| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất Trung ương bố trí 310.000 tỷ đồng để bảo đảm an ninh nguồn nước

Thứ Năm 26/08/2021 , 09:27 (GMT+7)

Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 có nội dung bao trùm, liên quan đến tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Mục tiêu lớn, mang tính bao trùm

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và tiếp thu ý kiến của địa phương, các nhà khoa học và tổ chức quốc tế để hoàn thiện hồ sơ Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ thông qua (tại Tờ trình số 5234/TTr-BNN-TCTL ngày 17/8/2021).

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác khảo sát nguồn nước tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: TL.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác khảo sát nguồn nước tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: TL.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án đến năm 2030 là đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng. Đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Đặc biệt, Đề án đưa ra những chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tiết kiệm nước.

Song song với đó, 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trong đó ít nhất 20% nước thải sau xử lý được tái sử dụng; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý... 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa.

Để làm được điều đó, cần phải có giải pháp để duy trì tỷ lệ che phủ rừng 42% đến 43%, diện tích rừng tự nhiên từ 10,3 triệu ha đến 10,5 triệu ha, trong đó 20% được nâng cao chất lượng tạo nguồn sinh thủy, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế. Nâng dần chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia...

Nguồn vốn thực hiện đến năm 2030 tối thiểu 610.000 tỷ đồng

Nguồn vốn thực hiện dự kiến tối thiểu 610.000 tỷ đồng đến năm 2030, trong đó ngân sách Trung ương là 310.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 250.000 tỷ đồng, huy động xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác 50.000 tỷ đồng.

Bộ NN-PTNT giải thích rõ: “Kinh phí đề xuất trong Đề án là tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương với số lượng lớn, khó đáp ứng trong ngắn hạn”. Do đó, kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương lớn khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở để Chính phủ cân đối trình Quốc hội theo Luật Đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước.

Trước mắt, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ sẽ bố trí nguồn lực trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với yêu cầu mục tiêu, giải pháp của Đề án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Hồ thuỷ điện Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.

Hồ thuỷ điện Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.

Theo Bộ NN-PTNT, để đạt được những mục tiêu rất lớn đó, trước tiên cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hoá, xã hội hoá, chuyển đổi số; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước; khai thác và cung cấp dịch vụ nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm... Đồng thời thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; rà soát, xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo đạt chuẩn.

Về huy động nguồn lực để triển khai dự án, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Vốn đầu tư công sẽ mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút, lan toả vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà nước sẽ thu hút vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, công trình an sinh xã hội.

Hình thành mạng lưới nguồn nước quốc gia

Để chủ động cấp, tưới, tiêu thoát nước, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp công trình và cả phi công trình.

Theo đó, đối với nhóm giải pháp phi công trình, phải tổ chức lại các ngành sản xuất, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp  bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn nước ở từng địa phương; củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại thời vụ, diện tích, giống cây trồng, vật nuôi theo định hướng chuỗi giá trị của các nhóm sản phẩm chủ lực, phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng, miền, địa phương, lưu vực sông, hệ thống thủy lợi, nghiên cứu phát triển các giống cây trồng, vật nuôi sử dụng ít nước, có khả năng chịu mặn...

Điều hoà, phân phối nguồn nước từ các công trình thủy lợi, thủy điện. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành.

Còn đối với các giải pháp công trình, Đề án xác định cần xây dựng các hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu, công trình kiểm soát mặn – ngọt tại vùng cửa sông lớn, công trình chuyển nước, kết nối, liên kết nguồn nước, khép kín hệ thống thủy lợi, bảo đảm chủ động trữ nước ngọt, điều hoà, phân phối nguồn nước trong nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc, hình thành mạng lưới nguồn nước quốc gia, chủ động điều tiết, phân bổ nước cho vùng kinh tế trọng điểm, ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch nông thôn, đô thị, ưu tiên những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài phụ:

Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước

Theo rà soát của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 7.800 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia...

Do đó, cần kiện toàn, củng cố tổ chức, phân cấp quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hoá công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước.

Đồng thời cần đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, phương án ứng phó thiên tai với các tình huống khẩn cấp cho các đập, hồ chứa nước.

Đặc biệt, đối với nhóm giải pháp phi công trình, cần phải tập trung hòan thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng chống lũ vào năm 2025, đặc biệt đối với đập, hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh... xây dựng các hồ chứa nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng để trữ nước, chuyển nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đẩy mặn, cắt lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra hàng loạt các giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; bảo đảm chất lượng môi trường nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát an ninh nguồn nước; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế và truyền thông, nâng cao nhận thức...

Theo Bộ NN-PTNT, trong quá trình xây dựng Đề án, có ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho xây dựng Chương trình đầu tư công để thực hiện Đề án.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.