Truyền thông chuyên sâu và đa dạng hình thức
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Đồng Tháp tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong ngành NN-PTNT, góp phần lan tỏa các thông tin tốt, cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt tuyên truyền thông tin về mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm; Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn hiện đại và nông thôn văn minh; Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống, nâng cao vai trò của người tham gia sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng.
Từ đó, tạo chuyển biến tích cực đến người dân, bà con chủ động hơn trong quá trình sản xuất, nắm được thông tin thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp. Đóng góp vào phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Đồng Tháp chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm OCOP của tỉnh và 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực: lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen.
Ông Lê Quốc Điền mong muốn Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện tuyên truyền một cách bài bản, chuyên sâu, đa dạng dưới nhiều hình thức, nhiều kênh. Mang tính cập nhật, tin cậy, định hướng, tạo sự lan tỏa rộng lớn góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành nông nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm khác của tỉnh Đồng Tháp.
Chiến lược truyền thông trong nông nghiệp để lan tỏa
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL, đưa ra 4 trọng tâm như: tập trung thông tin tuyên truyền tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL, các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Phối hợp triển khai, nhân rộng mô hình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đồng hành và đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các HTX, phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp trong kết nối nông dân với doanh nghiệp. Hợp tác và liên kết vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng: Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp; chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp; chương trình khuyến nông cộng đồng; chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo; quản lý Nhà nước và dịch vụ công ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Triển khai kịp thời đến nông dân, doanh nghiệp, HTX các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, hoa kiểng, cá tra, sen, xoài; các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng nhấn mạnh: "Truyền thông lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ rất quan trọng. Truyền thông nông nghiệp là cả một chiến lược dài hơi. Qua đó, định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.
“Thời gian qua Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nỗ lực triển khai truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu. Thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, nhiều kênh tuyên truyền; mang tính cập nhật, tin cậy, định hướng, tạo sự lan tỏa rộng lớn góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, với những nội dung và mục tiêu đặt ra rất cụ thể trong thỏa thuận hợp tác với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, Báo Nông nghiệp Việt Nam – Văn phòng đại diện khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục truyền thông sâu rộng và mong muốn 2 đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ để đưa các thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến người đọc, người xem, người nghe một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL, khẳng định.