| Hotline: 0983.970.780

Nổi nênh nghề biển gần bờ

Bấp bênh nghề vây rút

Thứ Sáu 11/11/2022 , 07:35 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Biền giã là nghề 'hên xui', và càng ngày tỉ lệ những chuyến biển 'xui' lại càng nhiều. Không những thế, giá xăng dầu, tổn phí ngày càng đè nặng ngư dân...

Tầm 9 giờ sáng, tàu cá QNg-44218TS của anh Võ Hải ở phường Phổ Thạnh (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) nổ máy, hướng ra đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh lộng gió. Tôi cảm thấy đầu óc váng vất vì đứng nơi mũi tàu chồm qua bao cơn sóng nên dò dẫm vào ca-bin. Nắng trải vàng trên mặt biển. Gió nồm phây phây khiến tôi dần tỉnh táo.  

Số lượng tàu cá lớn, trong khi nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt, khiến ngư dân ngày càng chật vật. Ảnh:

Số lượng tàu cá lớn, trong khi nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt, khiến ngư dân ngày càng chật vật. Ảnh: Thanh Kỳ.

Ngóng đợi gió nồm 

Bài liên quan

Anh Hải chăm chú nhìn màn hình máy tầm ngư rồi hô lớn: "Cá cơm mờm. Chuẩn bị buông lưới!". Gương mặt bạn chài lộ rõ niềm vui. Họ đứng trên boong tàu, tay nắm mép lưới vây rút với vẻ mặt như sắp xung trận. Sau cú vẫy tay ra hiệu từ chủ tàu, họ thoăn thoắt thả lưới vào lòng biển sâu. Con tàu rú ga, chồm lên trên sóng nước vẽ thành vòng tròn trên biển. Giàn lưới vây quanh đàn cá đang tung tăng bơi lội. Một ngư dân cùng thúng chai rời tàu lắc lư trên sóng nước. Bạn chài trên boong tàu gắng sức kéo, giàn lưới vây rút dần thu hẹp.

Ngư dân trên thúng chai men theo mép lưới ngăn ngừa cá thoát ra ngoài. Lưới dần thu hẹp trông thấy rõ bầy cá nhỏ nhung nhúc trong làn nước in nền trời xanh thẳm. Mọi người chung tay cuốn lưới và đổ cá vào những thùng nhựa đợi sẵn trên boong. Những con cá trắng tinh với thân hình lớn bằng đầu đũa là đặc sản ở vùng biển gần bờ với giá bán mỗi cân trên dưới trăm nghìn đồng. "Cá cơm mờm chỉ đôi tháng trước và sau Tết mới đánh bắt được. Loài cá này đạm rất cao nên thường được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc", anh Hải cho biết.      

Vay rut 2

Nghề lưới vây rút trước đây làm ăn rất khấm khá, nhưng ngư dân ngày càng khó khăn do chi phí tăng cao, trong khi biển dần cạn cá tôm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Mùa mưa bão đi qua thuở trước, những làng chài bên biển Sa Huỳnh bừng lên sức sống mới. Gió nồm mát rượi da thịt báo hiệu những đàn cá trích, cá cơm, nục, cơm mờm, ruốc... từ khơi xa vào vùng biển gần bờ. Những chiếc thuyền to, ghe nhỏ nổ máy rẽ sóng ra biển với niềm hi vọng tôm cá đầy khoang. Mỗi mẻ lưới thu được vài ba tạ cá hay ruốc, đôi khi lên đến hàng tấn, đem lại niềm vui sướng trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió. Vùng biển này cát vàng và nước trong xanh, không lẫn tạp chất, hải sản thu được chế biến món ăn khá thơm ngon. Tiểu thương tụ tập thu mua hải sản rồi chuyển đến nhiều nơi tiêu thụ. Tiếng nói lao xao nơi bến cá trong nắng sớm hay cả chiều tà.

Những rổ ruốc tươi được chuyển vội lên bờ, đến chợ và vào trong những bữa cơm của cư dân quanh vùng. Ruốc xào hay nấu canh hoặc trộn gỏi và chế biến lắm món ăn ngon khiến bao người gật gù tán thưởng. Nắng mới và gió nồm gom cả hương thơm của đất trời vào những thúng ruốc khô phơi trên lưới dày nơi làng quê.

Ruốc khô mang hương vị đậm đà vào nhà hàng cao cấp nơi thị thành hay đến miền biên viễn xa xôi. "Phơi hơn 3 ký ruốc tươi mới được 1 ký ruốc khô. Ruốc khô đánh bắt ở biển Sa Huỳnh và phơi tại đây luôn ngon lắm. Nhiều người ở nơi xa đến đây thường mua về làm quà cho người thân", một tiểu thương cho biết.

Vay rut 4

Trước đây, mỗi mùa gió nồm là mùa vui của ngư dân, nhưng nay niềm vui ấy ngày càng vơi. Ảnh: Thanh Kỳ.

Cá cơm đánh bắt ở vùng biển Sa Huỳnh thơm ngon khỏi chê. Khi cá quá nhiều, ngư dân nơi đây phơi khô rồi bán và dùng để ăn dần. Nhiều người mua cá về muối thành loại nước mắm tuyệt hảo, thơm ngon nức tiếng. Ấy là nhờ những hạt muối Sa Huỳnh mặn nhưng không gắt nên muối mắm rất ngon. Khi ngư dân trúng cá cơm thì muối Sa Huỳnh tăng giá hơn hẳn thường ngày. Sau cả năm ủ muối trong lu sành và phơi nắng lẫn phơi sương, họ lọc lấy nước mắm màu hổ phách, thơm ngon đáo để.

Chén nước mắm chân quê nằm trên mâm cỗ hay hiện diện trong bữa cơm gia đình cho những món ăn thêm đậm đà. "Hạt muối Sa Huỳnh muối mắm với cá cơm đánh bắt ở đây ngon lắm. Và, không chỉ người dân ở đây, nhiều người ở nơi khác cũng đến đây mua muối về muối mắm...", lão diêm Nguyễn Thành Út cho biết.

Mùa gió nồm cũng là mùa cá về. Những ngư dân đánh bắt gần bờ vào bến bán hải sản vội quay ra biển tiếp tục buông lưới bất kể đêm ngày. Dưới bến, tàu thuyền nhộn nhịp. Trên bờ, ô tô tải lẫn xe máy chờ mua hàng đậu cả dãy dài. Đây đó, tiếng í ới gọi nhau, râm ran chuyện trò ngã giá bán - mua. Mùi cá, mực phơi trên những khu đất trống và bên đường làng thoảng bay theo gió.

"Lúc trước cá còn nhiều, đến mùa gió nồm đông vui lắm. Nhiều người không ra khơi đánh bắt thì mua bán hay làm thuê như lựa hải sản, xẻ cá mực rồi phơi khô... Đánh bắt được nhiều thì có lắm dịch vụ ăn theo, kể cả xăng dầu và đá lạnh. Nhờ đó, giải quyết việc làm cho bà con nhiều lắm", lão ngư Võ Tiếp tâm sự.    

Vay rut 3

Những mẻ lưới vây rút ngày càng vắng bóng cá tôm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Với công suất 120 CV, mỗi ngày tàu cá của ông Lê Ga tiêu tốn khoảng 100 lít dầu. Thời điểm xăng dầu luôn biến động bất thường, ông luôn "nín thở" vì sợ dầu tăng giá. Và, không chỉ riêng ông, ngư dân Sa Huỳnh luôn lo lắng giá nhiên liệu tăng cao, nhất là những chủ tàu công suất lớn. "Giờ đánh bắt ngày càng khó khăn và giá hải sản không tăng. Chỉ cần mỗi lít dầu tăng vài nghìn đồng là ngày đó tôi mất thêm mấy trăm nghìn rồi. Khoản thu nhập ít đi so với trước, thậm chí nhiều bữa lỗ vốn, mất mấy triệu tiều dầu", ông Ga than thở.

Mỏi mòn tìm cá

Trước và sau Tết, gió nồm vẫn thổi vào các làng chài ven biển Sa Huỳnh nhưng cá tôm không còn nhiều như trước. Dẫu vậy, ngư dân nơi đây vẫn bám biển mưu sinh. Chừng 3 giờ sáng, ông Lê Ga và con trai thức dậy rời nhà ra quán mua 2 tô bún bỏ trong túi ni lông rồi mang đi trong đêm. Hơn nửa giờ sau, cha con ông cùng người cháu và 6 bạn chài có mặt tại đầm Nước Mặn Sa Huỳnh. Họ lên tàu cá QNg-94654TS rồi nổ máy quay mũi hướng ra biển.

Có người thoáng rùng mình khi bị gió lạnh phả vào mặt và cả cơ thể. Họ đổ bún ra tô rồi ăn vội bữa sáng trên boong tàu lắc lư như người say rượu. Con tàu vỏ gỗ với công suất 120 CV chồm lên trên sóng nước. Con trai ông Ga điều khiển tàu cá và luôn dõi mắt trên màn hình máy tầm ngư. Thỉnh thoảng, anh thở dài lộ vẻ thất vọng.

Vay rut 5

Một chuyến biển đầu năm của ngư dân Thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Kỳ.

Rồi những chấm đỏ li ti cũng xuất hiện trên màn hình sau nhiều giờ mong đợi. Anh vẫy tay ra hiệu cho bạn chài chuẩn bị buông lưới. Giàn lưới vây rút với chiều dài 270 sải tay, cao 25 sải được thả xuống lòng biển sâu. Một ngư dân vội đeo kính lặn nhảy ùm xuống biển. Lát sau, anh nhô đầu lên khỏi mặt nước và hô to: "Cá cơm".

Ngư dân phụ sức với máy kéo lưới thu hẹp vòng vây. Một bạn chài cùng thúng chai rời tàu bám theo mép lưới phòng ngừa sóng biển nhấn chìm, cá tràn ra ngoài. Vòng vây thu hẹp dần, mép lưới bên dưới cũng được rút lên sàn tàu. Khi khoảng rộng chỉ còn chừng vài mét vuông, chiếc vợt lưới được đưa xuống xúc lũ cá đang hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài. Cá được đưa lên boong tàu rồi đổ vào những thùng nhựa khá lớn.

Thu xong mẻ lưới, mọi người cắm cúi kho nấu rồi ăn vội bữa trưa trên biển. Tàu cá tiếp tục băng băng trên sóng nước giữa trưa nắng. "Cá tôm bây giờ giảm nhiều so với trước nên đánh bắt ngày càng khó khăn. Có bữa may mắn trúng lắm được 30 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia hơn 1,5 triệu đồng. Thường thì mỗi ngày chỉ được 200 - 300 nghìn đồng. Lắm khi lỗ vốn, chủ tàu và bạn chài về tay không...", ông Ga kể buồn.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay vẫn còn nhiều tàu cá giã cào đánh bắt trên vùng biển ven bờ, làm cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ và ảnh hưởng đến các nghề khai thác khác. Lực lượng chức năng nhiều lần bắt giữ và xử phạt nhưng tình trạng nêu trên vẫn tái diễn. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra, xử phạt những trường hợp vi phạm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ...", ông Toàn khẳng định.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm