Lẻ loi vì ít cá
Gần giữa đêm, ông Huỳnh Ngon ở phường Phổ Vinh (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng con trai thức dậy sau vài giờ ngủ chưa đẫy giấc. Cha con ông gói ghém đồ đạc rồi cưỡi xe máy rời nhà trong đêm tối. Nhiều người cũng rời làng hướng ra bến thuyền tại sông Trường. Bởi khá quen thuộc với cảnh ấy nên lũ chó sủa lấy lệ rồi dạo quanh sân nhà.
Đến nơi, cha con ông Ngon đẩy thuyền khỏi bờ, nổ máy, quay mũi hướng ra sông Thoa. Ánh đèn pha lấp lóa trên sông nước. Thuyền từ từ qua cửa Mỹ Á rồi tiến ra biển trong đêm tối mịt mờ. Ông nhìn la bàn, tay phải giữ cần lái, tay trái giật ga khá điêu luyện.
Chiếc thuyền vỏ gỗ gắn máy công suất trên 30 CV chồm lên trên sóng nước đến nơi đã định khi hừng đông dần ló dạng phía chân trời. Con trai ông lui cui nấu nước sôi để pha mì tôm trên chiếc bếp ga nhỏ. Hai cha con ăn lót dạ tô mì rồi vội vàng điều khiển thuyền lắc lư qua từng cơn sóng thả giàn lưới câu bủa vào biển sâu.
Trưa, thuyền qua lại nơi thả ban đầu. Ông cầm chắc tay lái, con trai thoăn thoắt đôi tay trợ giúp máy kéo lưới. Mắt hai cha con ánh lên niềm vui khi cá lớn dính câu. Khi mặt trời chếch sang phía tây, thuyền quay mũi hướng về bờ. Con trai bật lửa thổi cơm và kho cá tươi rói vừa kéo lên từ biển...
Hơn 6 năm trước, ngư dân Huỳnh Vũ Trường mưu sinh trên những vùng biển xa. Anh từng sở hữu tàu cá công suất lớn hành nghề lưới cản và lưới vây rút xa bờ. Nhưng biển giã ngày dần cạn cá tôm, bạn chài thưa vắng và làm ăn kém hiệu quả. Thế là anh bán tàu lớn, trở về mưu sinh cùng cha trên vùng biển gần bờ với nghề câu bủa. Rồi cha già yếu, mình anh điều khiển thuyền vỏ gỗ hơn 30 CV ngày ngày lênh đênh trên sóng nước.
Do có mỗi mình nên cả chân lẫn tay đều làm việc không ngừng. Những lúc buông - kéo câu, chân luôn cử động, tay múa may trông như võ sĩ hầu quyền đạo. Gặp may, mỗi bữa anh kiếm được khoản lãi 1 - 3 triệu đồng. Nhưng cũng lắm lúc chỉ đủ phí tổn, thậm chí nhiều hôm lỗ vốn. "Nghề câu bủa ở đây cực lắm. Phải đi từ 12 giờ đêm đến chiều hôm sau mới vào bờ. Trên ghe chỉ 1 - 2 người, chủ yếu là cha con hay anh em trong nhà. Cá câu được ít nên không dám kêu bạn chài đi cùng vì tiền lời chẳng đáng là bao", anh Trường cho biết.
"Lúc trước ở Phổ Vinh có khoảng 30 thuyền câu bủa, mỗi thuyển 3 - 4 người buông và kéo câu. Giờ có chừng 50 chiếc nhưng mỗi thuyền chỉ 1 - 2 người. Cỡ 10 năm trở về trước, mỗi bữa câu được khoảng 1 tạ cá đổng, cá nhiễu, cá ong... Giờ mỗi bữa chỉ được vài chục ký nên đi ít người hơn trước", ông Ngon góp chuyện.
"Làm biển" ở bờ
Chiều phai nắng, bà Võ Thị Thừa cưỡi xe máy cà tàng vượt con đường nhỏ gập ghềnh cạnh sông Trường nước lững lờ trôi. Phía sau xe gắn khung sắt, hai bên chất nhiều rổ tre và thùng nhựa chứa 12 giàn cước với hàng nghìn lưỡi câu đã móc sẵn mồi. Đến cạnh chòi lợp tôn tạm bợ, bà dùng xe và khệ nệ bê rổ, thùng trên khung sắt đặt xuống nền đất. Bà phe phẩy chiếc mũ vải rộng vành cho ráo những giọt mồ hôi trên trán và xởi lởi chuyện trò.
Sớm mai, bà tất tả ra chợ lựa mua cá nục, cá chuồn... mang về nhà chuẩn bị cho con trai ra biển bủa câu. Chưa kịp ngơi nghỉ khi về đến nhà, bà lúi húi xẻ cá, móc mồi vào lưỡi và xếp đặt ngay ngắn vào rổ. Công việc hoàn tất khi cơ thể mỏi nhừ sau nhiều giờ cặm cụi với công việc. "Chị em phụ nữ chúng tôi ở nhà không nguy hiểm nhưng cũng vất vả lắm. Phải lo sắp xếp lại cước, cột lại lưỡi câu bị đứt và lo chuẩn bị mồi để con trai hôm sau ra biển", bà tâm sự.
Chiều nghiêng nắng, chị Nguyễn Thị Đựng dõi mắt nhìn về phía cửa sông ngóng trông chồng con ra biển trở về. Cước cùng lưỡi câu có gắn mồi được chị xếp gọn gàng bên trong rổ. Chốc lát, chị nhìn điện thoại di động với đôi mắt ánh lên niềm hi vọng lẫn đợi chờ. Hai chiếc đò gắn máy ra rồi lại vào nơi bến sông khiến chị càng thêm sốt ruột, mặc cho tiếng người cười nói lao xao.
Lát sau, điện thoại đổ chuông liên hồi. Chị hồ hởi nghe máy rồi vẫy người chủ đưa đò cập bến. Những chiếc rổ tre, thùng nhựa được chuyển vội lên đò với niềm vui khôn tả. Đò quay mũi hướng ra cửa sông trong nắng chiều phai. Rồi đò cập bến giữa tiếng nói cười rôm rả cả khúc sông quê. Những thùng cá tươi rói được chuyển vội lên bờ. Vợ con ngư dân cùng tiểu thương phân loại cá rồi ngã giá bán - mua.
"Cá câu ở đây chất lượng cao nên giá mỗi ký hàng trăm nghìn đồng. Chúng tôi mua rồi chuyển đến tiêu thụ ở chợ Đức Phổ hay các tỉnh, thành ở phía Nam", một tiểu thương cho biết.
"Phụ nữ ở đây không đi biển nhưng cũng bận rộn lắm. Sáng lo chuẩn bị cước, phao, lưỡi và mồi xếp ngay ngắn trong thùng để ra biển bủa câu được thuận lợi. Chiều thì ra bến đón chồng con và bán cá. Một mình làm không kịp nên phải thuê thêm vài người giúp việc và trả công theo giờ. Nghề câu bủa ở đây giải quyết việc làm cho nhiều người lắm, kể cả ở biển và trên bờ...", chị Đựng cho biết.
Nghẽn lối mưu sinh
Hơn 9 giờ tối 13/8/2022, ngư dân Lê Việt Hùng nghe thuyền của ông Trần Tá bốc cháy trong đêm đen khi đang neo đậu trên sông Trường. Ông hốt hoảng thật sự bởi chiếc thuyền vỏ gỗ gắn máy công suất nhỏ neo đậu bên cạnh. Ông cùng người nhà phóng xe máy đến nơi thì chỉ còn trơ đáy thuyền, tình cảnh trông thật thảm hại.
Ngọn lửa quái ác đã thiêu trụi phương tiện mưu sinh của gia đình ông cùng người anh trai trị giá hàng trăm triệu đồng. Tiếng thở dài nuối tiếc nghe nhói lòng. "Buồn lắm chú à! Quê ở miền biển thì phải có ghe thuyền, chứ nếu không thì biết làm gì mà sống? Tôi sẽ chạy vạy vay mượn để đóng thuyền mới ra biển bủa câu, ước tính đóng mới và mua sắm đồ nghề cũng hơn 200 triệu đồng", ông Hùng tâm sự.
Sắp bước vào tuổi lục tuần, ông Trần Tá "tan nát cuộc đời" khi nhìn con thuyền cháy rụi. Thuyền cùng cha con ông bao ngày bập bềnh trên sóng nước, đem lại cuộc sống no đủ cho cả gia đình. Tay ông run run sờ những mảnh gỗ đáy thuyền bị lửa đốt cháy nham nhở. Bao năm chắt chiu dành dụm tan thành khói bụi, gieo nỗi khó khăn vào những phận đời lam lũ. "Cháy hết chú à! Máy nổ cũng hư hoàn toàn nên chỉ có thể bán sắt vụn thôi. Tôi sẽ cố gắng vay mượn để đóng thuyền mới và mua lại ngư cụ ra biển làm ăn", ông bộc bạch.
Và, nhiều câu nói "giá như" đặt ra sau vụ cháy 2 thuyền câu bủa trên sông Trường. Người dân nơi đây cho rằng, do sông bị bồi lấp nên thuyền phải neo đậu ngoài xa chứ không thể vào cạnh khu dân cư đông đúc. Do vậy, họ không phát hiện ngọn lửa và dập tắt kịp thời nên xảy ra sự cố đáng tiếc khiến ngư dân mất "cần câu cơm". Lòng sông bị bồi lấp nên họ phải thuê đò vận chuyển dụng cụ hành nghề câu ra nơi thuyền neo đậu và chuyển cá vào bến bán cho tiểu thương.
Nhiều ngư dân mệt nhoài sau những giờ cơ cực trên sóng nước vẫn phải đợi đò... "Nếu bữa đó mà đậu trong này chắc sẽ có người phát hiện, hô hoán và dập lửa khi cháy thuyền của anh Tá trước khi lan sang thuyền của tôi", ông Hùng tâm sự. "Những bữa nước ròng phải đậu cách bến khoảng 2 cây số lận. Chờ đò họ ra chở cá vô lâu lắc, mệt mỏi lắm", anh Ngon góp chuyện. "Mấy lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, chị cũng ý kiến về việc này nhưng cấp trên vẫn chưa giải quyết theo mong mỏi của bà con", chị Đựng cho biết.
Ngán giã cào đôi
Câu bủa là nghề khai thác chọn lọc, chỉ bắt cá lớn với chất lượng cao. Ngư dân câu bủa rất "ngán" nghề giã cào đôi bắt sạch cá tôm lớn nhỏ khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt. Nhiều đôi tàu còn cào sạch cả giàn câu trước nỗi uất ức nghẹn lòng.
"Nhiều tàu giã cào đôi đánh bắt gần bờ, cơ quan chức năng có bắt và xử phạt nhưng chưa hết. Giờ, vẫn còn nhiều tàu cá ở Bình Định ra hành nghề giã cào ở vùng biển mình. Khi thấy mấy ổng từ xa thì mình liền chạy thuyền đến ra hiệu cho mấy ổng né giàn câu nhưng ít khi tránh lắm. Mấy ổng thường cào cả giàn câu bủa luôn. Những bữa như vậy phải chịu lỗ vốn", ngư dân Huỳnh Ngon than thở.
(Còn nữa)