Cùng với thủy sản thì khu vực lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh cũng bị thiệt hại rất lớn. Sau trận bão lịch sử vừa qua thì hầu hết các tuyến cây xanh đô thị đều bị bật gốc, gãy đổ.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra trên những cánh rừng. Thống kê sơ bộ từ các địa phương, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 53.840 ha rừng trồng bị tàn phá.
Trên những cánh rừng vốn xanh ngắt một màu, nay chỉ còn trơ lại những thân cây bị bẻ gãy. Người trồng rừng xót xa, bởi phía sau sự tàn phá của thiên nhiên là cả cơ nghiệp của bao nhiêu hộ trồng rừng.
Anh Trịnh Xuân Thủy, một hộ dân có 15 ha cây keo trồng tại xã Tân Dân, thành phố Hạ Long cho biết, ở miền núi Quảng Ninh, bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng và cây keo là chủ đạo.
Trận bão số 3 vừa qua đã khiến hầu hết các vườn cây keo bị gãy đổ. Hộ ít thì 1 - 2 ha, hộ nhiều thì vài chục ha, giá trị khai thác sau khi trừ chi phí khoảng 60 triệu/ha. Tính ra, nhà ít mất vài chục triệu, nhà nhiều mất cả chục tỷ đồng.
"Hiện giá keo đang giảm theo từng ngày, từng giờ. Tôi cập nhật được là giá keo khai thác bán cho các xưởng phay keo trong ngày 14/9 chỉ còn 700 - 800.000 đồng/1 tấn với loại gỗ keo từ 4 - 5 năm tuổi trở lên, loại gỗ keo 2 - 3 năm chỉ được 500 - 600.000 đồng/1 tấn hoặc thậm chí xưởng họ không thu mua. Giá keo giảm nhiều lần so với trước đây. Trước bão, giá 1 tấn keo dao động khoảng 1.100.000 đồng - 1.300.000 đồng/1 tấn", anh Thủy cho hay.
Anh Thủy nhìn nhận rằng việc mua bán giữa doanh nghiệp và người dân là "thuận mua vừa bán" nhưng giá như vậy chỉ đủ trả chi phí thuê nhân công, vận tải, dọn nương, ...còn chủ rừng gần như trắng tay, không còn vốn đầu tư cho vụ tới.
"Keo lần này gãy hết, các xưởng phay dăm keo phải cần nguồn cung cấp thường xuyên. Giờ tất cả cùng bán keo thì sau 1 - 2 tháng nữa sẽ không còn nguồn cung, chắc chắn họ sẽ tính bài dự trữ hàng tồn để bán kiếm lãi gấp nhiều lần nhưng keo để trên rừng càng lâu càng khô sẽ mất đi giá trị", anh Thủy phân tích.
Với tình trạng như vậy, trong một vài năm tới người dân sẽ không còn cây gỗ keo để bán, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở băm phay gỗ keo khan hiếm nguồn cung, các chủ phương tiện vận tải sẽ không có hàng hóa để chở,... đây là bài toán rất nan giải!
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều hộ dân trồng keo kiến nghị Sở Công thương, UBND tỉnh Quảng Ninh sớm có phương án hỗ trợ người dân trong thời điểm này để giải quyết vấn đề cấp bách, ổn định cuộc sống người trồng rừng.
Thứ nhất, tìm đầu ra cho cây gỗ keo của người dân bị thiệt hại sau bão với giá cả hợp lý.
Thứ hai, trong thời gian tới (sau khi khai thác xong gỗ keo) có chính sách hỗ trợ nguồn cây giống, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất để tái trồng rừng.
Thứ ba, trong thời gian từ 1 đến 4 năm tới, người dân ở những vùng này sẽ không có công ăn việc làm từ vườn rừng sản xuất (chủ vườn không có gỗ nguyên liệu để bán, công nhân khai thác cũng không có việc làm, xe vận tải không có hàng chở...). Vì vậy, chính quyền địa phương cần có phương án tạo công ăn việc làm cho bà con.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có khoảng gần 54.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng do bão Yagi, trong đó nặng nhất là Vân Đồn 16.161ha; Ba Chẽ 10.000ha; Hạ Long 8.370ha; Tiên Yên 6.393ha. Sở NN-PTNT nhận định con số diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 sẽ tăng thêm khi các địa phương trong tỉnh có con số thống kê chính xác. Cùng với đó, việc người dân trồng lại rừng sau thiệt hại của bão sẽ tăng suất đầu tư, do mất thêm chi phí thu dọn cây gãy đổ để chuẩn bị diện trồng rừng. Và điều quan trọng là trong vòng 4-5 năm tới, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.