| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ những 'báu vật' dưới tán rừng nguyên sinh

Thứ Sáu 01/09/2017 , 08:01 (GMT+7)

Thần Sa được hiểu như là một loại khoáng vật của thần linh. Địa danh Thần Sa (thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là di tích khảo cổ học đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn Quốc gia.

Ở vùng rừng nguyên sinh này, có những con người lặng lẽ giúp đồng bào bảo vệ rừng để có sinh kế bền vững dưới tán rừng.
 

Hồi sinh rừng già

Cùng với việc ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Anh Nguyễn Quang Lịch (Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn) cho biết, những ngày đầu tiếp quản một diện tích rộng hàng chục ngàn ha, dù địa hình phức tạp nhưng sức nóng của việc khẩn trương giải cứu rừng đầu nguồn nên đơn vị liên tục tổ chức các cuộc hành quân vào vùng lõi rừng đặc dụng, qua các hang Rắn, hang Gió, hang Hút và các lũng Mông Xay, Tu Lườn, bãi Miếu để truy đuổi hàng trăm người cư trú trái phép ra khỏi rừng.

21-56-14_1
Cán bộ kiểm lâm trao đổi kỹ thuật trồng cây ba kích với đồng bào

Khi mà tiếng mìn phá đá khai thác vàng trái phép, tiếng cưa lốc đốn cây, tiếng súng săn trên rừng đã vắng thì nhiệm vụ của chúng tôi vẫn chưa thể dừng lại, anh Lịch nói. Nếu chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành lâm luật, không vi phạm vào tài nguyên rừng, như thế sẽ trở nên sáo rỗng, bởi cuộc sống của họ đang hết sức khó khăn. Áp lực đối với rừng chỉ giảm xuống khi sinh kế của đồng bào được tạo ra ổn định, bền vững.

Hoàng Văn Lý có tiếng sát thú ở bản Mông Lũng Luông (xã Thượng Nung). Bao nhiêu con thú rừng bị Lý hạ sát - Lý không nhớ. Lý chỉ thấy thích khi bắt được con thú kêu khóc vì bị mắc cạm. Vậy mà Lý đột nhiên từ bỏ sở thích săn thú của mình. Đầu tháng 4/2012, Lý đã tự nguyện mang nộp cho Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng gần 30 chiếc cạm kiềng. Chuyện Lý từ bỏ sở thích săn bắn khiến bà con người Mông trên bản Lũng Luông, Lũng Hoài và Lũng Cà nhớ lại hồi cuối năm 2011, Hoàng Văn Chi đã tự vác con hươu xạ còn sống đến nộp cho cán bộ kiểm lâm. Ông Lý Văn Múa, người cao tuổi ở bản Lũng Luông bảo: Thế là chúng nó đã nghĩ được lâu dài.

Rừng ở trong dân, dân sống nhờ rừng, từ nhận thức đó, Ban quản lý khu bảo tồn đã vận động hầu hết các xóm bản nằm trong vùng đệm thực hiện đăng ký, nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Đồng thời, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

21-56-14_2
Ba kích hứa hẹn nâng thu nhập cho đồng bào dưới tán rừng Thần Sa, Phượng Hoàng

Theo chân những cán bộ kiểm lâm “lội rừng”, lên chốt Bản Mùn (xã Nghinh Tường), ông Triệu Tiến Thắng (tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường) cho biết, cả 55 hộ dân toàn xóm đều nhận giao khoán bảo vệ rừng với tổng số 774ha. Việc khoán bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo công ăn việc làm cho người dân, khuyến khích động viên nhân dân gắn bó với rừng. Những năm trước, Bản Mùn từng là điểm nóng về tình trạng xâm hại rừng. Ít nhiều đồng bào người Dao trong bản còn lên rừng chặt gỗ. Nay, bản đã chia thành 3 nhóm, chủ động thực hiện việc tuần rừng, kiểm tra rừng thường xuyên.

21-56-14_8
Cán bộ KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng tuần tra, bảo vệ rừng

Ông Hà Văn Linh (Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường) cho biết, cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn đã gắn bó với người dân sinh sống liền kề rừng. Họ hướng dẫn cho bà con cách phát triển kinh tế đồi rừng bền vững; sâu sát với dân, tích cực giúp đỡ người nghèo, bày cho kỹ thuật trồng ngô giống mới, cách giữ nước trong ruộng để cấy lúa. Cán bộ kiểm lâm về bản hướng dẫn cho đồng bào kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc, làm kinh tế đồi rừng.
 

Dưới tán rừng

Một trong những mô hình hiệu quả là hỗ trợ đồng bào trồng cây dược liệu ba kích dưới tán rừng. Theo đó, các hộ thực hiện trồng ba kích được hỗ trợ 100% giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật. Người dân chỉ phải bỏ công, chuẩn bị tư liệu, hiện trường để sản xuất. Kết thúc quá trình, 100% sản phẩm thu hoạch được đều thuộc về nhân dân. Ba kích tỏ ra thuận với đất rừng Thần Sa - Phượng Hoàng. Cây giống nhanh chóng bén rễ, bám vào thân những cây thân gỗ, leo lên quang hợp để nuôi củ. Cây lớn nhanh, xanh tốt và đặc biệt là số cây sống đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%.

Ông Hoàng Văn Mót (xóm Thâm Thạo, xã Nghinh Tường) cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông trồng 1ha ba kích. Sau 3 năm thu hoạch, sản lượng đã đạt 3 tấn, tương đương với 600kg củ khô. Nhân với giá thị trường là 400.000đ/kg, ông Mót có 240 triệu đồng. Chia 3 năm, mỗi năm cho thu nhập 80 triệu đồng.

Anh Nguyên Văn Tuyên (Phó Giám đốc BQL KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng) cho biết, dự án trồng ba kích tại KBTTN đã mở ra một hướng đi mới, một cách nhìn nhận mới về phát triển sinh kế cho người dân dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ. Đó cũng là cơ sở để đồng bào vững tin thực hiện một số mô hình khác. Hiện nay, trên địa bàn, các mô hình đang phát huy hiệu quả như mô hình trồng chuối tây ở xã Thượng Nung, mô hình trồng đinh lăng, hà thủ ô ở xã Phú Thượng. Anh Tuyên nhận xét, với vị trí là khu vực phòng thủ chiến lược, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong xây dựng hạ tầng cơ sở, việc tạo sinh kế để đồng bào vùng đệm, vùng lõi yên tâm phát triển kinh tế chính là giải pháp bền vững để hạn chế áp lực đối với rừng.

21-56-14_5
21-56-14_6
21-56-14_7
Mô hình cây đinh lăng, hà thủ ô và chuối Tây đang được thực hiện tại xã Phú Thượng và xã Thượng Nung thuộc KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng

Anh Nguyễn Quang Lịch (Giám đốc BQL KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng) đánh giá, hệ sinh thái rừng tại KBTTN đang được phục hồi, nhiều loài động, thực vật tưởng biến mất thì nay xuất hiện trở lại. Anh em đi tuần tra thường xuyên gặp khỉ mặt đỏ, còn gọi là khỉ đuôi cộc, là loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ. Thời gian qua, Ban đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế khảo sát điều tra về các loài linh trưởng như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, vượn..., để có giải pháp bảo tồn hữu hiệu.

Những lần lặn lội sâu vào lõi rừng để điều tra, theo dõi đánh giá hệ động thực vật của khu bảo tồn, cán bộ của Ban đã được tiếp cận với những khu rừng thông tre, kim giao, Thanh Hương, gù hương...; những vạt rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ lớn như đinh, nghiến, sến, táu... Chuyên gia của tổ chức khảo sát theo dõi sinh vật rừng quốc tế đã khẳng định, KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có hệ động thực vật đặc trưng, tiêu biểu và duy nhất còn lại của khu vực Đông Bắc bộ Việt Nam. Giám đốc BQL KBTTN chợt trầm tư rồi nhỏ nhẹ, rừng bạt ngàn nhưng không phải là tài nguyên đơn thuần mà đã thực sự trở thành “báu vật”.

Vị Giám đốc khu rừng thiêng mong muốn sẽ được tăng cường lực lượng để báu vật quê hương được bảo vệ ngày càng tốt hơn.

21-56-14_3
Thác Mưa rơi - một thắng cảnh đẹp tại KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng

 

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.