| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn biển thiếu đủ thứ: Ngồi kêu cũng không được

Thứ Tư 20/09/2023 , 09:09 (GMT+7)

'Phải đặt bối cảnh thiếu đủ thứ thì có làm được gì không, chứ ngồi kêu cũng không được', PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nói.

Bảo tồn biển là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng “4 thiếu”, gồm thiếu kinh phí, thiếu con người, thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu thẩm quyền. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) cho rằng, “4 thiếu” không phải là câu chuyện riêng của lĩnh vực bảo tồn biển mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) nói: '4 thiếu' không phải là câu chuyện riêng của lĩnh vực bảo tồn biển mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) nói: “4 thiếu” không phải là câu chuyện riêng của lĩnh vực bảo tồn biển mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo ông Hùng, một số khu bảo tồn biển được quan tâm, Bộ NN-PTNT chỉ đạo thì cũng đã và đang đầu tư về con người, kinh phí, xây dựng kế hoạch để triển khai. Ví dụ như Vịnh Nha Trang, sau một thời gian bị hủy hoại rạn san hô ở khu vực này thì TP. Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực quan tâm. Đây là một tín hiệu tốt, sự nhận thức của UBND các tỉnh, một số tỉnh để làm tốt hơn, thấy được vai trò, vị trí của hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản đối với phát triển kinh tế biển bền vững trong thời gian vừa qua.

"Tuy nhiên, nếu nhìn mặt bằng chung của các địa phương khác thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chúng ta có quy hoạch rồi, Thủ tướng ban hành rồi, có quyết định rồi nhưng không thành lập được, vì không sinh ra bộ máy, không thêm biên chế, như vậy là con người không có, bộ máy không có thì làm sao mà quản lý được”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng: “Việc trước hết là phải đảm bảo được yêu cầu tối thiểu mà đây là trách nhiệm của UBND tỉnh mà Thủ tướng đã chỉ đạo bằng Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển rồi. Vấn đề kinh phí đó cũng chính là cơ sở hạ tầng; cơ sở hạ tầng thiếu, tàu không có, có những khu bảo tồn biển còn không được đầu tư một con tàu để tuần tra, kiểm soát thì làm sao mà thực thi pháp luật được. Trong khi đó, ban quản lý khu bảo tồn biển là một đơn vị sự nghiệp cũng không có thẩm quyền mà xử phạt. Đã không có tàu, không có thẩm quyền xử phạt thì làm sao đây? Không có kinh phí, phối hợp với các lực lượng khác cũng rất khó khăn, bản thân mình còn không làm được huống hố còn phải đi phối hợp”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: “Chúng ta đều biết hệ thống 16 khu bảo tồn biển Việt Nam, trừ khu bảo tồn trong quy hoạch của Thủ tướng năm 2010 ở Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; Khu bảo tồn Bạch Long Vỹ ở xa, còn hầu hết đại đa số nằm ở ven bờ nên chịu tác động rất mạnh của các hoạt động phát triển ở vùng duyên hải cũng như ở các lưu vực sông”.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói: Kinh nghiệm trong thực tiễn vừa qua, địa phương nào quan tâm thì khu bảo tồn ở đấy phát triển. Ảnh: Hồng Thắm.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói: Kinh nghiệm trong thực tiễn vừa qua, địa phương nào quan tâm thì khu bảo tồn ở đấy phát triển. Ảnh: Hồng Thắm.

“Khoảng 40 - 70% tác động đến các khu bảo tồn của Việt Nam bắt đầu từ đất liền, vì thế rất cần sự phối hợp liên ngành trong bảo tồn biển để làm sao giảm thiểu sự tác động của sự phát triển đến chính ‘số phận’ của các khu bảo tồn, để cứu lấy các khu bảo tồn. Giữ được các khu bảo tồn tức là phát triển bền vững kinh tế, giữ được nguồn vốn tự nhiên, giữ được kho chứa CO2 để giảm thiểu được tác động khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu. Các khu bảo tồn biển có ý nghĩa lớn lắm, nhưng nó cũng đang chịu tác động rất lớn, xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển vẫn đang tồn tại”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay, kinh nghiệm trong thực tiễn vừa qua, địa phương nào quan tâm thì khu bảo tồn ở đấy phát triển. Ví dụ đầu tiên là Khánh Hòa, sau đó có những nốt trầm và bây giờ đang bắt đầu khôi phục lại theo đúng ý nghĩa của nó để thực hiện kế hoạch phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030. Thế rồi sau này thấy rằng Quảng Nam và Hội An quan tâm thì lập tức khu bảo tồn Cù Lao Chàm phát triển. Có một thời Quảng Ninh rất quan tâm thì di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cũng phát triển, sống nhờ vào nó, ‘lấy mỡ nó rán nó” hay có thể nói là bắt đầu nhen nhóm hình thành được một nền kinh tế dựa vào những giá trị bảo tồn.

Du khách thích thú với dịch vụ đi bộ dưới biển ngắm san hô ở Nha Trang. Ảnh: Hồng Thắm.

Du khách thích thú với dịch vụ đi bộ dưới biển ngắm san hô ở Nha Trang. Ảnh: Hồng Thắm.

“Tôi cho rằng, ‘4 cái thiếu’ của bảo tồn biển như đã đề cập ở trên phải có một cái thiếu rất quan trọng, cần phải nhận diện và mang tính bao gồm, đó là thiếu sự phối hợp liên ngành. Nếu chúng ta không giải quyết tốt cơ chế phối hợp liên ngành thì không huy động được nguồn lực. Mà không huy động được nguồn lực thì ‘4 thiếu’ trên chỉ ngồi mà kêu trời thôi”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, khi mà bảo tồn được thì các doanh nghiệp vào khai thác du lịch, khai thác nhiều thứ. Để giảm thiểu xung đột lợi ích, phải chỉ mặt những doanh nghiệp khai thác sử dụng vùng biển đó chính là những người sử dụng biển và nguyên tắc phải đóng thuế đủ để tái sản xuất, tức là để bảo tồn thì lúc đó mới có nguồn lực, có nguồn vốn thiên nhiên mà ăn mãi được.

“Anh ăn hết hôm nay ngày mai nó lại phục hồi nhờ đóng góp của anh, chứ còn như bây giờ, doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, người dân địa phương người thì thừa nhưng nhận thức lại thiếu, thế rồi cơ chế thiếu để cho người ta tham gia vào thì 7 người chứ 30 người cũng không kiểm soát được, chưa nói rằng còn có tiêu cực nếu nó xảy ra. Chính vì thế nên một số địa phương cần phải hành động ngay để giải quyết những vấn đề trước mắt. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đặt bối cảnh thiếu đủ thứ thì có làm được gì hay không chứ ngồi kêu cũng không được”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.