| Hotline: 0983.970.780

Chặt một cây rừng có thể rũ tù, phá tan lòng biển lại không ai biết

Thứ Năm 15/06/2023 , 13:57 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam loạt bài 'Những khu rừng dưới đáy biển đang cháy rụi'.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năng suất đánh bắt một mẻ lưới giảm khoảng 8-20 lần

Ông bắt đầu gắn bó với nghề nghiên cứu biển ra sao?

Từ khi tốt nghiệp đại học, đã 49 năm tôi gắn bó với biển, giờ vẫn còn gắn bó. Dường như vị mặn của biển đã ngấm vào trong máu tôi rồi. Tôi vẫn nghiên cứu, cập nhập thông tin và phân tích, đánh giá để có cơ sở tham gia vận động và tư vấn chính sách.

Tiến trình lịch sử bảo tồn biển của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Về đại thể, có thể nói vấn đề bảo tồn xưa kia ít được đề cập. Vì, thứ nhất, sự can thiệp của khoa học - kỹ thuật vào khai thác tài nguyên biển cũng hạn chế, làm thủ công nên ít gây tác động. Thứ hai, xưa kia biển cả còn giàu có nên người ta ít để ý đến bảo tồn biển. Đó cũng là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam có thể lệch pha, chậm hơn nhưng không ngoài xu hướng chung đó. Nói nôm na, khi có cái để ăn thì người ta không nghĩ đến chuyện phải giữ.

Bài liên quan

Xưa dân số ít, khai thác thủ công, giản đơn là chính, nhưng có chọn lọc theo kinh nghiệm nghề nghiệp nên một cách vô tình hay hữu ý lại là cách an toàn cho sinh thái, cho môi trường. Nghĩ đến chuyện bảo tồn hồi ấy là một chuyện xa xỉ.

Ở Việt Nam, từ thời thuộc Pháp đã có Hải học Viện (nay là Viện Hải dương học) tại Nha Trang, là cơ sở nghiên cứu khoa học biển đầu tiên của toàn Đông Dương. Tháng 9 năm ngoái Viện này tròn 100 tuổi. Còn ở miền Bắc, nước ta hợp tác với Trung Quốc để điều tra tổng hợp biển ở vịnh Bắc Bộ theo hai giai đoạn: năm 1959-1961 và 1962-1964.

Chủ yếu là điều tra về tình hình, trữ lượng, phân bố, di biến động của nguồn lợi biển để khai thác là chính. Sau thống nhất đất nước, Chương trình biển đầu tiên là điều tra vùng biển Thuận Hải - Minh Hải, lúc đó thuộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau ngày nay.

Bấy giờ cũng chỉ tập trung đánh giá tình hình nguồn lợi thủy sản và phân bố tài nguyên sinh vật biển, kể cả con ăn được cũng như con không ăn được, phục vụ mục đích về kinh tế - xã hội.

Đến năm 80 của thế kỷ trước, ý thức về bảo tồn biển mới manh nha từ các nhà khoa học biển; bắt đầu từ Viện Khoa học Việt Nam, trong đó có Viện nghiên cứu biển ở Hải Phòng mà tôi làm việc khi đang tuổi thanh xuân.

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản chuẩn bị lặn khảo sát ở khu vực biển Lăng Cô, Huế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản chuẩn bị lặn khảo sát ở khu vực biển Lăng Cô, Huế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biển ngày xưa giàu có như thế nào, ông có thể kể một kỷ niệm về nó?

Chuyến điều tra tổng hợp vùng biển ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng trong các năm 1975-1980, lúc đó ở vịnh Hạ Long hay ở quần đảo Đầu Bê phía ngoài quần đảo Cát Bà, rồi quần đảo Long Châu bằng mắt thường cũng có thể thấy trong những vực nước nông, tùng, áng cá tôm bơi đầy, hải sâm và rong tảo nhiều lắm. Những bãi đặc sản như Áng Vẹm nơi có toàn vẹm xanh, rồi Áng Thảm lúc đó toàn rong tảo, cỏ biển kèm theo cả bò biển.

Năm 1995 khi quốc tế chọn Hòn Mun trong vịnh Nha Trang tổ chức cuộc thi chụp ảnh dưới nước, anh Nguyễn Huy Yết - nhà khoa học của viện tôi tham gia và được giải nhì. Khi anh lặn xuống chụp ảnh, cá rạn san hô đủ màu sắc bơi xung quanh người, mật độ dày đặc, độ phủ san hô cao. Rồi những bức ảnh chụp dưới đáy biển khi lặn khảo sát ở Trường Sa năm 1989, đúng như tranh, ảnh chụp về đại dương của quốc tế, cá rạn san hô bơi đặc, ken vào thành đàn, đủ các màu.

Bài liên quan

Thời ấy, những khu rừng ngập mặn thẳng tầm mắt, một màu xanh mướt về phía biển xa. Sáng ra, chúng tôi không kịp tập thể dục vì phải đi lấy mẫu sớm, ở rìa rừng ngập mặn chắp tay lại thành cái tù và hú một tiếng để cho đàn chim bay lên như một hình thức giải trí và để chụp làm ảnh tư liệu. Những bãi triều rộng lớn, lội xuống bùn là giẫm phải vài con ngao, ngán, sò huyết, sò lông ngay.

Trữ lượng những mẻ lưới khi đó rất lớn. Giờ năng suất đánh bắt của một mẻ lưới và khai thác một đơn vị sinh thái ở biển đã giảm khoảng 8-20 lần so với trước năm 1980. Trữ lượng cá biển nay cũng giảm sút khoảng 14-16% so với trước năm 2010. Vị trí các bãi cá cũng di biến động do mất nền tảng hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Biển đã cạn kiệt như vậy đấy. 

San hô ở một đáy biển, chụp tại thời điểm cách đây hơn 10 năm. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

San hô ở một đáy biển, chụp tại thời điểm cách đây hơn 10 năm. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Sau mấy năm phá đã không còn gì

Hoàn cảnh cái câu ông nói “Chặt một cây rừng có thể rũ tù nhưng phá tan lòng biển gây thiệt hại nhiều lần lại không ai biết” như thế nào?

Khoảng những năm 80, dựa trên kết quả nghiên cứu về khoa học biển, sinh thái biển Việt Nam mới xác định khoảng 20-22 địa điểm ở những vùng biển nông ven bờ và ven các đảo là có tiềm năng bảo tồn cao. Đa dạng sinh học biển của Việt Nam thuộc vào loại cao trên thế giới, là một trong những trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Ở xứ sở nhiệt đới ấm nóng, đa dạng sinh học biển gắn rất chặt với rạn san hô. Cho nên, có thể nói có rạn san hô là có thủy sản, có thủy sản mới có nghề cá và kinh tế biển, có nghề cá mới có ngư dân và có ngư dân mới có lực lượng bám biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nên, đôi khi, bảo vệ được rạn san hô cũng là góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đến năm 1994, 1995 Tổ chức WWF hỗ trợ và hợp tác với Viện chúng tôi về bảo tồn biển và đã giúp đào tạo một nhóm lặn biển (Diving SCUBA) để nghiên cứu khoa học biển. Trong số 20-22 địa điểm biển có tiềm năng bảo tồn cao đã chọn ra khoảng 16 khu có thể thiết lập thành khu bảo tồn biển. Đến năm 1998 - 1999, chúng tôi được giao làm luận cứ để quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam, nhưng khi trình lên Chính phủ thì bị trả lại vì chưa xác định được cơ quan nào được giao việc này. Khái niệm bảo tồn biển khi đó mới đến mức như thế.

Đáy biển cách đây hơn 10 năm, nhiều nơi vẫn còn khá phong phú. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Đáy biển cách đây hơn 10 năm, nhiều nơi vẫn còn khá phong phú. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Cho đến năm 2003, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các khu bảo tồn biển cho Bộ Thủy sản, lúc đó tôi đã chuyển về Bộ Thủy sản làm Phó Viện trưởng và năm 2004 làm Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Khi đi khảo sát để thẩm định lại hồ sơ của 16 khu bảo tồn biển đề xuất năm 1999 thì độ phủ san hô ở các địa điểm khảo sát trước đó đạt khoảng 60-70% (Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Cù Lao Tràm, Côn Đảo…). Nhưng chỉ vài năm sau, đồng nghiệp thông báo cho tôi rằng: “Anh ơi, ngày ấy các anh khảo sát còn đẹp như thế, giờ không còn cái gì nữa".

Sự suy giảm nhanh chóng đó có nguyên nhân chính là đánh mìn và dùng xyanua bắt tôm hùm làm san hô nhiễm chất độc. Cách thức đánh bắt hủy diệt này do ngư dân ta bắt chước ngư dân nước khác, hủy diệt biển rất nhanh. Khi đó tôi là chủ nhiệm đề tài, quan điểm chung là phải bảo tồn những địa điểm đang có tiềm năng bảo tồn cao, nhưng những địa điểm đã từng có tiềm năng bảo tồn cao nhưng bị suy thoái (điểm nóng về đa dạng sinh học biển) thì phải phục hồi và cũng phải bảo tồn ngay lập tức. Chậm bao nhiêu là bị mất đi bấy nhiêu nên phải cố mà giữ.

Những khu rừng dưới đáy biển như thế này giờ phần lớn đã bị hủy hoại. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Những khu rừng dưới đáy biển như thế này giờ phần lớn đã bị hủy hoại. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Quy hoạch và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển là một cách pháp lý hóa việc bảo tồn biển, bởi càng thả lỏng thì càng mất nhanh. Dù chưa có thể quản lý hiệu quả ngay khu bảo tồn biển nhưng “nhốt” nó vào cái “lồng pháp lý” vẫn còn tốt hơn là để tự do. Tôi nhớ, năm 1995 đã viết một bài “Nhìn lại vấn đề sử dụng dải ven biển Việt Nam” đăng trong Tạp chí Hoạt động Khoa học. Theo đó, tôi thấy rằng, vùng ven biển (trên đất liền) và vùng biển ven bờ (dưới biển) là những vùng tương tác với nhau, nhưng người ta đang không hiểu rõ bản chất của vùng sinh thái đặc thù này, nên đã khai hoang lấn biển đồng nhất ở các khu vực ven biển có bản chất và tiềm năng khác nhau, và đã dẫn đến sự suy thoái nhanh như thế nào.

Để khai hoang lấn biển diện tích tương ứng với một xã thì chỉ ông chủ tịch huyện ký là xong, trong khi để đổi tên, điều chỉnh ranh giới một xã, thậm chí còn bé hơn vùng khai hoang đó, lại phải đưa ra đến Quốc hội. Về khía cạnh luật pháp, trên đất liền chặt một cây rừng có thể rũ tù, nhưng phá tan lòng biển gây thiệt hại nhiều lần, nhiều mặt, lại không ai biết. Đó là sự bất cập về cơ chế và chính sách quản lý vùng ven biển…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đất nước ta ba phần nước, một phần đất, ở trên đất liền rất dễ để phát hiện một cái cây bị chặt, một quả đồi bị cạo trọc, nhưng ở dưới biển, bị che phủ bởi mặt nước nên không phải là dư luận bàng quan đâu nhưng không biết thông tin đáy biển đã bị phá hủy như thế nào. Vừa rồi loạt bài “Những khu rừng dưới đáy biển đang cháy rụi” của Báo Nông nghiệp Việt Nam mới bắt đầu chạm vào những thông tin kiểu này. Trong khi đó, giới khoa học biển đã biết về điều này từ lâu mà tại sao dư luận lại không biết thưa ông?

Thực ra bây giờ những bản tin cập nhật về tình hình biển chủ yếu phản ánh qua các nhà khoa học, qua các kết quả nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học lại chủ yếu công bố kết quả nghiên cứu trong các tạp chí chuyên ngành, nên nó không đến được với công chúng, thậm chí ngay cả các nhà khoa học “không yêu biển” vì có thể phải bươn chải để kiếm sống. Công tác báo chí truyền thông về biển vẫn còn rất ít. Vừa rồi ta giành nhiều thời lượng, bút mực làm tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, còn tuyên truyền sâu về tài nguyên và môi trường biển thì mãi tới năm 2010, khi có Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Khi triển khai những chương trình kiểu như vậy người ta cũng chỉ nói về chủ đề chủ quyền, và những người được mời đi nghe cũng chỉ muốn nghe về chủ quyền bởi trách nhiệm, sốt ruột và sự tò mò. Những thông tin về tài nguyên và môi trường biển nói thì nói nhưng chỉ như gió thoảng qua, người nói không đủ sâu, người nghe không vào tai.

Bài liên quan

Cho nên khi Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển yêu cầu phải phát triển trên nền tảng kinh tế biển xanh thì nhìn lại “nền tảng” chỉ thấy một bức tranh đã tối mất rồi. Không phải là chỉ gỡ thẻ vàng cho nghề cá đánh bắt theo yêu cầu của EC mà Việt Nam cần phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Đó là nhu cầu của chính chúng ta, đừng chờ EC giơ thẻ vàng rồi mới làm, mà làm cũng chỉ để cố gỡ thẻ vàng theo cách mà ta nghĩ. Gỡ thẻ vàng là gỡ chuyện đánh cá bất hợp pháp ở nước ngoài, còn đánh cá bất hợp pháp ở trong nước đang xảy ra thì sao? Và khi ngư dân nghiêm túc chấp hành rồi thì biển Việt Nam có cá không để họ đánh? Ai chuyển đổi nghề nghiệp cho họ? Ai là người bảo vệ hiệu quả các khu bảo tồn biển? Chính sách đặc thù cho ngư dân để vừa tham gia làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo có không? 

Rất nhiều điểm nghẽn và chuyện ngư dân tái vi phạm khai thác IUU ở nước ngoài (dù họ biết là mình sai) sẽ khó tránh, dù ngư dân biết đi như thế là trứng nước, là nguy hiểm và có thể bị bắt. Ngư dân ra nước ngoài đánh cá đều là những loài cá mục tiêu (Target species), có giá trị kinh tế cao, dễ xuất khẩu. Ở biển Việt Nam những loại cá đó rất hiếm, ngay cả là cá ngừ, cứ tưởng có nhiều, nhưng thực tế khoảng 80% các nhà máy chế biến thủy sản ở miền Trung là nhập cá ngừ về để chế biến.

San hô chết hàng loạt. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

San hô chết hàng loạt. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Trong khi gỡ thẻ vàng, các giải pháp hiện chỉ là hành chính và chỉ tập trung vào đối tượng ngư dân, cơ quan quản lý “ngồi im”. Bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đâu phải việc chính của ngư dân? Các ban bệ được thiết lập nhưng bảo tồn được đến đâu rồi và làm thế nào để ngăn cấm, tiến tới loại bỏ hiện tượng đánh bắt cá hủy diệt, xem ra vẫn là những câu hỏi không dễ trả lời.

Trong quá trình lặn biển cùng các nhà khoa học, tôi thấy tình trạng biển như hiện nay một phần do ngư dân đánh bắt hủy diệt, một phần do các hoạt động trên bờ do xả chất thải, rác thải?

Tất cả 16 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch, trừ khu bảo tồn biển Nam Yết ở huyện đảo Trường Sa, rất xa và ở phía Bắc xa nhất là Bạch Long Vĩ, ở phía Nam xa nhất là Côn Đảo, còn lại đều nằm sát bờ và ven đảo nơi đông dân cư, và hoạt động kinh tế phát triển sôi động.

Cho nên, khoảng 40-70% tác động đến các khu bảo tồn biển mà chúng ta kỳ vọng, đều xuất phát từ đất liền. Nếu 16 khu bảo tồn biển này được quản lý hiệu quả, thì không chỉ là những “mẫu chuẩn sinh thái biển”, mà còn tạo hiệu ứng phục hồi nguồn lợi bên trong khu bảo tồn, và gây hiệu ứng phát tán ra toàn vùng biển bền ngoài, duy trì cân bằng sinh thái toàn vùng biển Việt Nam.

Nhưng do không bảo tồn được như mong muốn, hiệu quả bảo tồn rất thấp, trong khi diện tích vùng biển được bảo tồn thực sự cũng thấp, thành thử hiệu quả quản lý chung (theo đánh giá các năm 2015-2018 của IUCN xét theo 5 tiêu chí) khu bảo tồn biển ở Việt Nam chưa cho hiệu quả đích thực.

Tình trạng bảo tồn xấu đi, cá tôm “không còn nữa”, ô nhiễm từ đất liền theo sông suối ra biển ngày càng nhiều, rừng ven biển thì mất. Những giải pháp tiên tiến trên thế giới đều không áp dụng hoặc đã thử nghiệm nhưng không duy trì được, hết dự án thì lại “về mo”.

Đáy biển trống trơn như trên mặt trăng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng).

Đáy biển trống trơn như trên mặt trăng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng).

Toàn luật “phá”, ít luật “xây”

Tại sao trên rừng khung pháp lý tương đối chặt, và có từ lâm tặc để chỉ đối tượng phá rừng, còn dưới biển lại không có khung pháp lý đủ mạnh, không có từ hải tặc để chỉ đối tượng tàn phá biển? Không có vụ truy tố nào?

Đúng là không có vụ truy tố nào về tàn phá biển cả. Ở trên rừng có Luật bảo vệ rừng, sửa đổi rất nhiều lần nhưng dưới biển gần đây mới có. Biển tiềm năng giàu có, nếu quy đổi còn giàu có hơn rừng nhiều, ngay cả việc thu giữ CO2 để giảm nhẹ biến đổi khí hậu thì biển cũng là một phương thức toàn cầu. Không thể giảm thiểu được CO2 nếu không chôn CO2 xuống các địa tầng rỗng dưới đáy biển/đại dương, nếu không phục hồi được thảm thực vật đáy biển/đại dương và thực vật phù du bởi khả năng thu CO2 của chúng quá lớn. Đó là vấn đề tương lai của loài người, là di sản của nhân loại nhưng chúng ta không nhận thức được xứng tầm nên không có một luật riêng cho bảo tồn biển.

Ngư dân đang lặn bắt ốc. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng).

Ngư dân đang lặn bắt ốc. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng).

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015) lại không đề cập riêng đến hệ thống bảo tồn biển, mà hệ thống này chỉ được đưa vào Luật Thủy sản (2017) và cả Luật Đa dạng sinh học (2009). Trong các chiến lược, kế hoạch đa dạng sinh học quốc gia, vấn đề bảo tồn biển còn rất mờ và còn có sự chồng chéo về thể chế và pháp luật. Cấp độ pháp lý cao nhất của các khu bảo tồn biển mới là quy chế quản lý khu bảo tồn biển nên hiệu lực thấp.

Đất nước ta ba phần là biển mà tổng số luật về biển ít hơn khoảng 100 lần so với các luật trên đất liền. Bao gồm Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Quy hoạch (2017) gồm quy hoạch không gian biển quốc gia và các luật ngành, như: hàng hải, thủy sản, dầu khí…

Phần lớn là luật quy định về khai thác, sử dụng các giá trị của biển, nhiều hơn là bảo vệ, bảo tồn nó. Trong chừng mực nào đó là luật để “phá”, chứ không phải để “xây”. Thiếu quá nhiều. Trong khi ở nước láng giềng phía Bắc đã tách Luật môi trường biển riêng, Luật quản lý đảo riêng, Luật quy hoạch sử dụng biển riêng, Luật quản lý khai thác biển riêng, không biết bao nhiêu luật về biển, trong khi Việt Nam cố gắng thu vào, gói tất cả vào “đất”. Điều này rất cần làm rõ, minh bạch ngay trong phạm vi điều chỉnh của Luật đất đai (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý.  

Đại biểu quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biển Đông ngày càng phức tạp, khó lường, nên một quốc gia nhỏ phải dựa vào pháp lý quốc tế, thượng tôn pháp luật, để đấu tranh chứ không được hủy hoại nó trên thực tiễn. Ta không phải thiếu đất như Singapore mà phải lấp biển, cần phải chọn lọc và cẩn trọng xem xét cụ thể, chỉ tiến hành ở những khu bờ nghèo và ít tổn thương. Bởi vì, vùng bờ biển là nơi giàu có nhất của biển, là nơi cung cấp nguồn giống, dinh dưỡng mà lấp hết thì sinh thái tự nhiên còn cái gì, kinh tế xanh cái gì, cứ nói cho hay thế thôi.

Nhiều nước có quy định cấm biển, rồi khi đánh bắt chừa mùa sinh sản, chừa con non ra để cho nguồn lợi thủy sản hồi sinh nhưng Việt Nam ta thì không. Tại sao có sự vô lý ấy?

Khi tôi còn làm Viện trưởng Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, chủ trì quy hoạch tổng thể ngành thủy sản thời kỳ 2001-2010, đã đưa ra giải pháp đóng cửa biển từng phần, luân phiên và giảm cường lực đánh bắt bằng cách cắt giảm khoảng 40% tàu nhỏ, hủy hoại nguồn lợi. Thủ tướng khi đó đã ký thông qua nhưng sau đó không làm được vì không ai chịu làm cả, thiếu giải pháp cụ thể. Vào thời điểm đó cũng đã yêu cầu áp dụng “đóng cửa biển” rồi và dịp gần đây khi góp ý cho Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tôi cũng kiến nghị kiên quyết đóng cửa biển luân phiên. Chúng ta cũng chú trọng phát triển nghề cá giải trí, tạo một số nghề mới và đưa một số đối tượng mới như rong biển vào cơ cấu thủy sản.

Bài liên quan

Ngành thủy sản phải đi đầu thúc đẩy phát triển ngành/nghề kinh tế biển mới như dược liệu biển; giảm cường lực đánh bắt bằng cách cương quyết giảm các tàu nhỏ, cũ kỹ, thậm chí mạnh dạn mua tàu cũ cho ngư dân và cho phép “đánh đắm làm rạn san hô nhân tạo”. Ngư dân không phải không nhận thức được vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản, họ cũng được tập huấn nhiều rồi, hiểu cả đấy, nhưng bụng đói nên họ sẵn sàng “thế chấp tương lai” khi cầm quả mìn ném xuống biển đánh cá. Không có tương lai gì đối với họ, không có sự phát triển bền vững đối với họ, chuyện đó xa vời nếu như không cải thiện được sinh kế của người dân, không chuyển đổi được nghề, không tái cơ cấu ngành theo hướng đa dạng hóa lợi ích cho ngư dân.

Ngư dân đã đồng hành với dân tộc trong công cuộc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích khác trên Biển Đông. Đã đến lúc, vẫn chưa muộn, Nhà nước phải hỗ trợ cho ngư dân thông qua ưu tiên giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường, hướng tới xây dựng một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.