| Hotline: 0983.970.780

Không giao mặt nước, làm sao cấp mã vùng nuôi thủy sản?

Mòn mỏi chờ quy hoạch

Thứ Năm 23/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Hiện người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang mong mỏi quy hoạch vùng nuôi để an tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

Khu vực nuôi trồng rong sụn của STP Group trên vùng biển huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khu vực nuôi trồng rong sụn của STP Group trên vùng biển huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mong quy hoạch vùng nuôi

Tỉnh Quảng Ninh có đường bờ biển dài 250km từ TP Móng Cái đến TX Quảng Yên, với diện tích mặt biển khoảng 60.000ha; diện tích mặt nước ngọt có khả năng nuôi trồng thủy sản gần 13.000ha. 

Có thể nói, việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, chấm dứt hoạt động sử dụng tài nguyên biển trái phép để từng bước phát triển một cách ổn định. Đồng thời, đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng, hạ tầng giao thông thủy, bộ và hàng không đồng bộ, nằm trong quy hoạch hệ thống khu kinh tế ven biển quốc gia, có thị trường tiêu thụ lớn như thị trường Đông Bắc Á, vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực nội tỉnh. Đây là tiềm năng, lợi thế tạo tiền đề để phát triển bền vững ngành thủy sản. Đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao.

Tuy nhiên, kinh tế thủy sản của tỉnh Quảng Ninh hiện chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước còn chậm và tồn tại nhiều vướng mắc. 

Thực trạng cho thấy, quy hoạch nuôi trồng thủy sản hiện còn chồng chéo và thiếu ổn định. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề cá còn dàn trải, thiếu đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt là vùng biển ven bờ vẫn còn tình trạng đánh bắt mang tính chất hủy diệt.

Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm thủy sản ngày càng tăng, diện tích nuôi có lợi sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hóa và du lịch.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, không nên quá lạm dụng vào diện tích mặt nước biển của các địa phương mà quy hoạch tràn lan. Nên quy hoạch từng vùng nuôi, đối tượng nuôi cụ thể và ưu tiên cho những địa phương có tiềm năng, thế mạnh.

Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản còn có tâm lý e ngại đối với thủ tục hành chính. Do vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tập thể, hộ gia đình cá nhân nuôi trồng thủy sản biển nào được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định.

Tỉnh Quảng Ninh có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản mặn, lợ với diện tích khoảng 11.700ha. Mặc dù vậy, các địa phương này vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Khu vực nuôi hàu của HTX Rồng Biển (phường Tuần Châu, TP Hạ Long) thời điểm trước khi dỡ bỏ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khu vực nuôi hàu của HTX Rồng Biển (phường Tuần Châu, TP Hạ Long) thời điểm trước khi dỡ bỏ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Văn Tặng, HTX Rồng Biển (phường Tuần Châu, TP Hạ Long), chia sẻ, HTX viết đơn để đề nghị các cấp chính quyền xem xét, giải quyết việc cấp phép mặt nước cho các hộ dân trên địa bàn phường Tuần Châu và 69 thành viên của HTX Rồng Biển.

"Do không có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống, tháng 1/2022, các hộ dân quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho 144 dây phao HDPE và tiền con giống để nuôi hàu. Vì nuôi trồng thủy sản trái phép nên chúng tôi phải dỡ bỏ dần theo yêu cầu của UBND thành phố, trong khi phần lớn số tiền đầu tư vẫn chưa kịp thu hồi lại. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là TP Hạ Long sớm có điểm quy hoạch nuôi trồng thủy sản để các hộ dân yên tâm sản xuất", ông Tặng bộc bạch.

Khó cấp mã số vùng nuôi thủy sản

Ông Đỗ Đình Minh cho biết, thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thuộc về các địa phương, có địa phương thuê tư vấn lập đề án, có địa phương tự làm.

"Đề án chưa phê duyệt nên chưa thể tổ chức giao khu vực biển, mặc dù hiện nay trong tổng số gần 50.000ha mặt biển đã được Sở NN-PTNT rà soát, tích hợp với quy hoạch của tỉnh. Mấu chốt là phải phê duyệt được đề án (đi với bản đồ) và phương án (đi với sơ đồ) thì mới giao mặt nước, từ đó tiến tới cấp mã số vùng nuôi", ông Minh nhấn mạnh.

"Song song với đó, các tổ chức, HTX, doanh nghiệp bám vào diện tích đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh để lập hồ sơ xin cấp phép nuôi trồng thủy sản. Điều kiện để xin cấp phép nuôi trồng thủy sản bao gồm đơn, thuyết minh dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường và cuối cùng là sơ đồ. Yếu tố sơ đồ trích xuất từ bản đồ của địa phương, nếu chưa có thì chưa thể hoàn thiện hồ sơ", ông Minh chia sẻ. 

Tập đoàn STP đầu tư nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm trên vùng biển thuộc quy hoạch cấp phép nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tập đoàn STP đầu tư nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm trên vùng biển thuộc quy hoạch cấp phép nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bên cạnh đó, hầu như các địa phương còn vướng mắc ở khâu báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc thẩm quyền của ngành tài nguyên môi trường. Ngành tài nguyên môi trường căn cứ vào tình hình thực tế để biết đề án nào cần đánh giá tác động môi trường và đề án nào không.  

Theo ông Đỗ Đình Minh, hiện nay, quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ vẫn chưa hoàn thiện để trở thành các căn cứ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo quy định, phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3 - 6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; ngoài 6 hải lý do cấp Trung ương quản lý. Hiện chưa có đường triều kiệt nên không thể phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân. Ở Quảng Ninh hiện tồn tại khó khăn trong việc xác định từ bờ đến 3 hải lý, dùng đường triều kiệt thấp nhất trong nhiều năm để xác định nhưng tỉnh lại có chương trình lấn biển.

Đường triều kiệt phải ở ngoài bờ, tuy nhiên theo bản đồ của Bộ TN-MT có nhiều điểm ở bên trong. Hiện Quảng Ninh mới chỉ xác định được các đảo lớn thuộc tỉnh, riêng tại khu vực huyện Vân Đồn mới chỉ xác định được đối với khu đảo Cái Bầu, còn 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen chưa xác định được đường triều kiệt và đường 3 hải lý.

Các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng có cả ngàn người dân, có chính quyền nhưng lại nằm ngoài 6 hải lý, nếu muốn giao mặt nước cho dân lại phải thuộc thẩm quyền của Bộ, dù nó nằm ngay gần bờ của đảo. Giao cho dân để phát triển kinh tế hộ mà phải lên Bộ thì rất khó. Khi không giao được biển, người dân không thể đầu tư sản xuất.

Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức là rất cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức là rất cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Như vậy, việc tích hợp định hướng phát triển ngành thủy sản trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2023 - 2030 là căn cứ pháp lý của việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

“Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, chấm dứt hoạt động sử dụng tài nguyên biển trái phép, từng bước tiến tới cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy thủy sản phát triển bền vững, truy suất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản đúng với tiềm năng, giải pháp trước mắt, các địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển. Xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loại, xây dựng phương án giao khu vực biển theo Nghị định 11 của Chính phủ.

Dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích nuôi biển ở Quảng Ninh đạt hơn 9.200ha. Tổng sản lượng đạt 94.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2025 - 2030 là 9,6%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.