| Hotline: 0983.970.780

Nổi nênh nghề biển gần bờ

Thứ Tư 09/11/2022 , 07:15 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Khi những đánh bắt ở biển xa ngày càng khó khăn do cá tôm vơi cạn, giá xăng dầu tổn phí tăng cao, ngư dân lại quay về đắp đổi với nghề biển gần bờ...

Sợ nhất "hung thần" giã cào

Đêm tối, ngư dân Nguyễn Phương ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đội đèn pin trên đầu rồi cất bước rời nhà. Ra đến bờ biển, anh ráng sức kéo chiếc thúng chai gắn máy công suất nhỏ cùng ngư cụ bên trong xuống mép nước. Lội qua khỏi những cơn sóng gần bờ, anh leo lên thúng và giật máy nổ.

Luoi thung 1

Khi đánh bắt biển xa ngày càng khó khăn, nhiều ngư dân đã chọn quay về với nghề lưới thúng đơn sơ ven bờ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Thúng chai hướng ra khơi. Khi khoảng cách với bờ 100 - 150m, anh giảm ga rồi buông lưới vào làn nước trong đêm lạnh. Phía khơi xa, ánh đèn trên những tàu cá nhấp nháy tựa phố thị về đêm. Anh cần mẫn thả giàn lưới hơn cả nghìn mét, sâu hàng chục mét. Hai đầu lưới gắn đèn pin nhấp nháy báo hiệu cho tàu bè tránh sang nơi khác. Xong xuôi, anh điều khiển thúng chai quay vào bờ rồi rảo bộ về nhà nghỉ ngơi.

Vài giờ sau, anh lại đội đèn pin trên đầu ra bờ biển rồi lên thúng chai ra kéo lưới, gỡ cá. Khi mét lưới cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước, anh quay thuyền vào bờ, nơi người vợ thân yêu đang đón đợi. Hai vợ chồng cùng nhau về nhà khi hừng đông ló dạng phía trời xa. Anh ăn vội bữa sáng trong khi vợ đang lúi húi chuẩn bị mang cá ra chợ sớm.

Với 3 giàn lưới nên anh Phương đánh bắt trên biển cả đêm lẫn ngày. Trưa nắng như đổ lửa hay đêm đông rét buốt, anh vẫn ra biển thả lưới. Bữa may mắn kiếm được vài ba trăm nghìn đồng, có khi lên đến tiền triệu. Nhưng cá tôm ngày càng cạn kiệt nên lắm lúc về không hay chỉ đủ chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình.

"Biển động tôi mới ở nhà. Gặp bữa trúng cá ham lắm, thả hết mẻ này đến mẻ khác, không thấy mệt gì cả. Cứ mang cá về cho vợ bán rồi tiếp tục ra biển. Có lúc thả cả mẻ lưới chỉ được vài con, không đủ kho ăn trong ngày. Nghề lưới thúng ngán nhất là mấy ông đánh bắt giã cào đôi ở vùng biển gần bờ. Thấy mấy ổng từ xa là lật đật chạy tới ra hiệu để tránh khỏi cào lưới. Thế nhưng có lúc họ ẩu nên cào luôn. Vừa rồi, ở đây có người bị cào hư lưới, phải làm đơn báo cáo Đồn Biên phòng Sa Huỳnh và chính quyền phường. Nhưng chủ tàu chỉ bồi thường có 4 triệu đồng, vẫn chưa đủ vốn sắm lại lưới", anh Phương tâm sự.

Luoi thung 6

Không ít ngư dân mưu sinh bằng nghề lưới thúng ven bờ bị mất sạch lưới do nạn giã cào. Ảnh: Thanh Kỳ.

Chưa đủ tiền mua máy nổ gắn vào thúng chai nên anh Huỳnh Hữu Vị phải chèo bằng tay ra biển Sa Huỳnh buông lưới. Đôi tay rắn chắc cầm dầm cột vào bên thúng ngoáy lia lịa xuống nước trông rất vội vã. Thúng chai lướt sóng hướng ra khơi. Đến nơi đã định, anh lom khom chèo và thả lưới với niềm hi vọng trúng đậm cá. Đêm tối hay ngày nắng chói chang, mình anh âm thầm buông - kéo lưới trên biển. Gặp bữa may trúng cá, niềm vui ngời lên trong mắt, nhưng có lúc nỗi buồn hiện lên trên gương mặt sạm đen vì lưới chẳng dính cá.

"Nghề lưới thúng chỉ đắp đổi qua ngày chứ không thể làm giàu. Biển giã ngày càng ít cá nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Chúng tôi ở đây chỉ có đi biển chứ biết làm nghề gì nữa đâu. Chịu khó chèo thúng ra giăng lưới để kiếm ít cá về cho vợ chạy chợ sống qua ngày", ngư dân Nguyễn Công góp chuyện. 

Nghề nhiều hiểm nguy

Vài năm trước, có 2 ngư dân ở Phổ Thạnh tử nạn khi hành nghề lưới thúng trên vùng biển Sa Huỳnh. Ngày nọ, một ngư dân ra biển đánh lưới nhưng quá lâu vẫn không quay thúng vào bờ. Gia đình cùng người dân trong vùng vội chèo thúng, điều khiển thuyền máy vòng quanh trên biển kiếm tìm. Mãi sau, mới phát hiện ông ấy co quắp trên thúng và đã tử vong với cơ thể lạnh ngắt.

Luoi thung 2

Nghề lưới thúng ven bờ nhưng ngư dân cũng thường phải đối mặt với nhiều sự cố rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng. Ảnh: Thanh Kỳ.

Cách đó ít lâu, một ngư dân bị lật thúng khi đang thả lưới trên biển. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng gia đình tổ chức tìm kiếm người bị nạn. Mãi 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể dạt vào bờ biển Hoài Hương (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cách đấy hàng chục cây số về phía nam.

"Nghề lưới thúng tuy ở gần bờ nhưng cũng nguy hiểm lắm. Thúng nhỏ, sóng gần bờ thường dữ dội nên có khi bị nhấn chìm. Đang lúc trời yên biển lặng thì mình chèo thúng ra thả lưới. Nhưng chỉ lát sau giông gió nổi lên chạy vào không kịp là chuyện thường", ngư dân Nguyễn Công cho biết.

Sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ thỉnh thoảng cuốn trôi cả giàn lưới của ngư dân, thiệt hại có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều khi lật thúng, họ phải cởi ném cả áo theo sóng rồi tay trắng bơi vào bờ. Gia đình và cả dân làng trải qua phen hú vía vì lo sợ. Nhưng đấy là chuyện thường của những ngư dân hành nghề lưới thúng nơi đây. Sau hoạn nạn, họ gom góp, vay mượn làm lại từ đầu trong nỗi xót xa đến nghẹn lòng.

"Nghề biển là nghề làm ăn trên bọt nước. Trời thương thì được no, không thương thì đói. Nếu mất thúng và lưới thì cũng đành chịu vì lúc ấy phải lo thoát thân. Không chết là cũng còn may. Sau đó, phải vay mượn để sắm lại đồ nghề, tiếp tục mưu sinh chứ ở đây không đi biển thì biết làm gì sống", ngư dân Nguyễn Công tâm sự.

Ngon như cá gần bờ 

Nghề lưới thúng thường đánh bắt các loại cá như phèn, nục, hố, thửng... bơi lượn kiếm mồi ở vùng biển gần bờ. Cá vừa vớt lên từ biển nên đem vào bờ, đến tận chợ còn tươi rói và chưa ướp qua đá lạnh. Nhiều con còn tung quẩy trong những chiếc rổ nhựa trông thật bắt mắt.

Luoi thung 5

Nghề lưới thúng những tưởng sẽ dần đi vào dĩ vãng khi những tàu cá hiện đại ra đời, nhưng ngày nay lại giúp không ít ngư dân đắp đổi qua ngày khi nghề biển khơi khốn khó. Ảnh: Thanh Kỳ.

Những loại cá này thường khá rẻ (trừ cá hố) nên được các bà nội trợ chọn mua về chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình. Và, không chỉ riêng tại Sa Huỳnh, cá đánh bắt từ nghề lưới thúng luôn được người dân trong vùng lân cận ưa chộng. "Cá tươi vừa mới đánh bắt nên chế biến món ăn ngon lắm! Thịt cá ngọt và thơm hơn hẳn cá đánh bắt ở những vùng biển xa ướp đá dài ngày", chị Võ Thị Sương cho biết.

Chiều quê yên ả trôi. Chợt có tiếng rao trên đường làng: "Ai mua cá không? Cá tươi đây...!". Nhiều phụ nữ vội vã rời nhà bước nhanh ra đường đón đợi. Họ tụ tập bên người phụ nữ miền biển với chiếc xe máy chất những rổ nhựa đựng cá vừa vớt lên từ biển. Họ rôm rả nói cười rồi lựa mua mớ cá tươi mang về chế biến món ăn trong bữa cơm trong chiều muộn.

Mớ cá nục được rửa sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Đun sôi nồi nước trên bếp lửa cháy bập bùng. Tiếp đến, cho cá vào nồi cùng ít muối hạt và vài lát ớt xắt mỏng. Sau đó, cho thêm ít đường và bột ngọt vào nồi. Cá vừa chín, cho hành lá và ngò rí xắt nhỏ, rắc ít tiêu lên trên rồi nhấc xuống khỏi bếp. Thế là đã có món cá kho thơm ngon, ngọt lành.

Mớ cá thửng tươi cũng sẽ cho những món ngon như làm chả, nướng, kho... và nhất là nấu canh chua với giá đỗ cùng lá giang xanh mướt. Dùng dao chặt vi, cạo vảy rồi móc bỏ mang và bụng. Sau đó cắt khúc ngắn rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Chờ nước sôi thì cho cá cùng muối hạt và ớt xắt mỏng vào nồi. Vò giập lá giang bỏ vào nồi khi những khúc cá lững lờ trong nước. Đợi nước sôi trở lại cho giá đỗ cùng rau thơm xắt nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi nhấc xuống khỏi bếp. Bữa cơm có món canh chua nấu cá thửng cho gia đình thêm ấm cúng. Cơm gạo lúa mới dẻo thơm hơn thường ngày. (Còn nữa)

Luoi thung 3

Nghề lưới thúng mang nhiều nỗi nhọc nhằn. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nghề phụ nhưng thu nhập chính

Biển cạn cá tôm và giá cả xăng dầu biến động bất thường khiến nhiều tàu cá giã cào làm ăn thất bát. Chủ tàu thua lỗ, ngư dân đi bạn trắng tay sau nhiều chuyến ra khơi. Nhiều ngư dân đi bạn vay mượn tiền sắm thúng và lưới mưu sinh ở vùng biển gần bờ. Dẫu đánh bắt ít nhưng vẫn có thể kiếm chút đỉnh để lo cho gia đình. "Lúc trước tôi cũng hành nghề giã cào nhưng làm ăn lụn bại nên giờ chuyển qua lưới thúng. Nghề này không giàu nhưng cũng đắp đổi qua ngày chú à!", ngư dân Nguyễn Phương tâm sự.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm