Ngút ngàn rừng nguyên sinh thuộc Khu DTSQ ở huyện Qùy Châu. |
Bình quân mỗi năm Nghệ An trồng được trên 15.000ha rừng, nâng độ che phủ từ 48,3% (năm 2007) lên 57,7% (năm 2017).
Giá trị của rừng
Rừng Nghệ An được phân bổ ở 10 huyện miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trước đây chủ yếu dựa vào rừng như săn bắn, khai thác lâm thổ sản, du canh du cư đốt rừng làm nương rẫy. Thêm vào đó là nạn lâm tặc hoành hành, do vậy nói là rừng tự nhiên nhưng chủ yếu là rừng nghèo.
Để kịp thời khắc phục những tác hại từ đất trống đồi núi trọc, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, ban hành nhiều Nghị định, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương về việc bảo vệ, trồng rừng để nâng cao độ che phủ, đảm bảo đời sống cho đồng bào, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Theo đó, Nghệ An đã nhanh chóng thành lập nhiều Cty, nông lâm trường và các ban quản lý rừng phòng hộ. Nhiều doanh nghiệp bảo vệ, khai thác và chế biến sản phẩm rừng tư nhân cũng đã được thành lập.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân nên rừng Nghệ An đã được bảo vệ, tốc độ trồng rừng luôn được nâng lên, bình quân hàng năm trồng được gần 16.000ha. Hiệu quả, ngoài giá trị về mặt đệm, hạn chế thiên tai hạn hán, lũ lụt và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, thì rừng và cây lâm nghiệp đã mang đến cho đồng bào một nguồn thu rất đáng kể. Hàng năm các đơn vị trồng rừng đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động có thu nhập ổn định.
Bình quân mỗi năm Nghệ An trồng gần 16.000ha rừng, việc khai thác cũng đến hàng chục ngàn ha, như vậy giá trị kinh tế đem về cho các Cty, nông lâm trường và người dân là không hề nhỏ. Đó là chưa nói tới nguồn thu ngoại tệ từ các nhà máy chế biến XK gỗ.
Tuy nhiên để nâng cao giá trị kinh tế cao hơn, trong nhiều năm qua, Nghệ An đã thực hiện các chương trình trồng rừng gỗ lớn. Dựa trên quy hoạch của Bộ NN-PTNT “Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2011 – 2020” tỉnh Nghệ An đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho các hộ dân trồng cây gỗ lớn và cây bản địa. Nghệ An cũng đã có kế hoạch, ra chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp đến năm 2025 phải thực hiện được 169.000ha gỗ lớn.
Đa dạng sinh học miền Tây
Ông Võ Minh Sơn, Phó GĐ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết, các nhà nghiên cứu khoa học lâm nghiệp trong nước và quốc tế đã đánh giá rừng miền Tây Nghệ An là nơi hội tụ nhiều luồng động thực vật di cư từ miền Bắc vào, miền Nam ra và từ miền Tây của dãy Trường Sơn sang. Rừng Nghệ An trùng trùng điệp điệp, giàu có về tài nguyên và thiên nhiên non nước hữu tình.
Ngày 18/9/2007 Uỷ ban UNESCO đã chính thức công nhận miền tây Nghệ An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển nằm trọn trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt và Pù Mát với quần thể bao gồm 9 huyện: Qùy Hợp, Qùy Châu, Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn.
Trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã có chính sách và thực thi nhiều dự án để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học không chỉ nhiệm vụ quan trọng của một quốc gia mà còn là mối quan tâm của nhân loại toàn cầu. Bởi mục tiêu của bảo tồn và phát triển rừng bền vững, ngoài việc nâng cao giá trị kinh tế, thỏa mãn tinh thần cho xã hội, nó còn có nhiệm vụ tối quan trọng là hạn chế tác động của sự biến đổi khí hậu…
Theo đánh giá xếp loại của UNESCO thì rừng miền Tây Nghệ An có đầy đủ 4/5 lớp quần hệ: Rừng kín, rừng thưa, cây bụi và cây thảo. Hệ thực vật có hàng ngàn loài bậc cao và hàng ngàn loài động vật, thú rừng, chim muông… |