| Hotline: 0983.970.780

Bất cập của hệ thống thú y cơ sở

Thứ Tư 27/04/2022 , 08:59 (GMT+7)

QUẢNG NINH Việc thu gọn đầu mối hoạt động của hệ thống thú y cơ sở nảy sinh khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Quảng Ninh có diễn biến khá phức tạp. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như lở mồm long, cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, dại… xuất hiện ngay từ đầu năm, gia tăng so với cùng kỳ và xuất hiện chủng cúm gia cầm mới A/H5N8.

Tính đến cuối năm 2021, Quảng Ninh đã ghi nhận tổng số 99 ổ dịch (10 ổ dịch cúm gia cầm, 2 ổ dịch lở mồm long móng, 40 ổ dịch tả lợn Châu Phi, 41 ổ dịch viêm da nổi cục, 6 ổ dịch bệnh dại) cao hơn 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số gia súc, gia cầm bệnh buộc phải tiêu hủy là 56.984 con (trong đó trâu, bò 67 con; 1.452 con lợn, 55.443 con gia cầm; 22 con chó), ước tính thiệt hại 8,2 tỷ đổng.

Mặc dù trong năm phát sinh một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở NN-PTNT đã phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp nhằm phục hồi công tác chăn nuôi, duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.

Tiêm phòng cho bò tại công ty Phú Lâm (Móng Cái. Quảng Ninh). Ảnh: Viết Cường.

Tiêm phòng cho bò tại công ty Phú Lâm (Móng Cái. Quảng Ninh). Ảnh: Viết Cường.

Tiên phong trong công tác thú y là các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện. Đây là cơ quan được thành lập trên cơ sở hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và bộ phận khuyến nông, thực hiện việc bổ sung chức danh nhân viên thú y xã, phường vào danh sách cán bộ không chuyên trách cấp xã, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Có thể nói, các trung tâm này đã nâng cao tính chủ động cũng như năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mạng lưới thú y.

Cụ thể, tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Các trung tâm thuộc cấp huyện quản lý toàn diện, nên được chỉ đạo sát sao về công tác cán bộ và kinh phí hoạt động, giúp cải thiện rõ rệt về hiệu quả của công tác phát hiện, thông tin và tổ chức dập dịch ngay từ những ổ dịch nhỏ nhen nhóm từ cấp hộ gia đình.

Cùng với đó, do đã tiến hành bổ sung chức danh nhân viên thú y xã, phường vào danh sách cán bộ không chuyên trách cấp xã, toàn tỉnh hiện đã không còn Ban chăn nuôi thú y ở xã, phường, thị trấn.

Đội ngũ nhân viên thú y cấp xã đảm nhiệm cùng lúc công tác chăn nuôi và thú y tại địa phương về xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dịch, tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc, có trình độ chuyên môn phù hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hoạt động của cấp cơ sở cũng gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, do hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương được quy định theo Luật Thú y và các hoạt động chuyên ngành được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Vì vậy, sau khi sáp nhập các đơn vị, đã phát sinh những khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện các quy định, nhiệm vụ theo luật và các nghị định, thông tư, do hệ thống ngành không phù hợp với các văn bản quy định.

Cùng với đó, do chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, hoạt động với các chuyên ngành khác nhau, nhiệm vụ chính là các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ. Vì vậy, việc phối hợp phòng chống dịch, giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trong công tác thú y giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khi có dịch bệnh xảy ra cùng lúc trên phạm vi rộng, việc điều chuyển cán bộ thú y từ địa phương này sang hỗ trợ địa phương khác để dập dịch không được chủ động.

Do lực lượng cán bộ thú y tại một số địa phương còn mỏng, những hộ, trang trại chăn nuôi lớn luôn chủ động trong công tác phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ảnh: Viết Cường.

Do lực lượng cán bộ thú y tại một số địa phương còn mỏng, những hộ, trang trại chăn nuôi lớn luôn chủ động trong công tác phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ảnh: Viết Cường.

Qua rà soát cho thấy, số lượng cán bộ có chuyên môn trong ngành chăn nuôi, thú y từ cấp huyện đến cấp xã đều thiếu. Do đó, công tác tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ chưa đủ yêu cầu để phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch đối với động vật, trong khi đặc thù các địa phương đều phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, theo quy mô nông hộ.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Ninh, lực lượng thú y cơ sở, thú y cấp huyện hiện nay rất mỏng, chế độ phụ cấp thấp, địa bàn quản lý lĩnh vực rất rộng nên gặp rất nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, kinh phí cấp để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh còn chậm và thiếu, đặc biệt kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương chưa được quan tâm dẫn đến còn nhiều hạn chế trong công tác xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 169 nhân viên thú y tại cấp xã, trong đó có 11 người làm kiêm nhiệm. Nhân viên thú y cấp xã được hưởng mức phụ cấp 1,0 mức lương cơ sở theo Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; 11 người hưởng phụ cấp kiêm nhiệm do làm thêm chức danh khác tại xã, phường (như khuyến nông, phụ nữ, đoàn thanh niên…), tùy thuộc vào tình hình ngân sách địa phương có thể được chi trả thêm từ 35 - 50% mức phụ cấp của công việc chính.

Việc sớm có cơ chế, biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế nói trên sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động về chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

 Năm 2021, Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Ninh đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y, thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh; 1 lớp đào tạo cấp chứng chỉ ISO cho 8 cán bộ mới được tuyển dụng và cán bộ chăn nuôi, thú y.

Xem thêm
Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.