Chương trình ký kết hợp tác giữa hai đơn vị đã mở ra giai đoạn mới cho hoạt động thông tin tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội giai đoạn tới.
Sóc Trăng được xem là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng. Một vùng sản xuất lúa gạo trù phú, làm chủ thương hiệu gạo ST24, ST25 được mệnh danh ngon nhất thế giới. Cũng từ vùng đất này, người dân đã hình thành và phát triển các mô hình nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn của cả nước. Khai thác giá trị văn hóa đặc sắc, các dân tộc ở Sóc Trăng cùng hội tụ đủ xây dựng phát triển nên những mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với khai thác giá trị kinh tế biển. Trồng rừng, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Tất cả những giá trị đó, thông qua công tác thông tin truyền thông đã lan tỏa mạnh mẽ đến các đại bộ phận người dân trong tỉnh và cả nước.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá, công tác tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng để truyền tải thông tin tới các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và toàn thể người dân.
Đặc biệt thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp tốt với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, nhất là Báo Nông nghiệp Việt Nam lan tỏa các thông tin tốt, cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đã tạo chuyển biến tích cực đến người dân, bà con chủ động hơn trong quá trình sản xuất, nắm được thông tin thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp. Đóng góp vào phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp nối thành công đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực ĐBSCL cho rằng, truyền thông lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng và là một chiến lược dài hơi.
Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nỗ lực triển khai hoạt động truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu, đa dạng dưới nhiều hình thức. Các thông tin mang tính cập nhật, định hướng, tạo sự lan tỏa rộng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng mong muốn, thời gian tới 2 đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ, để đưa các thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến người đọc, người xem một cách hiệu quả nhất.
Truyền thông lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ rất quan trọng. Truyền thông nông nghiệp là cả một chiến lược dài hơi.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã tin tưởng, sau hoạt động ký kết hợp tác, các vấn đề thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với tinh thần đó, ông Nhã đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng NN-PTNT các huyện, phòng kinh tế thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xây dựng các chương trình phối hợp, triển khai hiệu quả việc hợp tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, hai đơn vị đã phối hợp xây dựng kế hoạch truyền thông tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền bám sát theo định hướng Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố. Phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Thông qua công tác thông tin, truyền thông sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Xây dựng các sản phẩm chủ lực gắn với các lĩnh vực nông, lâm sản, thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối.
Phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp dựa vào nguồn nước gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ. Kịp thời cung cấp thông tin và tham mưu, đề xuất các chương trình dự án liên quan tới chủ trương phát triển ngành NN-PTNT, tác động của các cơ chế, chính sách của ngành đối với sự phát triển vùng ĐBSCL.