã Đông Phương bày tỏ quan điểm: “Theo tôi dân ta được dùng nước sạch sớm ngày nào tốt ngày đấy đó là niềm mong mỏi cũng như khát khao của mỗi hộ gia đình bấy lâu nay nên chúng ta đồng lòng hỗ trợ chính quyền địa phương và nhà máy nước thành phố để sớm thi công và mỗi hộ gia đình được lắp đặt thay mới từ dây dẫn cho đến đồng hồ mang nguồn nước sạch về cho dân ta”.

Vấn đề nước sạch nông thôn chưa đảm bảo, không chỉ xảy ra ở huyện Kiến Thụy. Trong ảnh là người dân xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng phản ánh về nguồn nước sinh hoạt bị vẩn đục, nhiều cặn và yếu. Ảnh: Đinh Mười.

Vấn đề nước sạch nông thôn chưa đảm bảo, không chỉ xảy ra ở huyện Kiến Thụy. Trong ảnh là người dân xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng phản ánh về nguồn nước sinh hoạt bị vẩn đục, nhiều cặn và yếu. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, dù chính quyền đã yêu cầu nhà máy nước Đông Phương đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp nước cho nhân dân trong quá trình chuyển giao quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước trong quá trình thực hiện chuyển giao nhưng trên các trang mạng xã hội, người dân vẫn thông tin về việc nhà máy nước chưa đảm bảo, còn mùi hôi và phản đối bằng cách “nợ tiền nước”.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, không chỉ ở Kiến Thụy, tại một số địa phương khác như: xã Tự Cường, Đại Thắng, Tiên Thanh… (huyện Tiên Lãng), xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), xã Phả Lễ, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên)… cũng từng xảy ra tình trạng dân phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh.

Nông thôn mới các huyện ở Hải Phòng đã cán đích và đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho một xã nhưng hiện tại, vấn đề nước sạch một số nơi vẫn còn nhức nhối, cần được quan tâm xử lý dứt điểm.

Trước đây, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Hải Phòng có hơn 200 nhà máy đang tham gia cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Ban đầu, các nhà máy nước đô thị cung cấp bổ sung cho khu vực nông thôn đều có chất lượng tốt, nước cấp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, đến nay nhiều nhà máy nước mini bộc lộ nhiều bất cập, như quy mô, công suất nhỏ, công nghệ xử lý đơn giản, thủ công, hiệu quả không cao, cùng với chất lượng nguồn nước đầu vào của hệ thống kênh trung thủy nông ngày càng ô nhiễm, nên chất lượng nước cấp một số nơi không còn bảo đảm theo quy chuẩn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.