| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 28/09/2021 , 07:36 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:36 - 28/09/2021

Bao nhiêu chốt chặn trên con đường bình thường mới?

Phải chăng, đã đến lúc TP.HCM cần có những thỏa thuận với các tỉnh xung quanh để tháo gỡ chốt chặn dày đặc trên các tuyến quốc lộ?

Ngày 1/10 trở thành một thời điểm quan trọng của người dân TP.HCM. Sau 4 tháng áp dụng các biện pháp giãn cách khác nhau, ai cũng mong đô thị lớn nhất phương Nam được mở cửa dần để quay lại ổn định sinh hoạt và mưu cầu sinh kế. Thế nhưng, để bình thường mới thì phải giải quyết những bất thường cũ.

Với tốc độ tiêm vacxin nhanh chóng và hiệu quả, đại đa số người dân TP.HCM đã tiêm một mũi hoặc hai mũi vacxin.

Sau thí điểm tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 thì con số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế và con số tử vong cũng thấp dần. Tuy nhiên, để tái khôi phục sản xuất thì TP.HCM không thể chỉ trông chờ vào những người dân đang sinh sống trên địa bàn, mà cần thêm lao động từ các tỉnh khác.

Bên cạnh các khu công nghiệp thì hệ thống thương mại dịch vụ tại TP.HCM hấp thụ một nguồn nhân lực rất đông đảo. Nhà máy mở cửa lại thì ai vận hành, công ty mở cửa lại thì ai giao dịch, cửa hàng mở lại thì ai buôn bán? Đó là câu hỏi mà doanh nghiệp băn khoăn và lo lắng.

Trong 4 tháng vừa qua, khi các rào chắn dựng lên để phong tỏa từng địa bàn hoặc cách ly từng khu phố, thì người lao động đã lũ lượt trở về các tỉnh để tránh dịch. Bây giờ, cách nào đưa lao động quay về TP.HCM an toàn?

Người dân TP.HCM có thể di chuyển trong vùng xanh và sử dụng thẻ xanh để di chuyển sang vùng vàng hoặc vùng cam, nhưng lao động ở các tỉnh thì gần như đang bế tắc trên hành trình quay lại TP.HCM để tiếp tục làm việc. Gần như các tuyến đường nối miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đều có chốt chặn được duy trì theo chỉ đạo riêng biệt của địa phương.

Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của đại dịch mà những tỉnh xung quanh TP.HCM cũng thực hiện kiểm soát đi lại rất nghiêm ngặt. Người lao động từ miền Trung làm sao vượt qua các chốt chặn ở Đồng Nai? Người lao động từ Tây Nguyên làm sao vượt qua các chốt chặn ở Bình Phước? Người lao động từ đồng bằng sông Cửu Long làm sao vượt qua các chốt chặn ở Long An? Chưa khi nào con đường trở lại TP.HCM đối với người lao động trở nên khó khăn như lúc này.

Đừng nghĩ rằng bình thường mới tại TP.HCM chỉ dành cho công dân TP.HCM. Con đường bình thường mới của đô thị lớn nhất phương Nam, chính là con đường trở lại làm việc của người lao động từ các tỉnh. Nếu bình thường mới ở TP.HCM mà không đạt được mục tiêu khôi phục sản xuất thì bức tranh kinh tế vẫn không có gì sáng sủa.

Phải chăng, đã đến lúc TP.HCM cần có những thỏa thuận với các tỉnh xung quanh để tháo gỡ chốt chặn dày đặc trên các tuyến quốc lộ? Những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vacxin ở các tỉnh, cần được tạo điều kiện thuận lợi để quay lại TP.HCM làm việc.

Đây là một chủ trương nên thống nhất rõ ràng, để khỏi xảy ra những rắc rối cho người lao động và ảnh hưởng đến nhân lực của các doanh nghiệp đang sốt ruột tái hoạt động trong cuộc sống bình thường mới.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm