| Hotline: 0983.970.780

Báo NNVN phối hợp tổ chức Hội nghị Tìm giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp

Thứ Năm 23/11/2023 , 18:37 (GMT+7)

Phát triển ngành nuôi biển biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp.

Theo thống kê, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Diện tích nuôi biển của nước ta năm 2022 đạt hơn 256.000ha. Ảnh: Hồng Thắm.

Diện tích nuôi biển của nước ta năm 2022 đạt hơn 256.000ha. Ảnh: Hồng Thắm.

Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NN-PTNT đặt ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngày 25/11/2023 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Văn phòng Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì. Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; các Bộ, ngành, địa phương; các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, bà con nuôi trồng thủy sản; và sự có mặt của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương.

Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Ảnh: STP Group.

Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Ảnh: STP Group.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta trong thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi trồng và chế biến hải sản; các hệ thống nuôi phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; sử dụng hợp tác quốc tế như phương thức chính thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp, được đào tạo, trang bị tốt và quản lý tốt…

Hội nghị được tổ chức với mong muốn là cầu nối để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan của nuôi biển hiện nay, từ con giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật nuôi, công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hợp tác quốc tế…; từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Đồng thời, hội nghị cũng tập trung bàn các giải pháp gỡ khó cho tôm hùm nuôi, nhất là mặt hàng tôm hùm bông đang bị “ách tắc” xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.