| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm nông nghiệp, không giới hạn đối tượng, địa bàn

Thứ Tư 10/08/2016 , 08:29 (GMT+7)

Bộ Tài chính đang hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo hướng không giới hạn đối tượng, địa bàn, trên cơ sở tự nguyện và có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương.

Chi trả BHNN gần gấp đôi thu

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN đối với 3 sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) giai đoạn 2011 - 2013 tuy đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều vướng mắc.

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, 3 năm thực hiện thí điểm BHNN, tổng số hộ nông dân và tổ chức SX tham gia thí điểm là 304.017; tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chi trả, bồi thường cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản lớn gần gấp đôi mức phí thu được.

“Rõ ràng với việc thí điểm BHNN như trên, thì DN được Bộ Tài chính chỉ định thực hiện công tác này sẽ lỗ vốn, nếu không được hỗ trợ từ các DN tái bảo hiểm. Vì vậy, không DN bảo hiểm hay tái bảo hiểm nào kinh doanh hình thức bảo hiểm này nếu như họ nhìn thấy trước việc lỗ vốn”, ông Huyền phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Huyền, “kết quả thí điểm cho thấy, BHNN không đơn thuần là lợi nhuận, mà là một chính sách lớn, cần thiết và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định SX và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của BHNN”, ông Huyền chia sẻ.

Cũng theo ông Huyền, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 3 DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô - sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu.

“Đến nay đã có 72.255 hợp đồng tham gia bảo hiểm vi mô, với tổng số phí bảo hiểm thu được là 8,9 tỷ đồng. Theo đó, DN bảo hiểm sẽ hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng khi đáo hạn nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH sẽ tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định…”, ông Huyền thông tin.

BHNN sẽ sớm được tái triển khai

Nhận thức rõ mục đích và ý nghĩa của BHNN, nên theo Bộ Tài chính, tại văn bản số 3094/VPCP-KTTH ngày 6/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần tiếp tục thực hiện chương trình BHNN để hỗ trợ nông dân yên tâm SX.

“Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN-PTNT và đã xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các DN bảo hiểm, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Một trong những điểm mới của BHNN lần này là sẽ không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).

Liên quan đến việc liệu có DN nào dám tham gia BHNN khi lĩnh vực nông nghiệp liên tục gặp thiên tai, dịch bệnh, rủi ro thời tiết? Ông Huyền cho biết, đây là chương trình triển khai thí điểm vì vậy sau khi chương trình kết thúc đã tiến hành đánh giá thuận lợi, khó khăn, bất cập và sẽ hướng đến việc lựa chọn hình thức triển khai BHNN đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN bảo hiểm.

“Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, TP liên quan giám sát, chỉ đạo các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm đẩy mạnh hơn nữa triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm theo quy định; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, các DN bảo hiểm và các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chuẩn bị tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho giai đoạn triển khai tiếp theo”, ông Huyền nói.

Thực hiện Nghị định số 67 về hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, chính sách bảo hiểm cũng đã được các DN bảo hiểm tích cực triển khai.

Theo đó, tính đến 30/6/2016, đã có 28/28 tỉnh, TP ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.412 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên; tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng; đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.