| Hotline: 0983.970.780

Bất an vì lo mất an ninh nguồn nước

Thứ Tư 15/09/2021 , 07:42 (GMT+7)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, khô hạn thường xuyên xảy ra, ngành chức năng Bình Định cảm thấy bất an vì lo mất an ninh nguồn nước.

Không kiểm soát được nguồn nước

Bình Định là tỉnh nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ảnh hưởng khí hậu. Nhiều năm liên tiếp gần đây, trên địa bàn Bình Định hạn hán thường xuyên xảy ra, đáng quan ngại là có nhiều năm suốt 6 - 7 tháng liền Bình Định không có mưa, người thì bị thiếu nước sinh hoạt đến héo hắt, cây trồng thì thiếu nước tưới ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Thêm vào đó, rừng nguyên sinh trên địa bàn mất dần do nhiều lý do khiến nguồn nước thượng nguồn ngày càng suy kiệt.

Sông Kôn, 1 trong 3 con sông lớn ở Bình Định trơ đáy trong mùa khô. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sông Kôn, 1 trong 3 con sông lớn ở Bình Định trơ đáy trong mùa khô. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo nhận định của ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nguồn nước trên địa bàn tỉnh này ngày càng thiếu. Bởi, nhu cầu sử dụng nước  tăng. Nhiều khu dân cư mới mọc lên, dẫn tới nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao. Thêm vào đó, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất công nghiệp ngày càng có nhu cầu lớn. Trong khi nguồn nước thì ngày càng bị suy kiệt, nên nạn khủng hoảng thiếu nước thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

Cũng theo ông Chương, để tiến tới giải quyết an ninh nguồn nước, trong thời gian tới, Bình Định cần phải tính toán kỹ nguồn nước và nhu cầu sử dụng để cân đối và có biện pháp sử dụng phù hợp. Trước tiên cần phải xác định cụ thể lượng nước cần sử dụng trong năm là bao nhiêu; trong đó, nước sinh hoạt của người dân cần bao nhiêu; các ngành trồng trọt, chăn nuôi gia súc - gia cầm, nuôi trồng thủy sản, ngành du lịch và sản xuất công nghiệp mỗi ngành sử dụng bao nhiêu nước trong năm. Sau đó tính toán lượng nước đến hàng năm để cân đối thừa thiếu, đồng thời ngành chức năng đề xuất tỉnh ban hành các giải pháp sử dụng nước phù hợp để hướng đến an ninh nguồn nước trên địa bàn.

“Để từng bước giữ an ninh nguồn nước cần phải có sự tham gia của các ngành kinh tế đang hoạt động trên địa bàn. Từng ngành phải tự cân đối và có biện pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm để tránh tình trạng khủng hoảng thiếu nước. Ngành chức năng thì phải tính đến phương án tích trữ nước trong mùa mưa để cung cấp dần đáp ứng cho các nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn trong mùa khô”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

Thực tế tại Bình Định cho thấy, vào những mùa mưa nước thừa thãi đến tràn về đồng bằng gây xói lở dẫn đến nạn sa bồi thủy phá, đến mùa khô thì khắp nơi khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm nào chính quyền các cấp phải gồng mình chống hạn.

Đến mùa khô, người dân xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) phải ra những con suối nhỏ múc nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến mùa khô, người dân xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) phải ra những con suối nhỏ múc nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tình trạng mất an ninh nguồn nước ngày càn bộc lộ rõ. Ví như ngày xưa đi vào rừng còn thấy nước chảy róc rách trong những con suối, giờ này thì những lòng suối bày trơ đá không còn chút nước, đến cả những con sông lớn như sông Kôn cũng trơ đáy trong những mùa khô. Sự mất an ninh nguồn nước còn được hiển hiện qua mạch nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm không sử dụng được, hoặc những dòng nước trong các kênh mương bị ô nhiễm vì thuốc BVTV và rác rưởi”, ông Chương chia sẻ thêm.

An toàn hồ đập để đảm bảo an ninh nguồn nước

Một trong những giải pháp giữ an ninh nguồn nước là tăng cường công tác bảo vệ an toàn hồ đập. Bởi, chính các hồ chứa thủy lợi  là công cụ tích trữ nước trong những mùa mưa, để bước sang mùa khô cung ứng cho các nhu cầu sử dụng nước.

Đặc thù của hồ đập thủy lợi là xây dựng trên cao và “dầm mưa dãi nắng” quanh năm nên dễ bị xuống cấp, mất an toàn trong những mùa mưa bão. Thêm vào đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn Bình Định đều được xây dựng từ thập niên 80 (thế kỷ 20), mức độ đầu tư xây dựng vào thời điểm ấy chưa đúng yêu cầu, cộng thêm trình độ thi công còn hạn chế, nên qua thời gian dài khai thác giờ đã trở nên “rệu rã”.

Vào mùa khô, nhiều hồ chứa nhỏ ở Bình Định thường xuyên cạn kiệt nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vào mùa khô, nhiều hồ chứa nhỏ ở Bình Định thường xuyên cạn kiệt nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ngành chức năng, ở Bình Định hiện có 165 hồ chứa thủy lợi, trong đó chỉ có 15 hồ có dung tích chứa lớn, số còn lại là hồ có dung tích chứa vừa và nhỏ. Do đó, lượng nước tích trữ trong mùa mưa không đủ trang trải cho các nhu cầu sử dụng nước trong tỉnh vào mùa khô.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đơn cử: “Ngoài hồ Định Bình có dung tích chứa 226 triệu khối thì lượng nước tích trữ hàng năm đủ khả năng cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho sản xuất nông nghiệp các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, còn những địa phương có những hồ chứa vừa và nhỏ thì thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô. Ví như, vùng từ thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) trở ra đến cuối xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), dù năm nào ngành thủy lợi tỉnh cũng tính toán chi li trong việc tích nước ở các hồ chứa nhưng cứ đến mùa khô là xảy ra thiếu nước trầm trọng”.

Vai trò của hồ đập quan trọng là vậy trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, nên chính quyền và ngành chức năng Bình Định luôn đặt công tác bảo vệ an toàn hồ đập trong mùa mưa bão lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Mối lo lớn của Bình Định hiện nay là những hồ chứa nhỏ đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là những hồ chứa đang có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

“Trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn Bình Định còn 25 hồ chứa nước qua thời gian dài vận hành và do tác động của thiên nhiên nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong những năm qua tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa được 7 công trình, số hồ còn lại là những đối tượng cần được quan tâm trong công tác an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão tới đây”, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho hay.

Hư hỏng tại các hồ chứa nói trên tập trung ở phần đập, đập bị thấm, bị biến dạng mái đập và nứt thân đập. Nhiều hồ tràn xả lũ chưa được gia cố xảy ra hiện tượng nứt, xói lở chân tràn, đuôi tràn và bể tiêu năng. Hầu hết tràn của những hồ bị hư hỏng đều thiếu khả năng xả lũ. Trong khi theo ngành chuyên môn, khi các tràn xả lũ đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn.

Hơn thế, các hồ chứa nước ở Bình Định được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên lạc hậu đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Trong khi hiện nay mưa trở nên cực đoan hơn, nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu sẽ dẫn đến mất an toàn. Do đó, trong mùa mưa lũ, những hồ chứa nói trên luôn được sự quan tâm đặc biệt của ngành chức năng.

Bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ chính là để bảo đảm an ninh nguồn nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ chính là để bảo đảm an ninh nguồn nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn đối với những hồ chứa trọng điểm, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai các hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội và đập dâng Văn Phong. Phương án được duyệt quy định rất cụ thể về công tác vận hành, điều tiết và trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các hồ chứa nói trên.

Cùng với đó, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phải phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp cho những công trình hồ chứa do đơn vị quản lý nằm trên địa bàn các huyện.

“Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã xây dựng nhiều kịch bản và phương án xử lý tình huống; quy định cụ thể về thông tin các trường hợp khẩn cấp; chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, máy móc tại chỗ để ứng cứu khi có sự cố; huy động lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ và di dời kịp thời người dân trong vùng bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.