| Hotline: 0983.970.780

Báo Nông nghiệp Việt Nam đang đấu tranh cho lẽ phải và sức khỏe người dân

Thứ Tư 11/08/2021 , 16:05 (GMT+7)

Doanh nghiệp nuôi mấy ngàn con lợn trong trang trại không giấy phép, gây ô nhiễm môi trường. Báo Hà Tĩnh viết 'huyện Đức Thọ đã tích cực vào cuộc với giải pháp rõ ràng'.

Trước hết phải nói rằng, nếu Báo Nông nghiệp Việt Nam không lên tiếng kịp thời, đúng đắn về sự bức xúc của hàng ngàn người dân hai xã An Dũng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Thường Nga (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trước sự xem thường pháp luật của Công ty TNHH Khánh Giang thì liệu có cuộc làm việc hôm 9/8/2021 do UBND huyện Đức Thọ chủ trì với các ngành liên quan?

Báo cáo của UBND xã An Dũng khẳng định Công ty Khánh Giang xả thải trực tiếp ra môi trường.

Báo cáo của UBND xã An Dũng khẳng định Công ty Khánh Giang xả thải trực tiếp ra môi trường.

Vì sao? Vì người dân đã gửi đơn từ lâu kêu cứu thực trạng ô nhiễm môi trường tới mức không thể chịu đựng được đến các cấp chính quyền nhưng Công ty Khánh Giang vẫn tăng cường sản xuất, vẫn xây dựng chuồng trại. Đơn kêu cứu của người dân gửi đến chính quyền được đóng thành quyển.

Công ty Khánh Giang tự ý phá vỡ quy hoạch vùng chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh. Công ty Khánh Giang tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nuôi bò sang nuôi lợn khi chưa có đề án, dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư chăn nuôi lợn.

Ô nhiễm môi trường đã phủ kín cả khu công sở xã Thường Nga, Trạm Y tế và Trường Tiểu học, Trường Mầm non xã Thường Nga (Can Lộc); mùi hôi thối nồng nặc từ trang trại lợn Khánh Giang đã bao phủ lên đời sống của người dân các thôn Ngoại Xuân (An Dũng, Đức Thọ); Trà Liên, Văn Minh, Chùa Hội, Đất Đỏ và nhiều vùng lân cận của xã Thường Nga (huyện Can Lộc).

Việc làm coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe nhân dân của Công ty Khánh Giang là không thể chấp nhận được. Đã có hàng ngàn con lợn thương phẩm được công ty này tiến hành nuôi tại đây nhiều lứa trong 2-3 năm nay rồi. Họ nuôi từ chuồng cải tạo của chuồng gà; hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường rất tạm bợ, chất thải đổ trực tiếp ra môi trường.

Người dân kêu cứu từ thôn lên tỉnh nhưng việc xử lý của chính quyền sở tại mới chỉ là một vài động thái thăm dò, kiểm tra, chưa đủ sức răn đe cũng như chưa thực hiện việc xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây chính là căn nguyên để cho Công ty Khánh Giang tiếp tục vi phạm.

Phải chăng Công ty Khánh Giang che mắt quan chức địa phương? Nhưng xin thưa, họ không thể bịt được mũi của gần vạn dân cư sống nơi đấy đâu.

Chính quyền huyện Đức Thọ hôm 27/7 tổ chức kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì nhưng nội hàm cũng chỉ là đề nghị công ty di dời lợn và gợi mở việc hoàn thiện thủ tục pháp lý chứ không thể hiện tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật là xử lý các vi phạm do công ty này gây ra.

Chính quyền yêu cầu công ty di dời lợn ra khỏi địa bàn trước ngày 7/8 song đến hôm nay cả ngàn con lợn vẫn đang trong chuồng. Cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Đức Thọ là có vấn đề chứ không như Báo Hà Tĩnh nói là địa phương đã tích cực vào cuộc.

Việc UBND huyện Đức Thọ yêu cầu Công ty Khánh Giang hoàn thiện hồ sơ pháp lý lúc này khác nào tiếp tay cho những vi phạm trong bảo vệ môi trường. Mà đúng ra, UBND huyện phải lập biên bản xử phạt, đồng thời kiến nghị cấp trên xử lý một cách nghiêm khắc, trong đó có việc phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Khánh Giang mới đúng.

Cung cách làm việc thiếu trách nhiệm với sức khỏe người dân như thế của UBND huyện Đức Thọ mà Báo Hà Tĩnh vẫn cho rằng, họ đã tích cực vào cuộc và có các giải pháp rõ ràng. Tích cực mà để cho tình trạng ô nhiễm kéo dài mấy năm liền, dân tình kêu như thế. Giải pháp rõ ràng mà mấy ngàn con lợn hiện giờ vẫn còn trong trang trại và công ty vẫn đang tiếp tục xây dựng thêm chuồng nuôi như một sự thách thức với chính quyền. Vậy thì tích cực vào cuộc và giải pháp ấy là gì?

Đơn thư khiếu nại của người dân gửi lên chính quyền các cấp được đóng thành quyển dày cả chục trang. Ảnh: Tiến Phương.

Đơn thư khiếu nại của người dân gửi lên chính quyền các cấp được đóng thành quyển dày cả chục trang. Ảnh: Tiến Phương.

Đáng chú ý, đoàn công tác của Sở TN - MT, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vấn đề môi trường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác này nhưng khi xảy ra điểm nóng tại Khánh Giang thì cử một đoàn công tác do Trưởng phòng môi trường đến làm việc trong phòng lạnh. Cả đoàn hai chục con người không ra hiện trường kiểm tra để biết được mức độ và tính chất của vấn đề.

Vậy đoàn thừa hành chỉ đạo của lãnh đạo Sở về kiểm tra thực trạng ô nhiễm môi trường mà không ra thực địa thì không biết họ thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân như thế nào mà báo cáo với cấp trên?

Điều đó càng cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn và chính quyền huyện Đức Thọ đối với công việc được giao là làm chưa đến nơi đến chốn.

Nếu Báo Nông nghiệp Việt Nam không lên tiếng kịp thời, chỉ rõ những sai phạm của Công ty TNHH Khánh Giang và trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu địa phương - theo quy định của pháp luật là chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về bảo vệ môi trường thì liệu rằng, UBND huyện Đức Thọ có tổ chức cuộc làm việc hôm 9/8 để đưa ra kết luận rằng, Công ty TNHH Khánh Giang đã sai hoàn toàn không?

Đặc biệt, trước thực trạng ô nhiễm môi trường của nhiều trang trại lợn trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở báo cáo rà soát của Sở NN- PTNT, ngày 6/8 (sau 2 ngày Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có ngay ý kiến chỉ đạo nêu rõ: Tạm thời chưa phát triển các mô hình chăn nuôi lợn vì có nhiều điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu tuyệt đối không được đề xuất các cơ sở chăn nuôi lợn phát sinh trong giai đoạn này. 

Điều đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại lợn trên địa bàn tỉnh đến mức độ nào rồi. Hỏi chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã đã tích cực vào cuộc chưa, đâu là giải pháp rõ ràng để giúp cho tỉnh quản lý tốt vấn đề môi trường?

Việc Báo Hà Tĩnh công kích một tờ báo đang đấu tranh cho lẽ phải và quyền lợi chính đáng cho người dân, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh và môi trường sống cho người dân là vì điều gì?

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.