| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm Agribank - điểm tựa trong cơn bão khủng hoảng ‘niềm tin’

Thứ Hai 27/11/2023 , 21:57 (GMT+7)

Ngành bảo hiểm đang đối diện với khó khăn chưa từng có trước 'cơn bão' khủng hoảng niềm tin. Bảo hiểm Agribank vẫn vững vàng, chinh phục niềm tin khách hàng.

Cơn bão khủng hoảng 'niềm tin'

Thời gian qua, những cái bắt tay giữa ngân hàng và bảo hiểm đã mang lại nguồn lợi khổng lồ cho cả hai. Tuy nhiên, tâm lý chạy theo doanh số, nhiều nhân viên ngân hàng và các đại lý bảo hiểm đã bỏ qua việc kiểm soát chất lượng, dẫn đến tình trạng lập lờ trong khâu tư vấn, tình trạng ‘o ép’ khách vay tiền, tạo nên cuộc khủng hoảng ‘niềm tin’ chưa từng có trên thị trường bảo hiểm.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt khoảng 112 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ suy giảm mạnh với doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 77 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ.

Số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, giảm 34,4%; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ giảm 17,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp giảm 48,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại giảm 44,9%. Kết quả, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2%.

Mặt khác, theo số liệu của trung tâm phân tích chứng khoán SSI, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới qua kênh bán chéo ngân hàng (bancassurance) đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là quý 2. Cụ thể, 13 ngân hàng được đơn vị này khảo sát gồm Sacombank, VPBank, MB, ACB, HDBank, VietinBank, Vietcombank, MSB, Techcombank, VIB, Eximbank, TPBank, OCB đều ghi nhận doanh thu giảm.

Chung cư Thụy Vân - Phú Thọ nơi người dân vay vốn mua nhà ở thu nhập thấp tại một ngân hàng thương mại phải mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân khoản vay. Ảnh: Huy Bình. 

Chung cư Thụy Vân - Phú Thọ nơi người dân vay vốn mua nhà ở thu nhập thấp tại một ngân hàng thương mại phải mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân khoản vay. Ảnh: Huy Bình. 

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nguyên nhân của sự sụt giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn và số lượng khách hàng mua qua kênh ngân hàng dừng đóng tiếp tăng mạnh.

Trong đó những hạn chế liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là nguyên nhân chủ yếu khiến khách hàng mất niềm tin. Kết luận thanh tra bốn công ty bảo hiểm nhân thọ, được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm rất cao, thấp nhất là 32,4% và cao nhất lên tới 73%.

Phản ánh đến Báo NNVN, anh N hiện đang sinh sống tại khu dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp chung cư Thụy Vân – Phú Thọ, cho biết, khi anh cùng những người dân sinh sống tại đây mua nhà, ngân hàng đang cho chủ đầu tư vay vốn để xây chung cư cũng tiếp tục được chủ đầu tư giới thiệu để người dân nơi đây vay vốn mua nhà. Do mức vay thấp, tài sản đảm bảo là toàn bộ khu chung cư được thế chấp tại chính ngân hàng trên nên các ngân hàng khác không chấp thuận cho người dân vay tiền mua nhà.

Điều này dẫn đến việc người dân muốn có nhà phải vay vốn tại ngân hàng được chủ đầu tư giới thiệu, tại đây, người dân buộc phải mua một gói bảo hiểm nhân thọ thì mới được giải ngân khoản vay. Mặc dù, anh N đã mua một gói bảo hiểm nhân thọ tại chính công ty bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng này và đang đóng phí bảo hiểm thường niên nhưng vẫn phải mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ nữa thì mới được giải ngân. Anh N và những người dân nơi đây đều cho biết: ‘Cán bộ ngân hàng bảo chỉ cần mua một năm sang năm không cần đóng phí bảo hiểm cũng được’.

Đây chỉ là một trong những phản ánh về tình trạng người dân đi vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó, chất lượng, sự lập lờ trong khâu tư vấn đã khiến nhiều người mất niềm tin vào bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm được phân phối qua kênh ngân hàng.

Điểm tựa ‘an toàn’

Mặc dù, tính chất của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khác nhau nhưng cơn bão khủng hoảng niềm tin khiến toàn ngành chịu ảnh hưởng. Theo ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank, ở Việt Nam hiện nay, mức độ hấp thụ sản phẩm bảo hiểm tài khoản ngân hàng chưa cao. Đặc biệt là một số sản phẩm bảo hiểm tài khoản mới.

Bảo hiểm Agribank chi trả quyền lợi sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tín dụng cho khách hàng. Ảnh: Bảo hiểm Agribank.

Bảo hiểm Agribank chi trả quyền lợi sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tín dụng cho khách hàng. Ảnh: Bảo hiểm Agribank.

‘Dư chấn của cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm vừa qua, nổi cộm là kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng, căn nguyên không nằm ở nhóm bảo hiểm rủi ro mà thuộc về khối nhân thọ. Khối nhân thọ có đặc tính tích lũy và sinh lời, còn bên phi nhân thọ thì mục tiêu là bảo vệ, hai cái này khác nhau. Thế nhưng bây giờ cứ nói bán bảo hiểm qua ngân hàng là lập tức bị người dân nghi ngờ’, ông Hoàng nói.

Mặc dù vậy, Bảo hiểm Agribank vẫn tiếp tục là ‘điểm tựa’ an toàn cho người vay vốn tại ngân hàng Agribank. Báo của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank cho thấy đã có 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank được bảo hiểm, với gần 2 triệu khách hàng tham gia bảo an tín dụng; hơn 50.000 khách hàng vay vốn tại Agribank được bồi thường với số tiền thụ hưởng gần 900 tỷ đồng; số tiền thu từ nghiệp vụ ủy thác đại lý là 400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank. Ảnh: Bảo hiểm Agribank.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank. Ảnh: Bảo hiểm Agribank.

Ngoài ra, 100% nguồn tiền đầu tư của Bảo hiểm Agribank được gửi tại các chi nhánh Agribank trên toàn quốc, tương ứng với số tiền gần 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt tỉ lệ chi trả cổ tức trong năm 2022 của Bảo hiểm Agribank là 20%, ở mức cao so với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank, doanh thu kênh phân phối Bancassurance luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15%/năm, chiếm tỷ trọng từ 70-80% tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn Công ty.

Năm 2023 với cơn bão khủng hoảng ‘niềm tin’ khách hàng đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho kênh bancassurance phát triển, tận dụng ưu thế mạng lưới, khai thác tiềm năng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, nỗ lực chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông… để đẩy mạnh doanh thu kinh doanh cũng như trở thành điểm tựa cho khách hàng, giúp phân tán rủi ro khi vay vốn tại ngân hàng Agribank.

Xem thêm
Dứa Sri Lanka được xuất khẩu sang Trung Quốc, đâu là cơ hội của Việt Nam?

Dứa là loại trái cây thứ hai của Sri Lanka được tiếp cận thị trường Trung Quốc, sau chuối được cấp phép vào năm 2015.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.